Cổng thông tin điện tử

Hội Nông dân tỉnh thanh hóa

Hiệu quả mô hình nuôi trồng và chế biến nấm nông nghiệp công nghệ cao

Đăng ngày 23 - 04 - 2020
100%

Khao khát được làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, anh Lê Đình Trúc xã Yên Thọ, huyện Như Thanh, luôn nung nấu và nuôi dưỡng ý tưởng phát triển kinh tế trang trại. Năng động, cần cù, quyết đoán, vừa làm vừa học hỏi và tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, anh đã thành công với mô hình nuôi trồng và chế biến nấm nông nghiệp công nghệ cao, thành lập Hợp tác xã (HTX) nông sản hữu cơ mang tên Trúc Phượng.

Khu trồng nấm hữu cơ của HTX Trúc Phượng, xã Yên Thọ, huyện Như Thanh

Năm 2009, sau nhiều năm làm ăn xa, tích lũy kinh nghiệm và vốn liếng, anh trở về quê phát triển nghề trồng nấm. Nhận thấy nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch hữu cơ của thị trường hiện nay rất lớn, trong đó điều kiện, tiềm năng để sản xuất cây nấm rất phù hợp với nông thôn và có thể tận dụng nhiều phụ phẩm nông nghiệp. Thời gian đầu, bản thân anh gặp không ít khó khăn vì thiếu kinh nghiệm, nguồn vốn đầu tư hạn hẹp, bên cạnh đó là khâu tiếp cận thị trường của cấy nấm còn khá mới mẻ. Thiếu kiến thức, anh tìm hiểu, tiếp cận, nghiên cứu nhiều nguồn thông tin từ sách, báo và mạng Internet. Thiếu kinh nghiệm, kỹ năng thực tiễn, anh tranh thủ thời gian để đi thăm quan, học hỏi các mô hình cho hiệu quả kinh tế cao ở trong và ngoài tỉnh. Thiếu khoa học kỹ thuật, anh thường xuyên tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do Hội Nông dân (HND) tổ chức để học hỏi quy trình kỹ thuật nuôi trồng các loại nấm một cách bài bản, từ đó ứng dụng trong thực tiễn sản xuất. Nguồn vốn, anh tham gia tổ chức HND và vay vốn qua công tác tín chấp của Hội. Năm 2013, sau thời gian gắn bó với nghề làm nấm, từ chỗ học nghề và thăm dò thị trường đến sản xuất quy mô và mở rộng. Khi đã khẳng định chỗ đứng trong làng làm nấm, anh mạnh dạn thành lập HTX nông sản hữu cơ Trúc Phượng với quy mô 5000 m2 vốn đầu tư trên 1,7 tỷ đồng với dây chuyền đóng bịch nguyên liệu tự động công suất 2000 bịch/giờ; Dây chuyền khử trùng, đóng gói sản phẩm; Nhà cấy giống, nhà ươm, nhà nuôi trồng nấm theo quy trình GMP (Good Manufacturing Practices: là tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt áp dụng trong sản xuất nhằm đảm bảo chất lượng ổn định, đạt tiêu chuẩn đã đăng ký và điều kiện vệ sinh an toàn trong quá trình sản xuất). Bình quân mỗi năm, cơ sở sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu của Hợp tác xã Trúc Phượng đưa ra thị trường từ 60 tấn trở lên các loại nấm linh chi, mộc nhĩ, bào ngư, nấm rơm, nấm mỡ.

Do được ứng dụng theo công nghệ trồng nấm của Nhật Bản từ quy trình phối trộn nguyên vật liệu đến các công đoạn sản xuất tự động và điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng theo quá trình phát triển nên năng suất cao hơn trước 50%. Quá trình với nhiều cung đoạn tự động hóa đã giúp giảm đáng kể công lao động, chất lượng sản phẩm tốt, nhờ đó hiệu quả kinh tế được nâng cao. Anh Trúc cho biết: Trước đây, trồng nấm bằng phương pháp thủ công thường không kịp thời vụ bởi tiến độ chậm. Hiện nay, bằng việc đưa lò hấp khử trùng phôi nấm, máy ủ, đảo tơi nguyên liệu vào quá trình sản xuất, nâng cao năng suất lao động đồng thời bảo đảm an toàn thực phẩm. Cụ thể, đối với một mẻ nấm 5.000 bịch, thời gian hoàn thành từ công đoạn từ ủ đến cấy giống là 24 tiếng. Công đoạn này trước kia có khi mất cả tuần, như vậy không đảm bảo cho lứa nấm chất lượng, công lao động cũng giảm được 1/2. Điều kiện nhiệt độ, ánh sáng được điều chỉnh phù hợp đã kích thích nấm phát triển, thời gian thu hoạch được rút ngắn hơn so với bình thường, giảm 1/3. Nấm là loài thực vật có vòng đời ngắn, vậy nên chăm sóc để có hàm lượng dinh dưỡng đạt tiêu chuẩn và đảm bảo vệ sinh thực phẩm cần tuân thủ chặt chẽ công tác vệ sinh nguồn nước, môi trường và kể cả các dụng cụ lao động. Vì cây luôn ở dạng mầm nên rất lý tưởng cho các loại vi khuẩn gây bệnh phát triển. Khu vực nhà trồng nấm là nơi dễ phát sinh các loại bệnh, nơi đây được cho là quan trọng nhất trong các khâu. Trước hết phải được xây dựng kiên cố, thoáng mát, dễ điều chỉnh nguồn ánh sáng, nhiệt độ và độ ẩm. Để chủ động trong sản xuất, năm 2018 HTX đầu tư công nghệ sản xuất giống nấm, đi sâu vào nghiên cứu nuôi cấy mô, tạo ra nguồn giống có chất lượng, năng suất cao.

Sản phẩm Nấm Linh chi được chứng nhận OCOP năm 2020

Được quản lý đầu vào từ giống đến nguyên liệu và quá trình sinh trưởng, nên cây nấm của HTX đủ tiêu chuẩn để công nhận OCOP cho 3 loại sản phẩm là: Nấm linh chi, Nấm bào ngư xám, Nấm mộc nhĩ khô. Những mặt hàng nấm của HTX đã có mặt ở các chuỗi siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch trong và ngoài tỉnh. Các sản phẩm nấm Trúc Phượng góp phần tạo nên chuỗi liên kết trong hệ thống cửa hàng tại thị trấn Bến Sung, huyện Như Thanh với nhãn hiệu Benen coop, tạo việc làm thường xuyên cho trên 20 lao động. Các cửa hàng này mỗi năm có lãi gần 1 tỷ đồng sau khi đã trừ hết chi phí. Làm ăn hiệu quả, quy mô sản xuất của HTX đang dần được mở rộng và chuyển giao kỹ thuật cho các HTX khác cùng ngành nghề và các hộ nông dân có khả năng nuôi trồng nấm, đồng thời nhận bao tiêu sản phẩm. Công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, kết nối giữa các trại trồng nấm với nhau và trực tiếp tới thị trường được anh Trúc chủ động thông qua mạng Internet. Xây dựng trang website riêng tại địa chỉ http://www.benencoop.com,tham gia các nhóm mua, bán và cập nhật thông tin thị trường.

Hướng phát triển của HTX trong thời gian tới được lên kế hoạch với quy mô mở rộng diện tích từ 3 đến 4 ha, thị trường tiêu thụ sẽ vươn ra không chỉ là các địa phương trong nước mà cả nước ngoài như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga với khoảng 40 - 50 tấn mỗi năm, trị giá từ 3 đến 3,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng, mẫu mã để xây dựng sản phẩm chủ lực của xã. Chú trọng đến sản xuất đa dạng các loại nấm có giá trị kinh tế cao như: Nấm linh chi, nấm bào ngư xám…. Thu hút kỹ sư chuyên sâu về nông nghiệp hữu cơ vào làm việc tại HTX, xây dựng chỉ dẫn địa lý và bảo hộ thương hiệu, truy xuất nguồn gốc cho hai sản phẩm Trà Nấm linh chi và giò chay cũng như các sản phẩm của HTX.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Trúc còn được tín nhiệm bầu giữ trọng trách Chi hội trưởng chi Hội Nông dân thôn Hùng Sơn; anh luôn gương mẫu, đi đầu trong các hoạt động tuyên truyền, tập hợp hội viên nông dân tham gia các phong trào, hoạt động của Hội, phấn đấu xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, vận động hội viên trong chi Hội cùng nhau xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế có hiệu quả. Với những cống hiến đó, nhiều năm liền, anh được các cấp, các ngành khen thưởng, xứng đáng là gương điển hình tiêu biểu trong công tác Hội và phong trào nông dân ở địa phương.

<

Tin mới nhất

Hội nghị truyền thông Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam" tại...(15/04/2024 11:35 SA)

Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa cùng hội viên xử lý rác thải theo hướng thân thiện với môi trường(15/04/2024 11:08 SA)

Phát triển các mô hình nuôi con đặc sản giúp người dân ở Như Thanh thoát nghèo(19/03/2024 8:30 SA)

Lan tỏa phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi(01/02/2024 9:38 SA)

Tập huấn kỹ thuật nuôi sâu canxi và nuôi giun quế cho hội viên nông dân xã Yên Phong, huyện Yên Định(15/11/2023 1:48 CH)

Phát triển kinh tế nhờ... công nghệ(13/11/2023 9:38 SA)

Hội viên nông dân xã Định Long, huyện Yên Định được được tập huấn kỹ thuật nuôi sâu canxi, trùn quế(11/11/2023 11:10 SA)

Tập huấn kỹ thuật nuôi sâu canxi và nuôi giun quế cho hội viên nông dân Thị trấn Tân Phong, huyện...(27/10/2023 5:24 CH)