Nông dân Thanh Hóa phát huy vai trò chủ thể để xây dựng nông thôn mới

Thực hiện kế hoạch của Ban chỉ đạo phát triển nông nghiệp & xây dựng NTM tỉnh, ngày 16/4/2012 Sở Nông nghiệp & PTNT cùng Hội Nông dân tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp số 08-CTrPH/HND-SNNPTNT, nhằm thực hiện có hiệu quả chương trình trong giai đoạn 2012-2020.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và kết luận số 61-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương về Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010-2020, ngày 10/5/2011 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 673/QĐ-TTg về việc Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn giai đoạn 2011-2020; thực tiễn cho thấy, trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, nhất là quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, một nhà nước của dân do dân và vì dân thì vai trò nông dân là hết sức to lớn; đối với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM hiện nay, nông dân đóng vai trò “chủ thể”, đây là sự khẳng định đúng đắn, cần thiết, nhằm phát huy nhân tố con người, khơi dậy và phát huy mọi tiềm năng của nông dân vào công cuộc xây dựng nông thôn cả về kinh tế, văn hóa và xã hội đồng thời bảo đảm những quyền lợi chính đáng của họ.

Nhưng làm thế nào để nông dân thực sự trở thành “chủ thể” đích thực không phải là công việc đơn giản, và không ít khó khăn, nhất là đối với tỉnh ta, một địa bàn nông thôn rộng lớn, đa dạng, với điểm xuất phát thấp, nhiều dân tộc và có nền văn hóa, sinh hoạt cộng đồng đa dạng; đây là câu hỏi lớn của Ban chỉ đạo NTM các cấp, trong đó có thành viên là lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh, một tổ chức hội thu hút đa số nông dân với quy mô lớn, có mặt ở mọi lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trong tỉnh.

Thực hiện kế hoạch của Ban chỉ đạo phát triển nông nghiệp & xây dựng NTM tỉnh, ngày 16/4/2012 Sở Nông nghiệp & PTNT cùng Hội Nông dân tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp số 08-CTrPH/HND-SNNPTNT, nhằm thực hiện có hiệu quả chương trình trong giai đoạn 2012-2020; để triển khai thực hiện chương trình trên, Hội Nông dân đã chọn công tác tuyên truyền và phát động phong trào chung sức xây dựng NTM làm bước khởi động, sau hơn 5 tháng triển khai và tổ chức hội thi kiến thức nhà nông ở 5.485 chi hội, 576 xã, với sự tham gia học tập, tìm hiểu, đua tài của hàng triệu hội viên nông dân các dân tộc trong tỉnh, hội thi đã thực hiện nhiều nội dung, với các vòng từ sơ khảo, bán kết đến chung kết, từ cấp cơ sở đến cấp huyện và chọn 25 đội tham gia hội thi cấp tỉnh vào ngày 17/7/2012 có 4 đội đã đạt kết quả xuất sắc gồm: Thọ Xuân, Đông Sơn, Cẩm Thủy và Nga Sơn, cuộc thi chung kết tổ chức vào tối 8/8/2012 được truyền hình trực tiếp để tuyên truyền sâu rộng đến các địa phương, kết quả giải nhất thuộc về đội Đông Sơn; giải nhì thuộc về đội Thọ Xuân; và giải ba thuộc về các đội Nga Sơn và Cẩm Thủy.

Qua quá trình diễn ra Hội thi “Kiến thức nhà nông” lần thứ IV-2012 cho thấy, đây là cuộc sinh hoạt rộng lớn, đã trở thành sân chơi bổ ích của bà con nông dân trong tỉnh, thể hiện hình ảnh của người nông dân trong thời kỳ mới, không chỉ cần cù, sáng tạo trong lao động, mà còn có tài năng trên nhiều lĩnh vực; qua đó khẳng định khả năng của nông dân đã góp phần làm vơi đi sự mặc cảm, tự ty, hoặc nhận thức chưa đúng về nông dân chỉ có “một nắng, hai sương”; “chân lấm, tay bùn” hay “ bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”; mà để lại hình ảnh người nông dân thời đại mới hiện nay, không chỉ nắm vững đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, quan tâm toàn diện về lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn; có rất nhiều hội viên nông dân giàu kinh nghiệm, trình độ, hiểu biết về khoa học - kỹ thuật, biết kinh doanh trong nền kinh tế thị trường đầy biến động; từ thực tiễn đã có nhiều sáng tạo, với cách làm hay, kinh nghiệm quý, và là chủ nhân trong xây dựng nông thôn mới; Hội thi tạo khí thế thi đua sôi nổi ở các cấp hội nông dân, thể hiện chất lượng hoạt động của các tổ chức Hội, đem đến cho các hội viên nông dân tinh thần lạc quan, tin tưởng vào sự nghiệp lãnh đạo của Đảng, tiếp tục phát huy khả năng, sáng tạo trong lao động sản xuất, xây dựng tình làng, nghĩa xóm ngày càng bền chặt, từng bước góp phần cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu, như lúc sinh thời Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.

Cùng với hội thi, nhiều hoạt động của Hội nông dân các cấp đồng loạt được triển khai, nhất là phong trào nông dân tham gia làm kinh tế chào mừng Đại hội nông dân các cấp, theo báo cáo mỗi năm có trên 22 vạn hộ đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, đến nay trên 300 nông dân là chủ trang trại theo tiêu chí Trung ương quy định, có 591 hộ nông dân thành lập doanh nghiệp, đây thực sự là động lực, là đầu tầu, là mô hình sản xuất hàng hóa cho nhân dân trong vùng tham quan học tập. Đặc biệt qua hai năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, Hội nông dân cùng với hệ thống chính trị xã hội trong tỉnh đã thực hiện tốt phong trào chung sức xây dựng NTM, đã đóng góp gần 172 tỷ đồng, huy động hàng ngàn ngày công, hiến hàng trăm ha đất để xây dựng NTM, qua đó khẳng định khả năng và sức sáng tạo của nông dân Thanh Hóa là rất lớn, đây không chỉ là nguồn lực quan trọng mà là đối tượng thụ hưởng thành quả của quá trình xây dựng NTM. Vai trò “chủ thể” của người dân trong quá trình xây dựng NTM được thể hiện trên các lĩnh vực sau: (1) Tích cực tham gia vào quá trình xây dựng quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng NTM; (2) Chủ động và sáng tạo trong xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn; (3) Trực tiếp trong phát triển kinh tế và tổ chức sản xuất CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn; (4) Tích cực, sáng tạo trong xây dựng và gìn giữ đời sống văn hóa - xã hội, môi trường ở nông thôn; (5) Là nhân tố góp phần quan trọng vào xây dựng hệ thống chính trị - xã hội vững mạnh, bảo đảm ANTT xã hội ở cơ sở.

Kết qủa đạt được trong thời gian qua mới chỉ là bước đầu, chương trình xây dựng NTM là nhiệm vụ chiến lược, lâu dài, mục tiêu đặt ra còn rất lớn,và không ít khó khăn đang đặt ra nhiều vấn đề cần tập trung nỗ lực của Nhà nước và nhân dân, giải quyết những vấn đề cấp bách, đồng thời tạo ra tiền đề cho những giai đoạn tiếp theo. Để phát huy tốt vai trò “chủ thể” của nông dân, quan tâm hơn nữa đến đời sống vật chất tinh thần ngày càng cao của người dân trong giai đoạn tới, theo chúng tôi cần tập trung làm tốt một số vấn đề cơ bản sau:

Một là,đẩy mạnh CNH- HĐH nông nghiệp, nông thôn, tích cực xoá đói giảm nghèo, tập trung phát triển nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng xây dựng nền nông nghiệp toàn diện, hiện đại, phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn; tiếp tục đổi mới và tổ chức lại sản xuất ở nông thôn; tăng cường áp dụng tiến bộ KH-CN và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, kết hợp có hiệu quả giữa “4 nhà”; đẩy mạnh đầu tư và hỗ trợ tín dụng cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, tiếp tục đẩy nhanh quá trình xây dựng, hoàn thiện và phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn, tạo việc làm nhằm ổn định, nâng cao đời sống cho nông dân một cách bền vững.

Hai là,đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở ở nông thôn, giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị và toàn xã hội trong quá trình xây dựng NTM. Tăng cường hiệu lực quản lý điều hành của chính quyền, triển khai các chương trình phối hợp, nhất là trong tổ chức Hội Nông dân. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để nông dân phát huy vai trò “chủ thể” của mình trong xây dựng NTM.

Ba là, Ban hành và hoàn thiện chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn,gắn chính sách kinh tế với chính sách an sinh xã hội; giải quyết tốt những bức xúc trong nhân dân, đảm bảo lợi ích cho người nông dân. Phát huy dân chủ ở cơ sở theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ”; khơi dậy, sử dụng và phát huy tốt mọi tiềm năng của nông dân trong xây dựng NTM;

Bốn là,đẩy mạnh và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nghề cho lao động nông thôn; nâng cao chất lượng đời sống văn hoá - xã hội ở nông thôn; tạo chuyển biến và nâng cao nhận thức trong nông dân về chương trình xây dựng NTM, xác định xây dựng NTM mang lại lợi ích thiết thực cho người dân sống ở nông thôn, từ đó lôi cuốn họ tham gia tích cực với vai trò là “chủ thể” đích thực của quá trình này.

Những vấn đề trên có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, trong quá trình thực hiện phải giải quyết đồng bộ và toàn diện nhằm khơi dậy và phát huy tốt vai trò “chủ thể” của người nông dân trong công cuộc xây dựng NTM.

 

Sở NNPTNT