Cổng thông tin điện tử

Hội Nông dân tỉnh thanh hóa

Mô hình nuôi cá lóc trong bể xi măng cho hiệu quả kinh tế cao

Đăng ngày 14 - 12 - 2016
100%

Trong điều kiện đất sản xuất có hạn nên việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tìm một hướng đi mới, đưa cây con có giá trị kinh tế cao vào sản xuất đang được nhiều gia đình hội viên nông dân quan tâm. Với mô hình nuôi cá lóc trong bể xi măng, gia đình anh Nguyễn Trọng Nên ở thôn Trung Phong, xã Quảng Phong, huyện Quảng Xương đang là lựa chọn thích hợp đem về thu nhập gần 200 triệu đồng mỗi năm..

Năm 2013, sau khi được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cá nước ngọt do Hội Nông dân huyện phối hợp với Trạm Khuyến nông tổ chức, gia đình anh đã quyết định đầu tư nuôi cá lóc trong bể xi măng. Ban đầu để dần nắm bắt kỹ thuật và làm quen với mô hình mới mẻ này, anh chỉ xây 1 bể 50m2 với mức đầu tư  gần 70 triệu đồng. Sau khi vệ sinh bể cẩn thận bắng cách ngâm nước 15 ngày, rửa sạch hết các tạp chất khi xây dựng, anh mới bắt đầu thả cá. Kiến thức mới tiếp cận, mô hình mới xây dựng vì vậy anh hết sức cẩn thận trong việc lựa chọn thức ăn và sử dụng các loại thuốc làm sạch nguồn nước. Hàng ngày theo dõi sự phát triển của đàn cá đồng thời anh trực tiếp đến các hộ có kinh nghiệm để học hỏi. Lứa cá đầu tiên, tuy không bị dịch bệnh, hao hụt xong số lãi cũng không đạt như bình quân mà các hộ khác từng nuôi trên khoảng diện tích đó. Anh liền tìm đến cán bộ kỹ thuật hỏi rõ nguyên nhân được biết do quá cẩn trọng trong lần đầu thả nuôi nên anh đã xuống giống chỉ bằng 1/3 mật độ nuôi, bên cạnh đó là do sợ nguồn nước, môi trường sống của cá bị ảnh hưởng nên anh không dám cho đủ thức ăn dẫn đến cá chậm lớn…Nguyên nhân đã rõ, anh như được tiếp thêm kiến thức, củng cố cho phần thiếu hụt của mình, tự tin, yên tâm đầu tư và mở rộng diện tích và tăng số lượng đàn cá. Lúc này nguồn vốn cần cho đầu tư lớn hơn nên anh đã thông qua HND vay 100 triệu đồng cùng với vốn của gia đình đầu tư xây 200m2 bể, chia thành 2 khoang đầu tư thả trên 1 vạn con cá lóc giống. Do đã nắm vững kiến thức và có kinh nghiệm hơn nên cách chắm sóc và phòng trừ dịch bệnh trên đàn cá cũng được anh thực hiện bài bản. Theo kinh nghiệm của người dân đã từng nuôi cá lóc trong bể xi - măng lâu năm, muốn chất lượng thị cá thơm ngon giống như cá sinh trưởng ngoài tự nhiên thì thức ăn đóng vai trò quan trọng số 1. Nếu con cá được cho ăn thức ăn công nghiệp sẽ cho chất lượng thịt nhão, không thơm và nhiều mỡ vì thức ăn công nghiệp cá thường trong trạng thái nghỉ, ít vận động dẫn đến thịt cá không săn chắc. .. Khi đàn cá phát triển khoảng 2 tháng tuổi là gia đoạn cần đủ thức ăn để cá phát triển và hình thành bộ khung nên lúc này là thời điểm quan trọng quyết định cho hiệu quả. Với thuận lợi là địa phương gần biển, dồi dào nguồn cá biển nhỏ để chế biến thức ăn chăn nuôi mà bà con vẫn quen gọi là cá tạp. Vì vậy mỗi buổi sáng, anh Nên đều đặt mua của các tàu thuyền trên 200kg cá tạp này để chăm đàn cá trong bể. Anh Nên cho biết, loại thức ăn là cá tạp này sẽ được tiêu hóa trong vòng 1 ngày vì vậy con cá nuôi trong bể có thời gian hấp thu dinh dưỡng và lớn theo chu kỳ tự nhiên chứ không lớn nhanh, lớn phổng như ăn thức ăn công nghiệp vì vậy chất lượng thịt sẽ săn chắc. Hơn nữa trong quá trình tiêu hóa thức ăn diễn ra chậm và cần tới sự hoạt động của các cơ quan nội tạng giúp con cá không ngừng vận động cũng là yếu tố làm nên chất lượng cá. Nếu nuôi bằng thức ăn là cá tạp thì mỗi năm chỉ nuôi được 2 lứa, như vậy nếu tính về chu kỳ sinh trưởng của con cá ngoài tự nhiên cũng gần bằng thời gian nuôi trong bể.  Theo anh Nên, nuôi cá trong bể xi măng có nhiều ưu điểm như chủ động trong xử lý nguồn nước, có thể tách những con bị bệnh để xử lý nhanh nên ít khi bị rủi ro. Thường mỗi hộ nuôi cá lóc trong bể xi-măng đều có giếng khoan là nguồn nước cung cấp hàng ngày, nhiều hộ gia đình bơm trực tiếp lên bể cá sẽ dễ gây rủi ro là làm con cá bị ngạt, bị sốc vì vậy nên cho chảy qua một bể cát nhỏ trước khi đưa vào bể cá là tốt nhất. Cách làm đơn giản này nhưng đem lại hiệu quả cao trong việc tránh những rủi ro không đáng có vì khi được bơm qua bể cát, nước trong giếng được tiếp xúc với không khí tự nhiên trong điều kiện chảy trao đổi khí làm cho con cá không bị ngạt do các chất khí có dưới giếng khi nằm sâu dưới lòng đất. Với cá con khi mới thả cần có mái che cho bể để tránh ánh nắng quá gắt hay mưa to, và cũng chống rét khi mùa đông. Bên cạch đó cũng cần có hệ thống thoát nước tốt để phục vụ thay nước hàng ngày và làm vệ sinh khi cần thiết, nước ô nhiễm sẽ dễ gây dịch bệnh trong đàn cá và có thể dẫn đến hiện tượng cá chất hàng loạt. Do được nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật nên từ khi xây dựng bể cá đến nay, gia đình anh Nên chưa bao giờ gặp dịch bệnh. Hiện mỗi năm thu hoạch 2 vụ với sản lượng  tương đương 13 tấn cá, trừ chi phí anh thu lãi 200 triệu đồng. Qua 3 năm nuôi cá lóc bằng thức ăn tự nhiên, chất lượng thịt thơm ngon, nên sản phẩm đầu ra của nhà anh luôn là địa chỉ đặt hàng của các đại lý.

Có thể thấy, việc nuôi cá lóc trong bể xi măng có lợi nhuận tương đối cao, hiệu quả kinh tế lớn, chi phí đầu tư ban đầu không nhiều, không đòi hỏi diện tích nuôi quá lớn nên tận dụng được nuôi trong gia đình, phù hợp với điều kiện tự nhiên ở các vùng trong tỉnh. Đây chính là hướng thoát nghèo, tạo việc làm cho nhiều hộ dân, vì vậy các địa phương cần quan tâm tìm kiếm thị trường để nhân rộng mô hình cho nông dân.

Ý kiến bạn đọc
    <

    Tin mới nhất

    Phát triển các mô hình nuôi con đặc sản giúp người dân ở Như Thanh thoát nghèo(19/03/2024 8:30 SA)

    Lan tỏa phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi(01/02/2024 9:38 SA)

    Tập huấn kỹ thuật nuôi sâu canxi và nuôi giun quế cho hội viên nông dân xã Yên Phong, huyện Yên Định(15/11/2023 1:48 CH)

    Phát triển kinh tế nhờ... công nghệ(13/11/2023 9:38 SA)

    Hội viên nông dân xã Định Long, huyện Yên Định được được tập huấn kỹ thuật nuôi sâu canxi, trùn quế(11/11/2023 11:10 SA)

    Tập huấn kỹ thuật nuôi sâu canxi và nuôi giun quế cho hội viên nông dân Thị trấn Tân Phong, huyện...(27/10/2023 5:24 CH)

    Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi(18/09/2023 9:01 SA)

    Làm giàu từ nuôi gà đẻ trứng(18/08/2023 3:47 CH)