Cổng thông tin điện tử

Hội Nông dân tỉnh thanh hóa

Khi nông dân biết cách thoát nghèo

Đăng ngày 14 - 04 - 2021
100%

Vượt qua khó khăn, học hỏi, sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả, anh Lê Văn Nhất, thôn Tam Đồng, xã Định Tiến, huyện Yên Định đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu bằng trang trại nuôi gà khép kín. Tấm gương lao động của anh là điển hình tiêu biểu cho việc học tập và làm theo Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Ngược dòng thời gian, trở về lúc mới xây dựng trang trại, anh Nhất chia sẻ. Trước đây, cũng như nhiều hộ ở thôn Tam Đồng, kinh tế của gia đình anh chủ yếu dựa vào vài sào ruộng và hoa màu. Trong giai đoạn đó, anh đã trải qua đủ nghề nào là buôn sắt vụn, làm công nhân chế biến thức ăn chăn nuôi… Mặc dù chăm chỉ, siêng năng, nhưng khéo lo liệu lắm cũng không đủ trang trải sinh hoạt gia đình. Với ước mơ tạo dựng kinh tế gia đình bằng chính sức lao động của mình ngay tại quê hương đã tiếp bước cho anh. Khát khao ấy được sự quan tâm và tiếp sức bằng nguồn vốn 30 triệu vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, cùng với các điều kiện khác như quỹ đất, khoa học kỹ thuật để xây dựng gia trại chăn nuôi gà. Số vốn quý giá này, anh đầu tư mua 200 con gà thả vườn, thức ăn phụ trợ, chuồng trại được anh tận dụng các vật liệu cũ của gia đình. Khởi đầu, chưa có kinh nghiệm, nên anh vừa học hỏi, vừa thực hành, đàn gà cũng dần lớn lên. Theo kinh nghiệm của gia đình, để giúp đàn gà kháng bệnh và chóng lớn, anh sử dụng gạo lức nấu cơm, ủ với men rượu cho ăn thêm, cùng với đó là các loại rau xanh nghiền nhỏ. Anh cho biết: nếu so với sử dụng thức ăn chế biến sẵn của các công ty thì gà lớn nhanh hơn, tuy nhiên nếu dùng thức ăn tự chế, phối trộn thì mình chủ động được và còn giảm chi phí. Qua mấy lứa gà đầu tiên, tuy chưa cho lãi nhiều nhưng số lượng gà hao hụt rất ít, qua đây, anh đã dần trải nghiệm được kiến thức thực tế.

Khi đã nắm vững quy trình chăn nuôi gà bằng cám công nghiệp và cả nuôi bán công nghiệp, năm 2014, anh bắt đầu triển khai xây dựng chuồng trại quy mô lớn. Trên diện tích 1ha, anh chia làm 5 khu vực với hệ thống chuồng trại tiêu chuẩn, có thể nuôi được trên 150 ngàn con mỗi năm. Ở các khu chuồng này được phân chia ra nơi nuôi úm, nơi nuôi gà thương phẩm. Mục đích chia khu này giúp cân bằng nguồn cung ra thị trường, hơn nữa còn giúp kiểm soát từng giai đoạn phát triển của gà. Yếu tố này còn giúp anh không bị ngắt quãng thời gian tái đàn, vừa có thời gian vệ sinh chuồng trại giữa 2 lần nuôi. Để đảm bảo chăm sóc đàn gà và tiết giảm công lao động, anh đầu tư trang bị  hệ thống chuồng nuôi khép kín, đồng bộ gồm đèn chiếu sáng tự động điều chỉnh nhiệt độ cho khu gà con, quạt thông gió, dàn nước làm mát, máy phát điện dự phòng, máng ăn, nước uống tự động. Qua 6 năm chăn nuôi gà với số lượng lớn, cũng trong thời gian đó, dịch cúm gia cầm và các bệnh khác xuất hiện nhiều, tuy nhiên trại của anh vẫn an toàn. Có được điều này trước tiên là công tác tiêm phòng phải tuân thủ đầy đủ, sau đó nữa là việc vệ sinh chuồng trại và khủ trùng, diệt khuẩn giữa 2 lần nuôi được đảm bảo. Cùng với đó là đệm lót được phối trộn đủ đúng như hướng dẫn của ngành chăn nuôi và đều được thay khi kết thúc mỗi lứa gà. Hệ thống lưu không bao quanh trang trại được anh chú trọng với hàng rào xây cao, tiếp đến là một khoảng rộng chạy dọc ôm lấy các chuồng nuôi được trồng cây xanh. Trong cùng là khu chuồng nuôi, khu vực này hạn chế người lạ tiếp xúc, lao động làm việc, chăm sóc gà sử dụng đồ bảo hộ đúng tiêu chuẩn và được vệ sinh sạch sẽ sau khi sử dụng. Việc tiếp xúc với đàn gà cũng được chú trọng, khi cán bộ thú y vào kiểm tra, tiêm phòng đều phải qua khu sát khuẩn, ngoài ra xung quanh trang trại còn được anh liên tục dùng vôi bột rải đều để ngăn dịch bệnh xâm nhập. Theo anh Nhất, kinh nghiệm được đúc rút để nuôi gà thành công, trước tiên là khâu phòng dịch, có chăm sóc tốt đến đâu mà lơ là trong phòng dịch sẽ phải trả gia đắt, vì vậy đây là yếu tố quan trong hàng đầu. Đàn gà có an toàn mới tính đến chăm sóc, lúc này cần áp dụng đúng kỹ thuật và chế độ dinh dưỡng phù hợp. Hiện nay khu trại đang đem về cho gia đình anh nguồn thu đã trừ chi phí trên 500 triệu đồng mỗi năm, tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động với mức lương 8 triệu/lao động/tháng.

Xuất thân từ hộ nghèo, nhưng bằng nỗ lực, cố gắng, nay gia đình anh Lê Văn Nhất đã trở thành hộ sản xuất giỏi cấp huyện. Trong sản xuất anh luôn biết gắn giữa việc nâng cao năng suất, chất lượng với an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường , anh là tấm gương sáng, điển hình trong việc học tập và làm theo Bác!

<

Tin mới nhất

Chú trọng phát triển đảng viên trong hội nông dân(19/03/2024 8:35 SA)

Hội Nông dân huyện Đông Sơn: Học Bác để đồng hành cùng nông dân(28/02/2024 8:04 SA)

Hội Nông dân huyện Ngọc Lặc học Bác từ những việc làm cụ thể, thường xuyên(01/02/2024 10:06 SA)

Xứng đáng là chỗ dựa tin cậy của nông dân(19/01/2024 4:29 CH)

Cầu nối đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với hội viên(09/11/2023 4:38 CH)

Nghĩa cử nhân văn(12/06/2023 11:03 SA)

Hội Nông dân TP Sầm Sơn: Dấu ấn một nhiệm kỳ (05/04/2023 2:28 CH)

Hội Nông dân huyện Đông Sơn: Học tập Bác từ những việc làm cụ thể, thường xuyên(28/11/2022 11:14 SA)