Cổng thông tin điện tử

Hội Nông dân tỉnh thanh hóa

Chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp giúp nông dân thoát nghèo

Đăng ngày 26 - 07 - 2022
100%

Xác định việc giúp đỡ hội viên thoát nghèo bền vững và phát triển kinh tế là một trong những nhiệm vụ quan trọng và xuyên suốt; thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh đã tích cực phối hợp với các cơ quan, ban, ngành để hỗ trợ nông dân về kỹ thuật, vốn vay, xây dựng các mô hình kinh tế hoạt động có hiệu quả.

Đồng chí Cầm Bá Xuân, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh thăm mô hình phát triển kinh tế của chi hội nông dân nghề nghiệp nuôi cá lồng huyện Bá Thước. 

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 04, ngày 5-8-2019 của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (khóa VII) về đẩy mạnh xây dựng chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hội nông dân nghề nghiệp, đến nay 27/27 huyện, thị, thành hội, 100% cơ sở hội trong toàn tỉnh đều có kế hoạch triển khai và xây dựng chương trình hành động với mục tiêu xây dựng chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp nhằm mở rộng các hình thức sinh hoạt hội theo hướng thiết thực, hiệu quả; phát triển và nâng cao chất lượng hội viên; nâng cao năng suất lao động, chất lượng và giá trị nông sản, khả năng tổ chức sự liên kết trong sản xuất, kinh doanh, quảng bá, phát triển thương hiệu nông sản của hội viên, nông dân; tạo lập nhanh các yếu tố tiền đề thành lập các tổ hợp tác, HTX sản xuất, dịch vụ nông nghiệp.

Trong những năm qua, các cấp hội đã tham mưu đề xuất để tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng và quản lý của chính quyền các cấp; phối hợp với các ban, ngành, các đoàn thể để khai thác thêm nguồn lực hỗ trợ các chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp hoạt động có hiệu quả như: xây dựng mối quan hệ phối hợp chỉ đạo giữa chi bộ đảng và ban chấp hành hội nông dân cơ sở trong việc định hướng nội dung, hình thức hoạt động của các chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp nhằm thực hiện nhiệm vụ chính trị, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hiện nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 61 chi hội nông dân nghề nghiệp và 693 tổ hội nông dân nghề nghiệp với 35.870 hội viên tham gia hoạt động trên các lĩnh vực sản xuất như: nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản; sản xuất, chế biến lâm nghiệp; trồng rau an toàn, cây ăn quả; nuôi ong; chăn nuôi trâu, bò sinh sản, gà đồi, dê...

Các chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, thiết thực như đấu mối với các cửa hàng trên địa bàn để tiêu thụ sản phẩm cho hội viên; cung ứng vật tư, phân bón, giống cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ hội viên ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào các mô hình sản xuất nông nghiệp trong trồng trọt, chăn nuôi; tham quan, học tập mô hình, kinh nghiệm từ những địa phương làm tốt, thành công; hỗ trợ cho hội viên khó khăn thiếu vốn sản xuất vay không lãi để phát triển kinh tế. Điển hình như tổ hội trồng cây bí đao, xã Cẩm Quý, huyện Cẩm Thủy với 45 thành viên, diện tích sản xuất 21 ha, thu nhập bình quân 120 - 140 triệu đồng/ha, tổ chức tiêu thụ sản phẩm ra ngoài tỉnh, cung ứng phân bón cho các thành viên trong tổ.

Do nội dung sinh hoạt thiết thực, gắn với nhu cầu, đòi hỏi từ thực tế cuộc sống và quá trình sản xuất, kinh doanh của hội viên; việc tổ chức sinh hoạt dễ dàng hơn, nhiều chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp sinh hoạt ngay tại vườn, trang trại của hội viên nên tỷ lệ hội viên tham gia sinh hoạt và gắn bó với hội cao hơn, bình quân đạt từ 80 - 85%. Qua đánh giá, xếp loại hằng năm, 95% chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp đạt xuất sắc.

Từ thành công của các chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp, thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục chỉ đạo xây dựng thêm các mô hình, góp phần tăng khả năng dẫn dắt của tổ chức hội đối với hội viên nông dân trong phát triển kinh tế, làm giàu. Ông Cầm Bá Xuân, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa, cho biết: “Nhằm tích cực giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, các cấp hội nông dân trên địa bàn toàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, chăn nuôi. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sau thu hoạch và chế biến nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức hội thảo, chuyển giao khoa học kỹ thuật; phối hợp cùng doanh nghiệp tổ chức các hoạt động”.

<

Tin mới nhất

Phát triển các mô hình nuôi con đặc sản giúp người dân ở Như Thanh thoát nghèo(19/03/2024 8:30 SA)

Lan tỏa phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi(01/02/2024 9:38 SA)

Tập huấn kỹ thuật nuôi sâu canxi và nuôi giun quế cho hội viên nông dân xã Yên Phong, huyện Yên Định(15/11/2023 1:48 CH)

Phát triển kinh tế nhờ... công nghệ(13/11/2023 9:38 SA)

Hội viên nông dân xã Định Long, huyện Yên Định được được tập huấn kỹ thuật nuôi sâu canxi, trùn quế(11/11/2023 11:10 SA)

Tập huấn kỹ thuật nuôi sâu canxi và nuôi giun quế cho hội viên nông dân Thị trấn Tân Phong, huyện...(27/10/2023 5:24 CH)

Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi(18/09/2023 9:01 SA)

Làm giàu từ nuôi gà đẻ trứng(18/08/2023 3:47 CH)