Cổng thông tin điện tử

Hội Nông dân tỉnh thanh hóa

Thanh Hóa: Chú trọng công tác xử lý rác thải

Đăng ngày 18 - 05 - 2015
100%

Hiện nay, rác thải khu vực nông thôn ở một số địa phương trong tỉnh vẫn chưa được thu gom và xử lý kịp thời.

Theo thống kê của Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) trung bình mỗi ngày toàn tỉnh thải ra hơn 1.100 tấn rác thải sinh hoạt, trong đó tại các vùng nông thôn tỷ lệ thu gom và xử lý mới chỉ đạt 70%, còn khoảng 30% không được thu gom mà xả thải trực tiếp ra đường, sông, suối, ao hồ, kênh, mương.
 
Tại huyện Thường Xuân, công tác BVMT trên địa bàn vẫn còn những tồn tại, đặc biệt là rác thải sinh hoạt chưa được thu gom và xử lý triệt để xảy ra ở nhiều địa phương. Hiện công tác thu gom, xử lý rác thải mới chỉ được thực hiện trên địa bàn thị trấn, các xã Xuân Cẩm, Ngọc Phụng, Luận Thành. Trong khi đó, một bộ phận nhân dân ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường còn thấp, còn xảy ra tình trạng vứt rác, xả nước thải sinh hoạt, chăn nuôi chưa qua xử lý ra môi trường. Mặt khác, do điều kiện kinh tế của huyện, xã còn gặp nhiều khó khăn, chưa bố trí được nguồn kinh phí để triển khai xây dựng các khu xử lý chất thải rắn, hệ thống thu gom xử lý nước thải bảo đảm vệ sinh môi trường tại các khu dân cư...
 
Đến nay, toàn tỉnh đã có 21 dự án xây dựng bãi chôn lấp rác thải, trong đó 10 dự án bãi chôn lấp rác thải đã hoàn thành và đi vào vận hành. Đáng chú ý là lò đốt rác thải theo công nghệ mới do Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ môi trường xanh Hoàng Hải Hà phối hợp với xã Quảng Tân (huyện Quảng Xương) đầu tư xây dựng có quy mô gần 7.000 m2, công suất xấp xỉ 9 tấn rác/ngày, tổng kinh phí hơn 6 tỷ đồng.
 
Với công nghệ mới BD-ANPA lò đốt rác thải tại xã Quảng Tân có thể đốt, tiêu hủy các loại rác thải sinh hoạt cũng như rác thải từ hoạt động chế biến, sản xuất, đặc biệt lò đốt có hệ thống lọc bụi, khói thải trước khi thải ra môi trường, bảo đảm sự trong sạch cho môi trường. Được biết, lò đốt không những hạn chế được ô nhiễm môi trường mà lượng tro thải sau khi đốt rác còn có thể tái sử dụng làm nguyên liệu sản xuất gạch xây dựng và rải nền đường. Với công suất 750 kg/giờ, lò đốt không chỉ xử lý lượng rác thải tại khu bãi rác thuộc thôn Tân Thượng, xã Quảng Tân mà còn giúp cho việc xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp chế biến... ở các khu vực lân cận như các xã: Quảng Đức, Quảng Ninh, Quảng Phong... được thuận lợi, góp phần giảm thiểu rác thải, cải tạo và bảo vệ môi trường sống.
 
Ngoài ra, tại huyện Vĩnh Lộc, Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện dự án xử lý triệt để ô nhiễm môi trường rác sinh hoạt tại Đàn tế Nam Giao. Đồng thời, Hội Nông dân huyện tuyên truyền về việc xây dựng mô hình “Vệ sinh môi trường ngoài đồng ruộng”. Khi xây dựng mô hình, bà con nông dân được tập huấn kiến thức cơ bản về sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả và những nguy hại do lượng thuốc còn tồn dư ở vỏ bao phát tán ra môi trường. Song song với công tác tuyên truyền là đầu tư xây dựng các bể chứa rải rác trên cánh đồng, gần ngay lối đi, sát nguồn nước mà bà con thường pha thuốc, sao cho vừa tiện bỏ vào ngay sau khi sử dụng và dễ dàng đem đi xử lý sau mỗi vụ sản xuất.
 
Từ mô hình đầu tiên năm 2012, đến nay toàn huyện đã có 15/16 đơn vị xây dựng được 450 bể chứa bao bì đựng thuốc BVTV. Ngoài việc tự thu gom ngay sau khi sử dụng, theo thời vụ sản xuất, Hội Nông dân các xã còn tổ chức các đợt thu gom trên diện rộng (trung bình 5 đợt/năm).
 
Công tác bảo đảm vệ sinh môi trường đồng ruộng mà Hội Nông dân xây dựng, phát động đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. Đến nay, mỗi gia đình đều tự giác thu gom trên chính thửa ruộng nhà mình, môi trường đồng ruộng đã được cải thiện rõ rệt, góp phần vào việc hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
 
Thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường và các huyện có dự án xây dựng bãi chôn lấp rác thải tiếp tục khẩn trương xây dựng các dự án và sớm đưa vào hoạt động. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân thực hiện nếp sống văn minh, không đổ rác và vứt rác bừa bãi ra khu vực công cộng, gây ô nhiễm môi trường, chủ động thu gom, phân loại rác ngay tại gia đình. Tiếp tục nhân rộng các mô hình về bảo vệ môi trường, như: HTX vệ sinh môi trường; đội tự quản vệ sinh môi trường, mô hình 3 sạch: “Sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ”... Ngoài ra, các địa phương cần đẩy mạnh việc huy động các nguồn xã hội hóa hỗ trợ chi phí thu gom và xử lý rác thải cho nhân dân; có cơ chế để thu hút các công ty, tổ chức tham gia hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải.
 
 

<

Tin mới nhất

Hội Nông dân huyện Đông Sơn lan tỏa phong trào "Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi"(01/02/2024 10:02 SA)

“Đòn bẩy” giúp nông dân vượt khó, làm giàu(01/02/2024 9:42 SA)

419 hội viên nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, hộ khuyết tật của Hội ND TP Thanh Hoá được giúp đỡ(19/01/2024 4:33 CH)

Góp phần cải thiện, nâng cao đời sống hội viên(19/01/2024 4:13 CH)

Hội Nông dân huyện Nông Cống tổng kết công tác Hội năm 2023 (18/12/2023 6:10 CH)

Vừa là nơi giao lưu văn hóa, vừa cung cấp các kiến thức pháp luật cần thiết cho nông dân(11/12/2023 4:59 CH)

Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị tổng kết Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân áp...(25/11/2023 12:41 CH)

Nhiều sản phẩm OCOP đặc trưng của các huyện miền núi được trưng bày tại Lễ hội Văn hóa “Hương sắc...(13/11/2023 9:07 SA)