Sản xuất kinh doanh gioi, nguồn lực xây dựng nông thôn mới

Trong những năm qua, thực hiện nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân, Hội Nông dân Thanh Hóa  không ngừng đổi mới phương thức, nội dung hoạt động, trong đó trọng tâm đều hướng về cơ sở, tập trung nguồn lực giúp hội viên phát triển kinh tế. Sự vận dụng sáng tạo giữa tuyên truyền vận động đi đôi với hỗ trợ của tổ chức hội là động lực quan trọng giúp hội viên có điều kiện cải thiện đời sống, xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, xây dựng quê hương, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới (XDNTM).

 Ngoài việc thực hiện 19 tiêu chí, tỉnh hội đã đăng ký với tỉnh ủy và ban hành Nghị quyết chuyên đề về XDNTM với 5 nội dung cụ thể: Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh; Đóng góp công sức xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; Tham gia bảo vệ môi trường; Thực hiện dồn điền đổi thửa; Xây dựng, chỉnh trang nhà cửa, phát triển kinh tế, nâng cao, cải thiện đời sống của nông dân. Đây cũng là những nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt quá trình hoạt động hội và phong trào nông dân. Trong đó công tác tuyên truyền vận động được đặt lên hàng đầu, sao cho cán bộ, hội viên nông dân (HVND) hiểu rõ bản chất của XDNTM, là của dân, do dân và vì dân, người nông dân mới thực sự là chủ thể của vấn đề từ nghĩa vụ đến quyền lợi, từ đó xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Nắm bắt, phân tích, sàng lọc thông qua tâm tư, nguyện vọng của nông dân, tỉnh Hội đã đưa ra nhận định: Chỉ khi kinh tế gia đình hội viên được nâng cao thì huy động sự đóng góp XDNTM mới có hiệu quả, chính vì vậy mà khi thực hiện tuyên truyền, vận động, công tác hỗ trợ cũng cùng lúc được triển khai. Xác định, khoanh vùng, tìm hiểu nguyên nhân để hỗ trợ cái hội viên cần, nâng cao kiến thức của hội viên thiếu, đưa ra kế hoạch hành động cụ thể. Đối với hội viên các đơn vị miền núi, nguyên nhân của kinh tế chậm phát triển được xác định là do phong tục sản xuất lạc hậu, thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật, nên việc khẩn trương nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện thu nhập bằng các mô hình như: Áp dụng phân viên dúi sâu trong sản xuất lúa, hạn chế rửa trôi, xói mòn trên đất dốc; hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học trên gia cầm, nuôi dê, trâu bò, trồng cây dược liệu, lâm nghiệp… Khi đã hướng dẫn theo kiểu “cầm tay chỉ việc”, kết quả thu được không ngoài mong đợi, năng suất lao động đều cao hơn trước, nên từ những mô hình ban đầu đã nhân lên rộng khắp ở 11 huyện miền núi, với hàng trăm điểm trình diễn do HND các huyện xây dựng. Ở các huyện đồng bằng, ven biển tăng cường công tác liên doanh, liên kết để hội viên tiếp cận với các nguồn vốn, vật tư nông nghiệp, xây dựng các mô hình điểm sản xuất chuyên canh theo hướng hàng hóa, hợp tác từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị của nông sản… Bình quân mỗi năm HND các cấp trực tiếp và phối hợp với hệ thống khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, các nhà khoa học…mở 2.500 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho trên 300.000 lượt hội viên, nông dân.

Có kiến thức, nông dân tự tin, yên tâm đầu tư, quy mô sản xuất được mở rộng, nhu cầu về vốn cũng tăng cao, Hội lại là cầu nối đứng ra tín chấp, ủy thác với các Ngân hàng để hội viên vay với tổng số dư nợ trên 6.000 tỷ đồng, mức vay cũng nâng lên tới 50 triệu đồng một cách thuận lợi. Những hỗ trợ tích cực của hội đã tạo nên một môi trường tín dụng lành mạnh, hạn chế việc cho vay nặng lãi ở nông thôn… Phát động xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân cũng được các cấp hội chú trọng, đến nay tổng nguồn quỹ do hội đang quản lý và sử dụng là 30 tỷ 850 triệu đồng, đây cũng là nguồn vốn quan trọng giúp xây dựng hàng ngàn mô hình sản xuất để tuyên truyền cho nông dân thực hiện. Tín chấp mua chậm trả mỗi năm trên 20.000 tấn phân bón, hàng chục tấn giống lúa, hàng vạn cây, con các loại, có chất lượng đảm, giá cả hợp lý trị giá trên 100 tỷ đồng, qua chương trình này, nông dân nghèo giảm bớt được đáng kể gánh nặng chi phí  đầu tư ban đầu. Được sản xuất trong môi trường thuận lợi, với vốn và kiến thức trong tay đã giúp nông dân nâng cao thu nhập trên mỗi đơn vị diện tích, hiện toàn tỉnh đã có 500 trang trại đạt tiêu chí Trung ương, 214.205 hộ đạt tiêu chuẩn gia đình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG) các cấp, đây là lực lượng có đóng góp đáng kể vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương. Từ phong trào đã có 64.439 lượt hộ nông dân có điều kiện vươn lên thoát nghèo, 576.219 hộ đạt danh hiệu gia đình nông dân văn hóa, nông dân thêm tin tưởng vào tổ chức hội, tham gia sinh hoạt hội ngày càng nhiều hiện tỷ lệ tập hợp là 88% so với hộ nông nghiệp. Chất lượng sinh hoạt chi, tổ hội từng bước được nâng cao và đều đặn hơn, tại đây nông dân được tham gia bàn bạc và nói lên tâm tư nguyện vọng của chính mình, đóng góp những ý tưởng giúp cho các cấp Đảng ủy xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, NTM sát với thực tế ở mỗi địa phương. Thực hiện chương trình hành động theo tinh thần Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 4.11.2013 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo nhanh và bền vững ở các huyện miền núi Thanh Hóa đến năm 2020”, tỉnh Hội đã phân công cán bộ phụ trách các đơn vị miền núi bám sát cơ sở, khảo sát, phân loại tìm ra nguyên nhân nghèo của từng hộ để có hướng giúp đỡ thoát nghèo bền vững. Tỉnh hội đã phát động cán bộ Hội chuyên trách các cấp ở 16 huyện, thị xã, thành phố vùng đồng bằng và các bộ cơ quan tỉnh hội góp tiền mua 17 bò sinh sản trị giá 240 triệu đồng ủng hộ các gia đình nông dân nghèo bản Kéo Hượn, xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát. Ông Lương Minh Thông, Bí Thư huyện ủy Mường Lát không dấu nổi xúc động: HND tỉnh là đơn vị đầu tiên hỗ trợ, chia sẻ với đồng bào Mường Lát, những giúp đỡ quý báu của Hội sẽ là nguồn lực, sự động viên trong việc chung sức giúp đỡ đồng bào nghèo. Tại 5.751 chi hội trên toàn tỉnh đều có kế hoạch để hoàn thành việc mỗi năm giúp thoát nghèo cho 1 đến 2 hộ, một nghĩa cử tốt đẹp mang tính nhân văn sâu sắc của các cấp HND Thanh Hóa.

 Trong quá trình thực hiện, nhiều điển hình tiêu biểu đã xuất hiện, những nhân tố đó đã và đang có tác động khích lệ tới đông đảo HVND trong toàn tỉnh. Công tác dồn điền, đổi thửa, nổi bật nhất phải kể đến là xã Yên Lạc, huyện Như Thanh. Là một địa phương miền núi thuộc diện 135, tuy nhiên HND xã đã có cách làm phù hợp đem lại hiệu quả thiết thực. Ngay sau khi tuyên truyền về DĐĐT, HND xã vận động các gia đình hội viên tự trao đổi, thỏa thuận rồi đề nghị lên các cấp để có sự sắp xếp hợp lý, chính vì vậy mà chỉ trong một thời gian ngắn, toàn xã hoàn thành việc DĐĐT, với 95% số hộ canh tác trên 1 thửa ruộng, không hề có thắc mắc, khiếu kiện. Đây là thành công ở một xã miền núi mà ít nơi làm được. Năm 2011, Yên Lạc hoàn toàn trắng về NTM, nay đã có 10 tiêu chí được công nhận, xuất phát từ năng suất cây trồng tăng cao do thành công của việc DĐĐT. Xã Thạch Bình, huyện Thạch Thành, cũng là một địa phương miền núi trong đó 1/3 số thôn thuộc diện 135. Ông Lê Quang Điệp, Chủ tịch UBND xã đã đưa ra nhận xét về vai trò của HND xã trong phong trào XDNTM: HND xã nhiều năm liền là đơn vị vững mạnh, thực sự là chỗ dựa để xã phát triển. Toàn xã Thạch Bình có 2.300 hội viên/1430 hộ nông nghiệp, quỹ hội đã xây dựng được bình quân 500 ngàn đồng/hội viên. Các chi hội như Châu Sơn, Bằng Phú đều có quỹ hội bình quân trên 1 triệu đồng mỗi hội viên, ở những chị hội này, HVND rất tích cực đóng góp XDNTM, hiện xã đã có 16 tiêu chí NTM được công nhận. Cùng với việc vận động nông dân hiến đất, hiến vườn để xây dựng giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng, nhà văn hóa…mỗi huyện xây dựng 2 mô hình điểm NTM ở 2 xã góp phần đẩy nhanh việc thực hiện mục tiêu XDNTM của tỉnh.

 

Hoàng Văn Lưu - UV BCH Đảng bộ tỉnh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa

Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa