Tổng kết công tác tài chính – ngân sách huyện, xã giai đoạn 2011 – 2014.

Sáng ngày 12/9/2014, tại huyện Yên Định, Sở Tài chính tổ chức Hội nghị tổng kết công tác quản lý tài chính – ngân sách huyện, xã giai đoạn 2011 – 2014 cụm các huyện đồng bằng và trung du.

Đồng chí Đinh Cẩm Vân – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài chính chủ trì hội nghị.

Cụm các huyện đồng bằng và trung du gồm: Hà Trung, Nông Cống, Đông Sơn, Triệu Sơn, Thọ Xuân, Yên Định, Thiệu Hóa, Vĩnh Lộc. Theo báo cáo của Sở Tài chính, tổng thu Ngân sách nhà nước (NSNN) giai đoạn 2011 – 2014 của cụm các huyện đồng bằng, trung du ước thực hiện: 2.722,401 tỷ đồng, đạt 170% dự toán tỉnh giao và chiếm 21,44% so với cả tỉnh. Một số huyện có số thu bình quân/xã/năm đạt cao là: Yên Định: 4,420 tỷ đồng; Đông Sơn: 4,317 tỷ đồng; Thiệu Hóa: 3,392 tỷ đồng. Về chi Ngân sách, các huyện đồng bằng, trung du ước thực hiện chi: 13.771,875 tỷ đồng, đạt 149% so với dự toán và chiếm 29,05% so với cả tỉnh.

Giai đoạn 2011-2014, thu ngân sách cụm vượt dự toán thu ngân sách hàng năm. Kết quả thu ngân sách này đã góp phần giải quyết cân đối chi, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của các địa phương. Các cấp ủy Đảng, chính quyền đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, bao quát nguồn thu, thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các nguồn thu phát sinh; tạo điều kiện về môi trường cũng như ban hành những chính sách cá biệt tại địa phương nhằm khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, làng nghề, kinh tế trang trại, các mô hình phát triển sản xuất, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nuôi dưỡng và tăng nguồn thu cho ngân sách huyện, xã. Đồng thời, chi Ngân sách của các huyện, xã đã được tổ chức quản lý theo đúng quy định cơ chế phân cấp hiện hành. Các huyện đã bám sát dự toán được giao để điều hành chi ngân sách, chủ động cân đối nguồn đáp ứng các nhiệm vụ chi thường xuyên, chế độ cho các đối tượng chính sách an sinh xã hội, thanh toán  khối lượng đầu tư XDCB, thực hiện các chính sách phát triển kinh tế, góp phần tạo việc làm, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, dịch vụ và nhu cầu chi cho các nhiệm vụ chính trị phát sinh trên địa bàn.

Bên cạnh đó, còn một số tồn tại, hạn chế trong quản lý ngân sách như: Ở một số xã do chưa rà soát, đánh giá và bao quát hết nguồn thu, việc lập dự toán chưa sát thực tế; chưa phản ánh đầy đủ các khoản thu vào NSNN, còn để ngoài ngân sách; do đầu tư dàn trải, quyết định đầu tư không căn cứ vào khả năng cân đối nguồn vốn, nên nợ vốn đầu tư xây dựng cơ bản ở cấp huyện, xã trong giai đoạn 2011-2014 là lớn…

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã làm rõ những tồn tại hạn chế trong công tác quản lý thu, chi ngân sách huyện, xã thời gian vừa qua. Đồng thời, đề xuất một số giải pháp nhằm tạo chuyển biến tích cực trong công tác quản lý tài chính, ngân sách của huyện, xã nhằm nâng cao hiệu quả nguồn vốn; tập  trung nguồn lực xây dựng chính sách thu hút đầu tư, thực hiện các giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế tại địa phương./.

 

Bích Phương