Làm giàu từ trang trại sạch

Vệ sinh an toàn thực phẩm là một vấn đề nóng bỏng đang được quan tâm hiện nay. Trong chăn nuôi, việc sử dụng chất cấm đã lên đến mức báo động, vì thu lợi nhuận cao, nhiều cơ sở chăn nuôi đã bất chấp sức khỏe của người tiêu dùng. Tuy nhiên, nhiều chủ trang trại vẫn đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu, họ sản xuất không lạm dụng chất cấm, chất kích thích để đưa ra thị trường những sản phẩm an toàn. Thực hiện việc “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Ông Nguyễn Hữu Nhân, thôn 6, xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn không chỉ gương mẫu đi đầu trong công tác xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm cho nhiều lao động mà ông còn tiêu biểu trong việc xây dựng trang trại sạch đảm bảo vệ sinh an toàn thực phấm.

           Năm 2006, gia đình ông Nhân bắt đầu xây dựng những ô chuồng đầu tiên nuôi lợn nái, lợn thịt theo quy mô công nghiệp. Lúc đầu chưa có kinh nghiệm, lại ít vốn, ông chỉ nhập về 15 con lợn nái ngoại, chuồng trại cũng đầu tư đơn giản. Trong thời gian này, công việc làm ăn thuận lợi, ông quay vòng vốn, tăng số lượng đàn lên và mở rộng thêm chuồng trại. Năm 2008, đúng thời điểm tưởng như việc chăn nuôi thành công nhất thì dịch tai xanh ập đến, khiến cả đàn lợn nái gần 100 con bị tiêu hủy hết, ông trở lại với hai bàn tay trắng cùng số nợ trên 300 triệu đồng. Chán nản, ông định bỏ nghề nhưng được sự động viên, giúp đỡ của gia đình, bạn bè và các tổ chức đoàn thể, nhất là Hội Nông dân xã nơi ông đang sinh hoạt. Vậy là ông quyết tâm làm lại từ đầu, với một suy nghĩ “mất ở đâu, thì tìm lại ở đó”. Bằng nhiều nguồn, trong đó có nguồn vốn vay qua HND xã, ông đã đầu tư lại 10 lợn nái và bắt đầu một cuộc “lội ngược dòng” đầy thử thách. Bao nhiêu vốn liếng lúc trước mất đi là một bài học xương máu nên ông luôn tâm niệm: Lợn gặp dịch bệnh, ốm chết cũng là do mình chưa coi trọng công tác vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng cho chúng, đây là khâu đầu tiên dẫn đến thành công trong chăn nuôi. Khi tái đàn, khâu đầu tiên khi nhập chuồng là những mũi tiêm, chuồng trại luôn được dọn rửa sạch sẽ và thoáng đãng. Trao đổi về kinh nghiệm sanr xuất, ông Nhân cho hay: Người xưa có câu “gieo gì thì gặt nấy” quả thật luôn đúng với tất cả các trường hợp và ông lấy đó để như một phép tính khi cho đầu tư chăn nuôi. Muốn đàn con nuôi phát triển tốt, trước hết phải có giống tốt, không ham rẻ mà nên chọn mua giống tại các trung tâm lớn, có uy tín, tiếp đến là phải bảo vệ đàn vật nuôi không để hao hụt bằng cách tiêm phòng đúng, đủ và định kỳ. Trong quá trình chăn sóc, mỗi người có một cách làm nhưng theo ông thì cách mà ông đang áp dụng sẽ không làm vừa lòng các hộ nuôi khác vì chăm sóc kiểu bán công nghiệp, bán truyền thống như gia đình ông sẽ không lời nhiều. Nhưng đổi lại chất lượng của sản phẩm luôn được người tiêu dùng tin tưởng, tự tìm đến. Thời gian 2 tháng đầu khi mới tách mẹ, chăm sóc theo chế độ dinh dưỡng riêng để tăng sức đề kháng và con lợn phát triển đều về dáng vóc. Sau đó nuôi trong vòng khoảng 170 ngày với phương pháp pha trộn giữa các loại thức ăn tự nhiên như: Cá biển, lúa, ngô, đậu tương, bã bia chiếm 70% tỷ lệ và 30% cám đậm đặc chất lượng. Ông cho biết thêm, nếu từ lúc sử dụng cám trộn của gia đình đến thời điểm xuất bán càng cách xa thì thịt càng thơm ngon. Để có thể áp dụng biện pháp chăn nuôi này, ông đã đầu tư một dây chuyền chuyên chế biến gồm máy nghiền, máy trộn, kho chức và 2 lao động chuyên làm công việc này. Hiện với quy mô 100 con lợn nái ngoại, trên 600 lợn thịt, mỗi ngày bình quân sử dụng hết trên 1 tấn bã bia bia nên khâu dự trữ bảo quả cũng rất quan trọng. Nếu nhập hàng ngày chi phí sẽ cao hơn, nếu nhập về nhiều mà không bảo quả tốt sẽ làm giảm chất lượng và có mùi hôi thối. Để thuận tiện cho việc chăm sóc và theo dõi dịch bệnh, ông xây dựng 5 khu chuồng trại riêng biệt gồm khu nuôi lợn nái sinh sản, khu nuôi lợn sữa, lợn hậu bị và lợn thương phẩm. Các khu chuồng đều được đánh số thứ tự và có bảng ghi chi tiết lịch ăn, tiêm phòng, khối lượng thức ăn ở từng ô chuồng. Để chủ động nguồn giống và đảm bảo chất lương, theo dõi sự phát triển ông chỉ sử dụng giống từ đàn lợn nái của gia đình.  Nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi, ông xây dựng hệ thống hầm  Biogas để tận dụng khí đốt phục vụ nhu cầu sinh hoạt, vừa hạn chế dịch bệnh cho đàn lợn. Tuy đã năm vững kiến thức nhưng ông luôn tích cực tham gia các lớp tập huấn, dạy nghề, hội thảo về cám, kỹ thuật thú y, đây cũng là một điều mà ông luôn tâm huyết “Kiến thức học được cộng với kỹ năng thao tác suốt ngày trong trang trại, tôi trở thành “bác sĩ” thú y lúc nào không hay. Bây giờ, tất cả các khâu chăm sóc, tiêm phòng và chữa trị bệnh do đàn lợn tôi đều tự làm hết, nhưng muốn sản xuất bền vững cần liên tục trau dồi kinh nghiệm kiến thức mới”, ông Nhân thổ lộ. Chăn nuôi thành công, ông luôn nghĩ đến việc tìm cách sản xuất ra các sản phẩm an toàn khác, nên năm 2009, ông nhận thầu tiếp 3 ha trồng hơn 2000 gốc thanh long ruột đỏ, 500 gốc cam, 300 gốc bưởi, chăn nuôi thêm trên 2.000 con gia cầm. Chăm sóc đàn gia cầm ông cũng thực hiện giống như đàn lợn là chăn nuôi bán công nghiệp, riêng đối với cây trồng, để đảm bảo môi trường sống trong lành cho gia đình, ông tự chế thuốc trừ sâu bắng cách ngâm rượu với tỏi, gừng đậm đặc rồi phun cho cây. Hiện mỗi năm trang trại của gia đình ông Nhân cung cấp ra thị trường 120 tấn lợn thịt, trên 15 vạn giống gia cầm, hàng vạn quả trứng, 7 tấn quả thanh long, cam, ổi đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Bình quân mỗi năm, trang trại của gia đình có ông doanh thu trên 8 tỷ đồng, sau khi đã trừ chi phí, lãi 1 tỷ đồng, ngoài 4 người con, ông còn tạo việc làm thường xuyên cho 12 lao động với thu nhập 4,5 triệu/người/tháng. Năm 2016, đại diện cho trên 500 ngàn hội viên nông dân Thanh Hóa, ông được vinh danh là nông dân tiêu biểu xuất sắc toàn quốc, được Chủ Tịch nước tặng bằng khen.

          Sản xất sạch đang là xu thế tất yếu của xã hội, hướng đi của trang trại do ông Nguyễn Hữu Nhân làm chủ không chỉ cung cấp ra thị trường những sản phẩm an toàn mà còn thể hiện sự năng động sáng tạo của người nông dân trong thời kỳ mới, một tư duy biết gắn sản xuất với an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường.

Lương Hà (Hội Nông dân tỉnh)