Cổng thông tin điện tử

Hội Nông dân tỉnh thanh hóa

Ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp ở các huyện miền núi

Đăng ngày 23 - 04 - 2019
100%

Những năm qua, sản xuất nông nghiệp của các huyện miền núi có sự tăng trưởng vượt bậc, năng suất cây trồng, vật nuôi từng bước được nâng lên, chất lượng nông sản được cải thiện theo hướng bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Để có được kết quả đó, các địa phương đã chú trọng áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó ứng dụng khoa học - kỹ thuật (KHKT) đang được coi là khâu tạo sự đột phá.

Ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp ở các huyện miền núiMô hình ứng dụng KHKT vào trồng cây ăn quả của anh Nguyễn Văn Trương, xã Cát Tân (Như Xuân).

Được hướng dẫn của cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), UBND huyện Như Xuân, chúng tôi đến thăm khu trồng cây ăn quả ứng dụng KHKT của anh Nguyễn Văn Trương, xã Cát Tân. Trên diện tích gần 20 ha, anh trồng các loại cây, như: Bưởi da xanh, cam đường... Bên cạnh sử dụng các giống cây có năng suất, chất lượng cao, anh còn đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt. Anh Trương chia sẻ: Trước đây, tôi mất khá nhiều chi phí thuê nhân công để tưới cây, tuy nhiên đến mùa hè vẫn rơi vào tình trạng cây bị thiếu nước. Với chi phí đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt cho cây từ 50 đến 60 triệu đồng/ha, tiết kiệm được khoảng 60% nước so với cách tưới thủ công. Bên cạnh đó, còn giảm chi phí thuê nhân công và năng suất cây trồng cũng cao hơn.

Ý thức được vai trò của KHKT với phát triển sản xuất nông nghiệp, được xem là “Chìa khóa” để thực hiện thành công chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, UBND huyện Như Xuân đã triển khai xây dựng, khuyến khích người dân áp dụng và nhân rộng nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi ứng dụng KHKT. Ông Phạm Văn Tuấn, Trưởng Phòng NN&PTNT, cho biết: Đối với sản xuất lúa nước, đã có nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế, như: Mô hình cấy lúa lai, bón phân viên nén dúi sâu ở các xã Tân Bình, Hóa Quỳ, Xuân Bình, Cát Tân, Xuân Quỳ, Yên Lễ... Bên cạnh đó, UBND huyện còn khuyến khích người dân mạnh dạn đưa các giống lúa mới vào khảo nghiệm trên địa bàn các xã Hóa Quỳ, Tân Bình, Cát Tân..., như các giống lúa lai 3 dòng: TEJ vàng, TH3-5... Được biết, loại giống lúa lai này có khả năng chống chịu hạn hán và các loại bệnh tốt hơn các loại giống lúa khác. Việc nhân rộng các mô hình thâm canh lúa lai chất lượng cao, các loại giống mới trên địa bàn toàn huyện đã góp phần quan trọng tăng sản lượng lương thực của huyện và hàng năm đạt từ 25 - 26 nghìn tấn/năm trở lên. Đồng thời, huyện còn tập trung và chuyển giao các tiến bộ KHKT mới vào trồng các loại cây ăn quả, như: Cam, ổi, bưởi Diễn, thanh long ruột đỏ... Đó là: Tưới nước nhỏ giọt, tưới phun mưa, kết hợp bón phân qua nước theo công nghệ NETTAFIM... Cũng theo ông Tuấn, cùng với trồng trọt, người dân trên địa bàn huyện còn chú trọng phát triển chăn nuôi, như: Đưa các giống con mới, bảo tồn các giống địa phương như vịt bầu Thanh Quân, gà ri thả vườn, bò cái sinh sản... Theo đó, các mô hình này đã giúp người dân tiếp cận KHKT mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần thay đổi phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa.

Trong những năm qua, việc ứng dụng KHKT vào sản xuất nông nghiệp ở huyện Như Thanh đã có nhiều bước tiến quan trọng, đạt hiệu quả kinh tế trên hầu hết các lĩnh vực, làm thay đổi tư duy và phương pháp tổ chức sản xuất của người dân. Từ đó, kinh tế của huyện có nhiều khởi sắc, đời sống của người dân được cải thiện, nhiều hộ gia đình thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Theo đó, người dân đã từng bước áp dụng cơ giới hóa từ khâu làm đất, chăm sóc, thu hoạch, cho đến bảo quản và chế biến nông sản. Bên cạnh đó, người dân đã nhân rộng nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trên diện rộng, thử nghiệm giống cây trồng, vật nuôi mới, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau quả... Nhằm tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với các tiến bộ KHKT mới, hằng năm huyện đã triển khai nhiều hoạt động phổ biến KHKT, như: Hội thảo, tập huấn chia sẻ kinh nghiệm cho người dân nhằm chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất. Bên cạnh đó, Phòng NN&PTNT phối hợp với trạm khuyến nông, trạm bảo vệ thực vật, trạm thú y huyện tổ chức các lớp tập huấn cho người dân về các mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai và tập quán sản xuất của người dân trên địa bàn.

Có thể nói, ứng dụng KHKT không những mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn mở ra hướng đi mới trong chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang sản xuất hàng hóa, tăng thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế, tập quán sản xuất của người dân,... nên việc ứng dụng KHKT trong sản xuất nông nghiệp ở các huyện miền núi còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Phần lớn người dân vẫn lo ngại khi áp dụng KHKT năng suất cây trồng cao nhưng lại khó tiêu thụ sản phẩm dẫn đến “được mùa, mất giá”... Bên cạnh đó, thiếu cơ sở vật chất kỹ thuật, vốn hỗ trợ mô hình ít, trình độ của người dân không đều nên chưa thúc đẩy việc phổ biến, áp dụng phương thức canh tác tiến bộ trên diện rộng. Đồng thời, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa hình thành vùng sản xuất tập trung, sản xuất hàng hóa lớn, gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Việc liên kết “4 nhà”, nhất là giữa các đơn vị nghiên cứu khoa học với người dân chưa đồng bộ nên hiệu quả chuyển giao tiến bộ KHKT chưa cao.

Thời gian tới, ngoài việc khuyến khích người dân tiếp tục thực hiện cơ giới hóa, ứng dụng các tiến bộ KHKT, đưa các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước và doanh nghiệp trong việc tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để nông dân mạnh dạn thay đổi tập quán canh tác, áp dụng tiến bộ KHKT mới vào sản xuất. Mặt khác, người nông dân cũng cần mạnh dạn thay đổi tư duy, cách làm cho phù hợp với yêu cầu của cơ chế thị trường, nâng khả năng cạnh tranh và giảm giá thành sản phẩm nông nghiệp.

<

Tin mới nhất

Tháo gỡ khó khăn trong áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp(12/12/2023 5:01 CH)

Hướng đi mới giúp hộ nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững(12/12/2023 4:58 CH)

Đào, quất chuẩn bị cho thị trường tết(12/12/2023 4:48 CH)

Nông thôn mới nâng cao trên quê hương Thiệu Viên(13/11/2023 9:13 SA)

Đẩy nhanh tiến độ trồng cây gai xanh vụ thu(30/08/2022 1:53 CH)

Đồng vui xuân mới(10/02/2022 10:28 SA)

Chín triệu hộ nông dân và 'cuộc đại thay đổi' trên 7 triệu mảnh ruộng(06/01/2022 1:46 CH)

Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 12: Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2021;...(06/12/2021 2:41 CH)