Làm giàu nhờ nuôi dúi

Với quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, ông Lê Trọng Lệ 52 tuổi, thôn 2, xã Vân Sơn, huyện Triệu Sơn đã từng làm nhiều nghề, từ đi thầu các công trình xây dựng, nuôi lợn, nuôi lươn, làm ruộng… nhưng chưa nghề nào đem lại hiệu quả. Tình cờ nhớ lại những chuyến đi làm xa nhà được thưởng thức các món ăn, ông đã nhớ đến món chuột nứa (hay còn gọi là con dúi) hấp dẫn nên bắt đầu tìm hiểu. Ban đầu vì tò mò nuôi thử, dần bén duyên, những con dúi giống sinh sản và thích nghi nhanh với điều kiện nuôi nhốt, ông đã quyết định đầu tư nuôi dúi thương phẩm.

Tìm về với câu truyện của 10 năm trước, ông Lệ cho biết: năm 2008, ông thường theo đoàn đi làm các công trình thủy điện, thường xuyên được dùng các món đặc sản, thấy dúi là một món ăn ngon, có giá thành cao, ông nghĩ đến việc sao không thuần nuôi cung cấp ra thị trường. Ý định đó bị khỏa lấp bởi các công việc mưu sinh thường nhật, cho đến khi đã từng làm đủ mọi nghề mà vẫn lận đận, nuôi gà khi gặp dịch bệnh lỗ trắng tay, nuôi lợn gặp khi rớt giá, làm ruộng chỉ đủ đắp đổi công qua ngày... Đang khi bế tắc ông chợt  nghĩ đến nuôi con dúi. Thế là, lần tìm về những nhà hàng trước đây ông đã từng là thượng khách để hỏi mua lại vài cặp về chăm sóc làm giống ban đầu. Do đam mê và cẩn thận, ông bỏ công tìm hiểu về loại gặm nhấm đặc biệt này. Có khi cả đêm không ngủ theo dõi các quy luật hoạt động cũng như quá trình sinh trưởng của con dúi. Từ ba cặp giống ban đầu, sau 1 năm đã bắt đầu đón nhận những thành viên chào đời, cứ thế, sau 3 năm đàn dúi phát triển tốt và sinh sản đều đặn, thích nghi với điều kiện nuôi nhốt ông bắt đầu chính thức đầu tư chuồng trại quy mô nuôi thương phẩm. Thức ăn của loại gặm nhấm này rất đơn giản và dễ dự trữ, dễ trồng như: thân cây tre, nứa, cây mía, ngô hạt, thóc, có khi là cả những lõi ngô…nên chi phí chẳng đáng là bao, chủ yếu theo dõi lượng thức ăn và chăm sóc dúi trong quá trình sinh sản. Dúi vốn là con vật hoang dã nên rất khỏe, ít dịch bệnh, bệnh hay mắc nhất là đường ruột vì vậy chỉ cần lựa chọn đúng thức ăn, không bị ôi thiu hay nước mưa là tránh được. Khi sinh sống ngoài môi trường thiên nhiên để thích nghi với điều kiện tự chọn lọc, dúi thường ăn những loại cây cỏ có chất đề kháng để tự chăm sóc, vì vậy trong môi trường nuôi nhốt cần bổ sung cho dúi ăn thêm những loại cây như thảo dược, thuốc nam, lá hoặc thân cây đinh lăng,...không sử dụng thuốc thú y. Dúi sinh sản khá nhanh, 1 năm dúi mẹ đẻ khoảng 4 lứa, mỗi lứa từ 3 - 5 con. Loài dúi này có đặc tính là không di chuyển nhiều, ưa yên tĩnh và râm mát. Khi dúi mẹ đẻ tránh gây tiếng động mạnh. Mỗi ngày chỉ cần cho dúi ăn 1 lần, cần theo dõi để bổ sung hoặc cắt giảm thức ăn, tránh thừa gây ô nhiếm hoặc không đủ nguồn thức ăn làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của đàn dúi. Là loài gặm nhấm, ưa đào hang để ở nên chuồng dúi không cần làm quá cao (cao khoảng 80cm), nền xi măng, kích thước mỗi ô nuôi khoảng 1m2 để con mẹ sinh sản. Theo dõi chu kỳ sinh sản để phối giống, khi dúi mẹ mang thai cần tách con đực để không làm ảnh hưởng đến dúi con. Riêng dúi con có thể nuôi chung 3 đến 5 con/chuồng, khi trưởng thành bắt đầu sinh sản thì tách chuồng.

Sau 10 năm gắn bó với nuôi dúi, đến nay ông đã xây dựng khu chuồng trại có diện tích trên 240m2 để nuôi khoảng 800 con, trong đó có 300 con dúi bố mẹ.  Theo ông Lệ, nuôi dúi rất đơn giản, không tốn công sức nhiều như chăn nuôi các loại vật nuôi truyền thống khác, hiệu quả kinh tế lại cao gấp nhiều lần. Hiện tại với giá bán một cặp dúi giống là 1,6 triệu đồng, 500 nghìn đồng/kg dúi thịt. Do có  thâm niên nuôi dúi nên khách hàng nhiều nơi biết đến ông, ngoài các nhà hàng trong tỉnh, nhiều tiểu thương các tỉnh Điện Biên, Phú Thọ và Hà Nội... tìm đến và đặt mua thường xuyên. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường và mở rộng quy mô sản xuất, ông đã xây dựng thêm trang trại nuôi dúi tại Đắc Lắc và Bắc Cạn cho 2 con trai quản lý. Công sức lao động miệt mài cùng với miền đam mê học hỏi của ông Lệ đã đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, bình quân mỗi năm gia đình ông thu lời trên 500 triệu đồng sau khi đã trừ mọi chi phí.

Dù vậy, ông vẫn mong muốn được sự quan tâm của các các cấp chính quyền để nhân rộng mô hình, liên kết các nhóm hộ gia đình cùng nuôi để tạo thành sản phẩm hàng hóa, gắn giữa sản xuất với thị trường tiêu thụ.

 

Lương Hà (HNDT)