Cổng thông tin điện tử

Hội Nông dân tỉnh thanh hóa

Xây dựng nông thôn mới bắt đầu từ mỗi gia đình

Đăng ngày 15 - 04 - 2015
100%

 Cánh đồng lúa nước của bà con bản Sáng, xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát nằm lọt trong thung lũng giữa những vạt đồi. Nhìn xa, từng khoảnh ruộng bậc thang đều sát nhau cứ thoải dần rồi trũng xuống như chiếc ô lật ngửa. Đôi chỗ, con suối Sim hiện mình rồi lại ẩn đi, uốn lượn giống như con trăn khổng lồ đang tắm nắng, tất cả hòa quện vào nhau tạo nên một bức tranh thủy mặc đẹp tuyệt vời.

 Là xã vùng cao nhưng Quang Chiểu lại phát triển kinh tế nhờ trồng lúa nước dù tập tục phát rẫy làm nương đã gắn chặt với nếp sống đồng bào miền núi bao đời. Với tổng diện tích 316,6ha lúa nước, xã Quang Chiểu được coi là địa phương có diện tích lúa nước lớn nhất huyện Mường Lát. Có được vậy một phần là thiên nhiên ưu đãi, phần nhiều là công sức lao động cần mẫn từ đời này qua đời khác của người dân nơi đây, những triền đồi, sườn dốc nơi nào có thể sản xuất đều được bà con phát quang, cày cuốc cải tạo rồi dẫn nước cấy lúa... Dù được thiên nhiên ưu ái, cần mẫn lao động là vậy nhưng trước năm 2011, năng suất lúa nước xã Quang Chiểu chỉ đạt trên 2 tấn/ha, đa số không đủ nguồn lương thực phục vụ cho sinh hoạt gia đình. Một trong 13 bản của xã Quang Chiểu,  trước đây bà con bản Sáng cũng canh tác lúa nước với phương thức lạc hậu, chỉ làm đất, không chăm bón gì. Gia đình nào có thì bón một ít phân chuồng, còn lại là “cấy chay” và mỗi nhà một thứ giống, chủ yếu là giống bản địa đã thoái hóa do bà con tự để lại từ vụ trước… nên năng suất lúa không cao. Mọi chuyện trở nên thay đổi từ năm 2011, bắt đầu từ cây lúa nước và được bà con nhớ đến nhiều hơn khi đúng thời điểm này, bản Sáng được chọn là địa phương đầu tiên của huyện tiến hành xây dựng nông thôn mới (NTM). Nhớ lại khi vận động bà con trồng lúa nước bằng giống lúa nếp DT52 thay cho giống lúa nếp cũ đã thoái hóa mà nhiều năm liền bà con vẫn dùng để canh tác, ông Mai Văn Ngọc, chủ tịch Hội Nông dân huyện, cho biết: Bắt đầu từ khi làm đất, gieo mạ, bón phân, rồi làm cỏ, cán bộ Hội Nông dân huyện phải tự làm, vừa làm vừa hướng dẫn, "cắm bản" liên tục cho đến lúc cây lúa được thu hoạch, cân đong cho bà con thấy được năng suất hơn vụ trước... thì mới có kết quả. Việc tổ chức tập huấn để chuyển giao khoa học - kỹ thuật (KHKT) cách tốt nhất là nói đến đâu, làm đến đó, tất cả đều trực tiếp ngoài đồng chứ cứ phổ biến ở hội trường xã cả ngày thì cũng chẳng ngấm được vào đầu... Mới đầu nghe ra thì cũng khó hình dung, nhưng với thâm niên hơn nửa đời người gắn bó ở mảnh đất vùng cao nên ông Ngọc đã tích lũy được vô số là kinh nghiệm thực tiễn, theo ông với bà con địa phương ở đây thì tập huấn, hướng dẫn phải theo cách “cầm tay chỉ việc” là hiệu quả hơn cả. Trong quá trình triển khai mô hình, cũng là khi cán bộ các ngành tuyên truyền về chủ trương xây dựng NTM.

Ông Lương Minh Thông, Bí thư Huyện ủy Mường Lát khẳng định: Do nhiều yếu tố, trong đó có điều kiện giao thông đi lại khó khăn, mặt bằng dân trí thấp nên đời sống của đại đa số các xã trên huyện còn nghèo, tỷ lệ hộ nghèo, thiếu đói rất cao, chính vì vậy việc huy động sức dân để xây dựng NTM là vô cùng khó. Trăn trở nhiều nhưng hướng đi chỉ có một mà huyện đã xác định là làm sao để tạo cho bà con có cái ăn, cái để, có nguồn lực thì tuyên truyền gì bà con cũng nghe theo và khi đó có huy động thì cũng mới kết quả. Hiệu quả từ mô hình ở bản Sáng được nhân rộng lên toàn xã. Không dừng lại ở cây lúa nước, Hội Nông dân huyện lại tiếp tục hướng dẫn bà con trồng cây ngô lai, chăn nuôi trâu bò, hỗ trợ giống cây lâm nghiệp, trồng các loại rau xanh, dược liệu... đời sống của người dân bản Sáng đang “sáng” lên từng ngày, đúng như cái tên đã có tự bao giờ.

Đến thăm gia đình ông Lương Văn Lế, trước kia với 5 sào lúa nước, 7 sào ngô nhưng gia đình ông chưa bao giờ đủ lương thực dùng, năm nào cũng thiếu nửa năm. Từ khi được Hội Nông dân hướng dẫn kỹ thuật làm lúa nước, ngô lai, dược liệu, nhà ông không những đủ ăn mà còn dư dật mỗi năm 50 triệu đồng mua sắm đầy đủ các đồ dùng sinh hoạt gia đình và nhân giống đàn bò từ 2 con lên 13 con... Hay chính gia đình trưởng bản Lương Văn Trường cũng vậy, từ chỗ chỉ đủ ăn, nay đã trở nên giàu có với đủ các vật dụng như: máy làm đất, máy xay sát, xe máy, 10 con trâu bò, nuôi được 2 con đang đi học ở thành phố. Không giấu nổi nét mặt tự hào, phấn khởi, ông Trường khoe: Dân bản nhớ ơn Đảng, Nhà nước đã đem ánh sáng đến với bản. Chưa hình dung nổi “cái NTM” là thế nào, nhưng mình thấy cái bụng dân bản hết đói, cái nhà hết dột, nhà có xe máy để đi, cái ti vi để xem... là mình thấy “mới” nhiều rồi. Ngày trước bà con không đủ ăn nên quanh năm lo vào rừng săn con thú, chặt cây gỗ, không có lúc nào cái bụng biết nghĩ đến NTM, từ khi được cán bộ Hội Nông dân đưa cái giống mới xuống ruộng, lên đồi, nhà nào cũng thêm nhiều thóc, nhiều ngô. Bà con bảo nhau phải làm NTM để thóc, ngô nhiều nhiều hơn nữa... Thật vậy, từ chỗ thiếu ăn 6 tháng mỗi năm, nay người dân bản Sáng đã có của ăn, của để nhờ sản lượng ngô, lúa cao gấp 3 trước đây, đồi rừng xanh tốt bà con đã có điều kiện mua sắm các vật dụng phục vụ đời sống, sản xuất, không còn phá rừng nữa. Cả bản có 74 hộ là đồng bào dân tộc Thái nhưng có tới 115 chiếc xe máy, mỗi hộ đều có một máy xay sát, 2 hộ có một máy làm đất. Bà con tin tưởng vào hội, tham gia sinh hoạt hội với 98 hội viên/74 hộ nông nghiệp.  

Với đặc thù địa hình như bản Sáng, một số tiêu chí như: thủy lợi nội đồng, giao thông nông thôn, trường học... thì khó có thể thực hiện được như các địa phương miền xuôi, tuy nhiên, một số tiêu chí tuy chưa được các cơ quan chuyên môn thẩm định để công nhận đạt nhưng đã "hiển hiện" rõ nét trong cuộc sống hàng ngày của người dân nơi đây, đó là vệ sinh môi trường được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người tới 18 triệu đồng/năm, 100% dân bản sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; bản không có hộ nghèo, chỉ có 1 hộ thuộc diện cận nghèo... Dẫu vẫn biết rằng rất khó để có thể thực hiện tất cả các tiêu chí NTM ở những địa phương miền núi cao, vùng sâu, vùng xa như bản Sáng, nhưng NTM có lẽ nên bắt đầu từ sự đổi thay trong nếp nghĩ, cách sống, cách làm của mỗi người, mỗi nhà, trong niềm vui được mùa của bà con nông dân, trong tiếng cười trong trẻo của trẻ thơ khi cắp sách đến trường, trong sự ấm êm hạnh phúc của từng gia đình...

Mùa mưa, khi con suối Sim đổ dòng nước đục ngầu như một lời cảnh báo để bà con bản Sim, bản Sáng nơi thượng nguồn biết con lũ sắp về. Mùa xuân này, khi con suối Sim trong veo bỗng gợn lên những vệt phù xa đục mờ lại là tín hiệu mừng để bà con bắt tay vào gieo cấy vụ chiêm xuân.  “Gia đình mạnh thì mới có bản mạnh, nhiều bản mạnh thì mới có xã mạnh. Chúng mình xây dựng NTM để bản Sáng ngày càng sáng thêm cán bộ à!” - với tay châm điếu thuốc lào rít một hơi dài sảng khoái, trưởng bản Lương Văn Trường như tự thưởng cho mình khi nói lên một điều thật giản dị đó. 

Ý kiến bạn đọc
    <

    Tin mới nhất

    Ký kết chương trình phối hợp tuyên truyền giữa Báo Thanh Hóa với Hội Nông dân tỉnh(15/04/2024 11:01 SA)

    Chú trọng phát triển đảng viên trong hội nông dân(19/03/2024 8:35 SA)

    Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa trao quà động viên tân binh lên đường làm nghĩa vụ quân sự(28/02/2024 8:07 SA)

    Hội Nông dân huyện Đông Sơn: Học Bác để đồng hành cùng nông dân(28/02/2024 8:04 SA)

    Thủ tướng Phạm Minh Chính xuống đồng cùng nông dân tỉnh Hải Dương(16/02/2024 3:07 CH)

    Hội Nông dân huyện Ngọc Lặc học Bác từ những việc làm cụ thể, thường xuyên(01/02/2024 10:06 SA)

    Xứng đáng là chỗ dựa tin cậy của nông dân(19/01/2024 4:29 CH)

    Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa tái cử Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam(19/01/2024 4:28 CH)