Thanh Hoá: Tiếp tục đổi điền, dồn thửa, chuyển đổi, tích tụ tập trung ruộng đất để công nghiệp hoá nông nghiệp nông thôn.

(Thanh Hoa Portal) - Ngày 5/4/2007, Thường trực UBND tỉnh đã họp nghe báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị 13 - CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ (Khoá XIV) về công tác đổi điền, dồn thửa và các giải pháp tiếp tục thực hiện nhằm thúc đẩy nông nghiệp phát triển. Đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị; tham dự còn có Lãnh đạo các ngành cấp tỉnh có liên quan.


Theo Báo cáo của Sở Tài nguyên - Môi trường trình bày tại Hội nghị, ngày 3/9/1998, ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Chỉ thị số 13-CT/TU về cuộc vận động thực hiện đổi điền, dồn thửa. UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện, Sở Địa chính (nay là Sở Tài nguyên - Môi trường) đã có văn bản hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ, nội dung, phương pháp tiến hành, với các mục tiêu là xoá bỏ tình trạng ruộng đất phân tán, manh mún tạo điều kiện cho các hộ nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ thực hiện quyền của người sử dụng đất. Đồng thời, quy hoạch lại đồng ruộng, xây dựng vùng sản xuất chuyên canh, thâm canh; đẩy mạnh kiên cố hoá kênh mương và giao thông nội đồng; từng bước thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn; đưa công tác quản lý ruộng đất, chỉ đạo sản xuất vào nề nếp; ngăn chặn những biểu hiện tiêu cực trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, đặc biệt là đất công ích.

 

Việc đổi điền, dồn thửa theo tinh thần Chỉ thị 13 đã được thực hiện ở 393 xã, thị trấn của 16 huyện, thị xã đồng bằng; đã có 460.667 hộ tham gia chuyển đổi với diện tích 117.095 ha (bằng 81% diện tích đất nông nghiệp của các xã đã thực hiện). Sau chuyển đổi, bình quân diện tích một thửa tăng từ 330 m2 lên 683 m2; mỗi hộ còn 5 thửa đất (giảm mỗi hộ 5 thửa đất); đất công ích được quy hoạch tập trung thành một số vùng. Số xã đo đạc chỉnh lý bản đồ, hoàn thiện hồ sơ địa chính sau chuyển đổi là 211/393 xã; cấp giấy CNQSDĐ cho 695.453/1.755.023 hộ nông dân (mỗi thửa một giấy).

 

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Chỉ thị 13 vẫn còn những hạn chế, tồn tại sau đây: việc đổi điền, dồn thửa mới chỉ thực hiện ở các xã thuộc các huyện đồng bằng, các xã thuộc các huyện trung du, miền núi và thị trấn, xã, phường trong đô thị chưa thực hiện được; một số xã có địa hình phức tạp, vùng chuyên màu, bán sơn địa, vùng tưới tiêu không thuận lợi việc chuyển đổi rất khó khăn, chưa triệt để, có thôn sau đổi điền, dồn thửa vẫn còn bình quân 7 thửa/hộ (chưa kể thửa đất mạ); diện tích thửa đất đã lớn hơn, nhưng kích thước thửa không hợp lý nên một số nơi nông dân phải cắm vè, chia mảnh để sản xuất; một số xã, quỹ đất công ích nằm phân tán trong các hộ, không giao được cho các hộ có nhu cầu, có điều kiện đầu tư lập trang trại, gia trại hình thành vùng chuyên canh, thâm canh sản xuất lớn; sau đổi điền dồn thửa việc hoàn thiện hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chậm tiến độ, nhiều nơi không thực hiện được.

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Lợi nêu rõ: Chỉ thị 13 CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ (khoá XIV) về đổi điền, dồn thửa ra đời trong hoàn cảnh lịch sử có nhiều khó khăn, các yếu tố của kinh tế thị trường chưa được thể hiện rõ như hiện nay. Do vậy, nhất thiết phải có đánh giá, tổng kết việc thực hiện theo tinh thần của Chỉ thị 13/TU, trong đó đánh giá rõ về mặt được, chưa được và những nguyên nhân. Về quan điểm trong giai đoạn tới, việc đổi điền, dồn thửa cần coi là quá trình lâu dài liên tục theo trình độ phát triển của lức lượng sản xuất gắn với tích tụ ruộng đất dành cho sản xuất hàng hoá; phải thực hiện trên cơ sở tự giác, tự nguyện và cùng có lợi của các hộ nông dân chuyển đổi ruộng đất; phải đảm bảo sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền bằng việc ban hành các cơ chế chính sách, quy hoạch tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất; chống mọi việc làm có tính chất hành chính, mệnh lệnh, cưỡng ép đơn thuần trong quá trình thực hiện. Về nhiệm vụ của đổi điền, dồn thửa trong thời gian tới, cần khẩn trương xây dựng quy hoạch sản xuất nông nghiệp theo hướng hình thành các vùng chuyên canh, trang trại để từ đó xác định được nhu cầu đất đai làm cơ sở cho đổi điền, dồn thửa; cần xác định diện tích tối thiểu của 1 thửa đất từ đó thực hiện dồn thửa để có quy mô phù hợp, khuyến khích các hộ tự nguyện trao đổi thửa để hợp thành thửa có quy mô phù hợp; xây dựng các cơ chế, chính sách để đẩy mạnh quá trình đổi điền, dồn thửa. Về giải pháp để đẩy mạnh đổi điền, dồn thửa, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu cần tập trung, đẩy mạnh: công tác tuyên truyền để nhân dân nhận thức được lợi ích của việc đổi điền, dồn thửa, tập trung, tích tụ ruộng đất, từ đó tự giác thực hiện trên cơ sở cùng có lợi; xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích tập trung, tích tụ ruộng đất; tổ chức làm điểm ở một số địa phương, từ đó tổng kết rút kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn những nơi làm sau; nâng cao trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền trong quá trình thực hiện; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để phát hiện và xử lý những vi phạm trong quá trình thực hiện. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh giao cho Sở Tài nguyên - Môi trường tổ chức hội nghị lấy ý kiến các ngành có liên quan, các huyện, xã  đã thực hiện thí điểm, các xã có vùng nguyên liệu tập trung để bổ sung, hoàn chỉnh Phương án trước khi trình UBND tỉnh xem  xét quyết định.