Cổng thông tin điện tử

Hội Nông dân tỉnh thanh hóa

Hết dịch tả lợn châu Phi: Tập trung tái đàn có kiểm soát

Đăng ngày 08 - 04 - 2020
100%

Từ trung tuần tháng 3-2020, tất cả các địa phương trên địa bàn tỉnh đều đã công bố hết dịch bệnh tả lợn châu Phi. Việc tái đàn, phát triển chăn nuôi lợn cũng trở nên cần thiết để khôi phục sản xuất và cung ứng thực phẩm bình ổn thị trường.

Hết dịch tả lợn châu Phi: Tập trung tái đàn có kiểm soátNhiều hộ chăn nuôi lợn xã Vĩnh Phúc (Vĩnh Lộc) đang tiến hành tái đàn lợn.

Tuy nhiên, điều quan trọng là việc thực hiện tái đàn có kiểm soát và chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học để hạn chế dịch bệnh phát sinh.

Kể từ khi dịch bệnh tả lợn châu Phi hoành hành, các địa phương buộc phải tiêu hủy 214.204 con lợn, trọng lượng gần 14.390.219 kg của 25.633 hộ dân. Đến nay, dịch bệnh đã được kiểm soát, tổng đàn lợn đang có xu hướng tăng trở lại do các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, gia trại, trang trại đang tập trung tái đàn, khôi phục sản xuất. Gia đình bà Lương Thị Sáu, thị trấn Tĩnh Gia vừa vào đàn 20 con lợn. Theo bà Sáu, qua theo dõi, dịch bệnh tả lợn châu Phi đã được khống chế, dập tắt hoàn toàn bà mới dám tái đàn. Trước khi tái đàn, gia đình bà đã phun thuốc khử trùng, vệ sinh chuồng trại; lợn giống được mua ở trang trại có địa chỉ rõ ràng, đạt tiêu chuẩn.

Gia trại chăn nuôi lợn của ông Ma Văn Kháng, xã Tế Thắng (Nông Cống) cũng đã tái đàn sau thời gian ngắt quãng do dịch bệnh tả lợn châu Phi, tuy nhiên số lượng lợn chỉ bằng 50% trước kia. Theo ông Kháng, do giá lợn giống lên cao, hơn nữa đề phòng những rủi ro nên ông chọn giải pháp nuôi ít, sau khi nuôi ổn định 30 ngày sẽ lấy mẫu kiểm tra, nếu không xảy ra dịch bệnh, ông mới tăng số lượng lợn nuôi.

Bên cạnh một số hộ chăn nuôi tái đàn lợn có kiểm soát thì vẫn có những hộ tái đàn không theo quy định của ngành chuyên môn, như: Thu mua lợn giống ở nhiều nơi và không có kiểm soát, không có chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y. Dịch bệnh tả lợn châu Phi hiện nay mặc dù đã được kiểm soát nhưng vẫn chưa có vắc-xin phòng bệnh. Hơn nữa, vào thời điểm thời tiết thay đổi thất thường, nguy cơ dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm là rất cao, lây lan nhanh. Để bảo đảm an toàn cho việc tái đàn vật nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh khuyến cáo nông dân cần thực hiện tái đàn có kiểm soát; không tái đàn ồ ạt mà giữ ở mức độ phù hợp, sản xuất theo nhu cầu của thị trường. Riêng đối với việc tái đàn lợn, người chăn nuôi phải thực hiện nuôi cách ly ít nhất 15 ngày trước khi nhập đàn; vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng trại và môi trường chăn nuôi ít nhất 2 lần/tuần; bước đầu chỉ nên tái đàn với số lượng khoảng 10% tổng số lợn có thể nuôi tại cơ sở. Sau khi nuôi tái đàn được 30 ngày, phải thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm, nếu tất cả mẫu xét nghiệm đều âm tính với dịch bệnh tả lợn châu Phi khi đó mới tiếp tục nuôi với quy mô lớn hơn; cần mua con giống ở những địa chỉ có uy tín; tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm và áp dụng các quy trình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học để hạn chế dịch bệnh. Trong quá trình nuôi, cần thường xuyên theo dõi, giám sát sức khỏe đàn lợn để chủ động các biện pháp phòng và trị bệnh. Chi cục cũng khuyến khích các trang trại, gia trại, hộ gia đình thực hiện quy trình chăn nuôi an toàn sinh học vì thực tế cho thấy, trong thời điểm diễn ra dịch bệnh, một số trang trại chăn nuôi theo chuỗi khép kín với việc áp dụng nghiêm ngặt về quy trình chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh đã đứng vững trước cơn bão dịch tả.

Dịch bệnh tả lợn châu Phi đã được kiểm soát, 100% các địa phương trên địa bàn tỉnh đều đã được công bố hết dịch, việc tái đàn khôi phục sản xuất là cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng sản phẩm lợn thịt của người dân. Để tránh nguy cơ dịch bùng phát trở lại, các địa phương cần tiếp tục quản lý, giám sát chặt chẽ việc tái đàn lợn trên địa bàn, bảo đảm các điều kiện an toàn về nguồn giống, kiểm soát dịch bệnh.

<

Tin mới nhất

Tháo gỡ khó khăn trong áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp(12/12/2023 5:01 CH)

Hướng đi mới giúp hộ nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững(12/12/2023 4:58 CH)

Đào, quất chuẩn bị cho thị trường tết(12/12/2023 4:48 CH)

Nông thôn mới nâng cao trên quê hương Thiệu Viên(13/11/2023 9:13 SA)

Đẩy nhanh tiến độ trồng cây gai xanh vụ thu(30/08/2022 1:53 CH)

Đồng vui xuân mới(10/02/2022 10:28 SA)

Chín triệu hộ nông dân và 'cuộc đại thay đổi' trên 7 triệu mảnh ruộng(06/01/2022 1:46 CH)

Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 12: Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2021;...(06/12/2021 2:41 CH)