Cổng thông tin điện tử

Hội Nông dân tỉnh thanh hóa

Kinh nghiệm của người nông dân nuôi hàu sữa thành công

Đăng ngày 15 - 11 - 2019
100%

Khai thác thế mạnh nuôi trồng thủy sản ven bờ, gia đình chị Nguyễn Thị Tuyết Ngân, thôn Đoan Hùng, xã Hải Bình, huyện Tĩnh Gia đã đầu tư nuôi hàu sữa đem về thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

         Hàu là một loài động vật rộng nhiệt nên dễ thích nghi với các điều kiện khí hậu khác nhau, sống bám lên nền đá, vách đá ven bờ biển hoặc nơi cửa sông, nơi có dòng chảy và thủy triều thường xuyên lên xuống, những nơi có thực vật phù du phong phú làm thức ăn. Nuôi hàu sữa là một nghề nuôi trồng mới nhưng dễ nuôi, có chi phí đầu tư ban đầu thấp, thu nhập cao vì vậy đây được xem là mô hình kinh tế hiệu quả cho người dân vùng ven các cửa sông.

Mô hình nuôi hàu sữa của gia đình chị Nguyễn Thị Tuyết Ngân, thôn Đoan Hùng, xã Hải Bình, huyện Tĩnh Gia

        Gia đình chị Ngân, là hộ tiên phong trong việc xây dựng mô hình nuôi hàu sữa ở xã Hải Bình. Đầu năm 2013, sau nhiều năm sống bằng nghề khai thác, đánh bắt, con hàu sữa mỗi khi bắt được là chị đều bán ngay với giá cao. Nhưng thi thoảng mới có được mẻ hàu. Từ những lần bán hàu, chị chợt nảy ra ý định: sao không nuôi loại thủy sản này? Vậy là thông qua những gia đình đã nuôi thành công ở các địa phương khác, chị đã đến tìm hiểu học hỏi kỹ thuật nuôi hàu sữa, sau đó mua con giống về nuôi thử nghiệm. Ban đầu, nguồn vốn eo hẹp, bằng sự giúp đỡ của Hội Nông dân (HND) xã chị vay 100 triệu đồng để mua giống và các vật dụng cần thiết cho sản xuất của mình. Lứa đầu tiên cho kết quả khả quan, chị đã mạnh dạn vay thêm từ người thân đầu tư trên 400 triệu đồng để mở rộng 12 bè hàu. Vậy là, từ những đồng vốn ít ỏi ban đầu, sau 2 vụ nuôi, chị Ngân đã phát triển mở rộng mô hình lên 5.000 con hàu mỗi lứa, trên diện tích 1.000m2 giàn. Với cách nuôi gối đầu, tức là mỗi lứa thả cách nhau khoảng 3 ngày, như vậy chị liên tục có hàu thương phẩm để bán, tạo nguồn thu hàng ngày và giảm việc chi phí đầu vào, điều tiết nguồn cung không để sản phẩm ứ đọng.

        Trước đây, người dân địa phương cũng nuôi nuôi hàu sữa theo cách truyền thống, vì vậy thời gian nuôi có thể kéo dài từ 7 đến 8 tháng. Do thời gian dài và thả cùng lúc nên nhiều khi thị trường khan hiếm không có để bán. Ngược lại, khi thu hoạch thì tiêu thụ không kịp dẫn đến thất thiệt cho ngư dân. Với phương pháp nuôi treo giàn, người nuôi xây dựng các giàn nổi trên mặt nước, sau đó dùng cước chuyên dụng để cột cố định hàu giống, mỗi dây thường nuôi 4 con, khoảng giữa các con hàu là 20cm, treo mỗi dây cách nhau 30cm, từ con cuối cùng cần cách đáy nước 2m. Khoảng cách này đã được các trại nuôi đúc rút từ kinh nghiệm thực tế sao cho các dây hàu không bị va nhau khi sóng lớn và nguồn thức ăn là chất tảo biển, phù xa đủ cho hàu sinh trưởng. Cách nuôi này vừa dễ chăm sóc, theo dõi mức độ phát triển hàng ngày của con hàu và khi khai thác thì cũng rất thuận lợi, có khi thương lái tự chọn lấy những dây hàu ưng  ý. Phương pháp này có ưu điểm là làm giãn mật độ hàu trên mỗi đơn vị diện tích, tiết kiệm không gian bề mặt và đặc biệt hơn là con hàu phát triển tốt nên rút ngắn thời gian nuôi xuống còn từ 5 đến 6 tháng. Khoảng thời gian này cho phép người nuôi có thể thâm canh 2 vụ mỗi năm, như vậy thu nhập cao gần gấp đôi so với trước đây. Hiện tại hàu sữa nuôi tại gia đình chị Ngân sau thời gian 5 đến 6 tháng đạt trọng lượng từ 13 -15 con/kg, đây là loại hàu chuẩn được thực khách và các nhà hàng ưa chuộng nhất, không những dễ chế biến mà loại hàu này thơm ngon và cung cấp nhiều chất dinh dưỡng. Với giá bán khoảng 35.000 đồng/1kg, trung bình mỗi năm gia đình chị thu lãi gần 500 triệu đồng đã trừ chi phí. 

         Theo kinh nghiệm nuôi hàu lâu năm của các hộ dân trong vùng thì yếu tố môi trường rất quan trọng, quyết định chất lượng và tỷ lệ sống của con hàu. Trước hết, nơi nuôi hàu lý tưởng phải có nguồn nước sạch, lưu thông thường xuyên với dòng chảy nhẹ, nước màu xanh lục, có nhiều sinh vật phù du. Độ mặn thích hợp nhất để nuôi hàu là từ 20 đến 30 phần nghìn. Giàn nuôi hàu phải bảo đảm liên tục duy trì được mực nước, tránh tình trạng khi thủy triều xuống thấp sẽ làm hàu dễ chết hoặc kém phát triển. Khu vực nuôi phải xa khu dân cư, ít thuyền bè qua lại, tránh nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt. Hàu giống được khai thác tự nhiên, mỗi năm có 2 vụ lấy giống, vụ chính từ tháng tháng 3 đến tháng 4 âm lịch, vụ phụ từ tháng tháng 8 đến tháng 9 âm lịch. Phát triển nuôi hàu sữa thành công, gia đình chị Ngân đã giúp đỡ nhiều gia đình về kỹ thuật, cung ứng con giống và tiêu thụ sản phẩm.

        Nghề nuôi hàu đã có từ lâu tại các vùng cửa sông, tuy nhiên biết áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao thu nhập trên mỗi đơn vị diện tích đang là hướng phát triển tất yếu. Mô hình nuôi hàu sữa của gia đình chị Nguyễn Thị Tuyết Ngân, thôn Đoan Hùng, xã Hải Bình, huyện Tĩnh Gia là một điển hình trong việc tìm tòi, sáng tạo, biết khai thác tiềm năng, thế mạnh, đa dạng hóa trong nuôi trồng thủy hải sản của địa phương để phát triển kinh tế gia đình.

<

Tin mới nhất

Hội Nông dân tỉnh cùng nông dân xử lý rác thải theo hướng thân thiện với môi trường(19/04/2024 4:29 CH)

Hội nghị truyền thông Dự án Xử lý rác thải tại huyện Hà Trung(19/04/2024 4:12 CH)

Thông báo về việc đăng ký tham gia Dự án liên kết hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị,...(17/04/2024 5:21 CH)

3 tháng đầu năm 2024, Hội Nông dân Thanh Hoá tập huấn KHKT cho 10.050 lượt hội viên(15/04/2024 11:37 SA)

Nông dân xã Phú Nhuận ở Thanh Hóa nuôi con đặc sản, bán đắt tiền, thu nhập tăng lên thấy rõ(15/04/2024 11:03 SA)

Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa quyết tâm sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống(15/04/2024 10:52 SA)

Tập huấn nghiệp vụ công tác Hội Nông dân năm 2024(19/03/2024 8:43 SA)

Triển khai Nghị quyết 46 của Bộ Chính trị và nhiều nội dung quan trọng(19/03/2024 8:37 SA)