Cổng thông tin điện tử

Hội Nông dân tỉnh thanh hóa

Làm giàu từ trồng phong lan

Đăng ngày 14 - 05 - 2019
100%

Với diện tích 3.000m2 trồng lan, ông Lê Anh Phấn, thôn 1, xã Đông Anh, huyện Đông Sơn mỗi năm cung ứng cho thị trường hàng nghìn giò, với giá dao động từ 1-3 triệu/giò; 7-15 triệu/gốc; gốc to trên 40 triệu. Theo ông Phấn, giá trị của mỗi giò lan rừng phụ thuộc vào độ quý hiếm và vẻ đẹp của loài hoa, nhất là những giò lan ra hoa đột biến có giá trị rất “khủng” và chỉ những người chơi lan, hiểu lan mới biết được giá trị của nó.

Ông Phấn cho biết, gia đình ông có thâm niên trồng lan đã nhiều năm. Lúc đầu, vì yêu thích màu sắc và mùi hương của lan rừng nên chỉ trồng chơi cảnh. Nhưng sau đó, nhận thấy hoa lan có giá trị kinh tế, được nhiều người chơi hoa “săn” lùng nên ông quyết định mở rộng thêm diện tích, sưu tầm thêm nhiều chủng loại, cấy ghép và đầu tư hệ thống tưới phun tự động. Những ngày đầu trồng đại trà, ông còn khá lúng túng, nhất là việc phân loại các giống hoa lan, bởi mỗi loại cần kỹ thuật chăm sóc khác nhau mà lan thì có nhiều chủng loại. Nhưng nhờ chịu khó vừa làm, vừa học hỏi, tham khảo các mô hình trồng lan trên internet nên chỉ sau 2 năm, ông Phấn đã tích lũy được kha khá kiến thức, kinh nghiệm về nghề trồng lan. Từ đây ông thực sự trở thành người trồng lan chuyên nghiệp, thuần thục về kỹ thuật chăm sóc của từng loại lan có thể chăm sóc để cây ra hoa trái mùa, đáp ứng nhu cầu của người chơi. Khi đã có được kiến thức và kỹ thuật chăm sóc ông Phấn bắt đầu tìm và nhập các giống lan rừng ở các vùng miền, từ lan rừng ở trong nước, rừng Lào, rừng Campuchia…Cũng từ đó, hoa lan của gia đình ông được nhiều người biết đến. Trong vườn nhà ông hiện tại có tổng cộng hơn 800 giò phong lan các loại, trong đó: phi Điệp 300 giò, 100 bụi ông cho phong lan bám vào cây thiếc mộc lan, 200 bụi bám vào cây lộc vừng, 100 bụi bám vào gốc gỗ lũa và còn rất nhiều các loại lan quý khác.

Dẫn chúng tôi tham quan vườn lan, ông Phấn chia sẻ: Để có một chậu lan đẹp, đòi hỏi người trồng phải công phu từ việc chọn giống, chọn giá thể sống cho cây lan ký vào như chậu bằng đất nung hay thân cây gỗ. Mỗi loài thích hợp sinh trưởng với một loại giá thể: loại nhiều thân, rễ kim, thường ưa ký vào dớn, xơ của vỏ dừa; như thủy tiên, phi điệp, kim điệp, hoàng thảo...loài một thân, có bộ rễ to lại ưa ký vào thân gỗ, chậu có than củi... Gỗ được chọn làm giá thể phải là loại gỗ bền, được làm sạch trước khi cho lan ký vào (ở vườn nhà, thân cây vú sữa là loại mà lan ưa nhất). Người kỹ tính, cầu kỳ còn bóc vỏ cây gỗ cho thật sạch và nếu là than củi còn được ngâm vào nước gạo trước khi trồng để côn trùng, nấm mốc không có môi trường ẩn náu, làm hại đến cây lan. Mỗi cung bậc, giai đoạn để tạo nên được một chậu lan ưng ý là cả một nghệ thuật, được kết hợp hài hòa giữa con người và thiên nhiên. Những công việc thật nhẹ nhàng, song lại đòi hỏi người chơi lan phải tỷ mẩn, cẩn thận... tạo cho người chơi có những phút giây thư thái, vừa làm vừa thưởng ngoạn thành quả của mình.

Ông Phấn còn cho biết, để cây cho hoa đẹp thì người trồng phải hiểu được đặc tính của loài lan là ưa ánh nắng vừa phải, thoáng nên trước khi trồng cần phải thiết kế vườn đảm bảo các điều kiện trên. Vườn lan của gia đình ông được đầu tư xây dựng kiên cố với hệ thống giàn treo bằng ống kẽm, phía trên có lưới che mát cho ánh sáng vừa phải. Tuy nhiên chơi phong lan, khâu chăm sóc rất quan trọng nhất. Bởi vì cây phong lan vốn sống tự nhiên trong rừng với điều kiện khí hậu mát mẻ quanh năm, anh sáng tự nhiên nên cây thích nghi và sinh trưởng cũng hoàn toàn tự nhiên. Khi chơi với số lượng lớn treo trên giàn sẽ là môi trường lý tưởng cho nhiều loại nấm, ký sinh trùng có hại. Vì vậy ngoài việc chăm sóc thì khâu trị bệnh cũng rất quan trọng vì nếu mắc loại nấm độc ký vào thì vườn lan có thể bị chết hàng loạt. Công việc chăm sóc cũng đòi hỏi kỹ càng, tỷ mẩn như: Ngày tưới 1 lần với mức tưới vừa phải, phun sương. Nước dùng để tưới cũng phải sạch, tránh nước tưới bị nhiễm phèn sẽ sinh ra rong rêu, làm cây kém phát triển. Đặc biệt, trước khi “ép” lan ra hoa phải nuôi dưỡng cây cho khỏe bằng cách bón phân đầy đủ và hợp lý cùng với những bí quyết nghề nghiệp mà ông không chia sẻ cho ai bao giờ. Hiện tại với vườn lan này, mỗi năm đem về cho gia đình ông trên 100 triệu đồng tiền lãi, tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động trong gia đình và là nơi thăm quan của những người say mê loại hoa dân dã nhưng độc đáo và tao nhã này.

 Trong tương lai, ông Phấn sẽ mở rộng diện tích trồng hoa cũng như tìm kiếm nhiều hơn nữa các giống lan rừng đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng. Mô hình trồng lan của gia đình ông Phấn không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao, mà đó còn là nơi để những người đam mê hoa lan trao đổi kinh nghiệm và cảm xúc yêu hoa cho nhau.

<

Tin mới nhất

Hơn 150 hội viên nông dân được tập huấn kiến thức khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông sản thực...(19/04/2024 4:18 CH)

Bàn giao thiết bị hỗ trợ nông dân xây dựng mô hình xử lý rác thải thân thiện môi trường(15/04/2024 11:16 SA)

Hội nghị truyền thông Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam" tại...(15/04/2024 10:57 SA)

Thanh Hoá: Hội vận động nông dân xử lý rác, giảm phát thải khí nhà kính(15/04/2024 10:55 SA)

Nông dân Thanh Hóa đồng lòng xây dựng Nông thôn mới(19/03/2024 8:29 SA)

Hội Nông dân huyện Thiệu Hóa tổ chức hội nghị tập huấn kỹ thuật xây dựng nhà màng, thủ tục chuyển...(19/03/2024 8:20 SA)

Hội Nông dân thành phố Thanh Hóa hỗ trợ gà giống cho các hộ nghèo(19/01/2024 4:31 CH)

Tập huấn Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới cho cán bộ hội nông dân cấp xã(09/11/2023 5:00 CH)