Đẹp tươi danh thắng đảo Mê...

"Chiến hạm nổi" là danh của đảo Mê trong thời kỳ kháng chiến. Không những là hòn đảo anh hùng, đảo Mê còn nổi tiếng với nhiều danh thắng thiên nhiên làm say lòng người, hứa hẹn một điểm du lịch hấp dẫn.

Hòn ngọc Thanh Hóa
 
Nếu ai đã từng một lần ra đảo Mê chắc hẳn nhớ câu “Ngọc Sơn trung tú vạn niên cơ” (tức Ngọc Sơn tập trung cảnh đẹp có nguồn gốc vạn năm) và cảnh đẹp có nguồn gốc vạn năm mà câu đồng dao nhắc tới chính là cụm đảo Mê. “Ngọc Sơn” là tên gọi xưa của huyện Tĩnh Gia. Người dân vùng biển này có câu đồng dao về cụm đảo:
 
Bung, Mê, Sổ, Sập tứ bề
Hòn Vàng choi chói nằm kề Biện Sơn...
 
Cụm đảo Mê rộng 10km2 mặt biển, gồm 18 hòn đảo lớn nhỏ, là một trong những thắng cảnh thiên nhiên đẹp hùng vĩ hội tụ đầy đủ các yếu tố hải - giang - sơn - thủy. Trong đó, Hòn Mê có diện tích 4km2, độ cao trung bình so với mặt biển 175m, đỉnh cao nhất 259m. Xung quanh đảo là những vách đá dựng đứng, hai bãi cát ở chân đảo phía Bắc và phía Nam có chiều dài 200m, rộng 100m, rất thuận lợi cho tàu thuyền cập đảo nhất là khi trời giông bão.
 
Theo các cụ già ở xã Hải Bình, thì đảo Mê xưa có tên là đảo Vị, đứng từ trên núi cao của dãy núi Nam Động phía Tây nhìn ra biển thấy 18 hòn đảo xếp thành hình chữ Vị (chữ Hán cổ). Cũng vì thế, cụm đảo còn có tên chữ khác là Thập Bát Mã Sơn (tức 18 con tuấn mã). Những khi trời yên biển lặng, mặt biển xanh lam một màu, từ trên cao nhìn đủ 18 hòn đảo lớn bé không khác gì một đàn ngựa ung dung gặm cỏ giữa thảo nguyên bao la.
 
Hiện Hòn Mê chỉ phát triển an ninh quốc phòng, chưa có dân cư sinh sống, vì vậy đảo còn giữ nguyên vẻ đẹp nguyên sơ, hoang dại của đất trời cùng với đó nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, phong phú. Toàn bộ đảo Mê được bao phủ bởi những cánh rừng nguyên sinh rộng lớn với hơn 400 loài thực vật và nhiều loại động vật cư trú, trong đó có nhiều cây gỗ quý như: Sến, kim giao, lim, cây làm đồ mỹ nghệ như song, mây, đót. Và hơn 100 loài cây thuốc nam có giá trị.
 
Bên cạnh nguồn tài nguyên núi rừng phong phú với vựa thuốc quý,  đảo Mê còn là ngư trường nổi tiếng với nhiều loài thủy hải sản đa dạng. Nhiều nhất là mực và tôm hùm. Theo những ngư dân có kinh nghiệm lâu năm thì đảo Mê là một trong 5 bãi khai thác đánh bắt nhiều mực nhất ở khu vực vịnh Bắc Bộ. Theo số liệu của Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Thanh Hóa thì đảo có khoảng 440 loài sinh vật biển.
 
Không chỉ dừng lại ở tham quan du lịch với một hệ sinh thái đa dạng rừng và biển, đến thăm "Chiến hạm nổi" còn được tận hưởng sự thanh khiết của đất trời, với nắng, với gió của biển cả bao la. Bên cạnh đó, đảo Mê là bằng chứng hùng hồn về truyền thống quyết chiến quyết thắng, tinh thần sức mạnh của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nơi còn lưu dấu hơn 2.000 trận đánh lớn nhỏ, bắn rơi 33 máy bay, bắn chìm và cháy 18 tàu chiến của Mỹ.
 
Tình người lính đảo
 
Để đảo giữ được vẻ đẹp nguyên sơ vốn có, hơn 50 năm qua cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn Hỗn hợp đảo Mê đã có công lớn trong việc bảo vệ và giữ gìn đảo. Tiểu đoàn phó, Đại úy Bùi Quang Hùng cho biết: Mặc dù cuộc sống trên đảo còn nhiều thiếu thốn, khó khăn về vật chất nhưng chính vẻ đẹp thiên nhiên hoang dã của đảo đã làm say lòng các chiến sĩ, khiến họ nảy sinh tình yêu mà vượt qua những khó khăn, thử thách. Trong tâm trí những chiến sĩ đều coi đảo Mê là người bạn tâm giao cùng sống và canh giữ biển trời bên nhau.
 
Có lẽ vì thế mà trong những ngày ở đảo Mê chúng tôi cảm nhận được không một ngọn cỏ, cành cây hay một con chim nào bị xâm hại. Con người và thiên nhiên sống chan hòa cùng nhau giữa biển trời bao la.
 
Đảo Mê đã được phủ một màu xanh từ mồ hôi,
công sức của những người lính.
 
Để cuộc sống sinh hoạt vừa được đảm bảo mà không ảnh hưởng thiên nhiên, cán bộ chiến sĩ đảo Mê đã tự xây dựng các mô hình VAC hiệu quả. Và để minh chứng cho điều đó Đại uý Bùi Quang Hùng đã dẫn chúng tôi đi tham quan những quả đồi, nơi đó có những ruộng rau xanh mơn mởn bốn mùa, trận mưa vừa qua khiến cho những ngọn rau muống vươn dài tua tủa, ở phía đằng xa những chú dê, bò đang ung dung gặm cỏ.
 
“Để ươm được những mầm xanh tốt tươi như ngày nay đó là nhờ sự quyết tâm nỗ lực của cán bộ chiến sĩ. Ngày trước đảo Mê chỉ một màu nâu, màu của đất đá, bộ đội huấn luyện dưới cái nắng gay gắt nhưng khổ nhất vẫn là thiếu rau xanh trong bữa ăn. Vào những tháng mưa bão, biển động, mấy tuần liền không có tàu ra đảo, anh em chỉ ăn lương khô và đồ hộp. Thế rồi vào những giờ nghỉ anh em chiến sĩ lại thay nhau người vỡ đất, người cuốc xới, người xếp đá thành tường ngăn trôi đất… cứ thế ngày qua ngày, tháng qua tháng, những vườn rau ra đời và tươi tốt đến bây giờ”, Đại uý Hùng cho biết thêm.
 
Hiện tại, các chiến sĩ đã tự túc được 100% rau xanh và 80% thịt gia súc gia cầm các loại.
 
Khai mở du lịch đảo Mê
 
Theo đánh giá của các chuyên gia thì đảo Mê rất giống với đảo Yến, đảo Tằm ở Nha Trang, đây đang là những hòn đảo du lịch nổi tiếng trong nước và cả thế giới. Nha Trang đã biến những hòn đảo hoang sơ thành nơi du lịch thu hút hàng triệu lượt du khách mỗi năm. Bởi vậy người dân xứ Thanh có quyền hy vọng trong tương lai gần với những cách làm hiệu quả đảo Mê sẽ được “đánh thức” xứng với tiềm năng của nó.
 
Đảo Mê có nhiều tiềm năng phát triển du lịch kết hợp với quốc phòng.
 
Được biết, Bộ Quốc phòng đã có văn bản đồng ý để Thanh Hóa quy hoạch phát triển du lịch đảo Mê gắn với quốc phòng. Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị nghe báo cáo quy hoạch chi tiết Khu du lịch cụm đảo Mê. Theo quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000 do Viện Quy hoạch – Kiến trúc xây dựng thì, quần đảo Hòn Mê dự kiến được phân thành 3 khu chức năng chính, gồm: Khu quân sự; khu phát triển kinh tế và khu nhà ở cán bộ - nhân viên phục vụ du lịch. Về hệ khung không gian khu du lịch, sẽ dựa trên các tuyến giao thông chính, các khu chức năng chính, gồm: Khu cảng du lịch kết hợp với quân sự, tuyến đường chính hiện tại lên đảo đến khu vực ngọn hải đăng, tuyến đường vào sân bay và khu du lịch cao cấp (khu vực đảo hòn Vát). Khu chức năng được phát triển theo các khu vực cụ thể, gồm: khu du lịch được bố trí tại khu vực dọc theo đường vào sân bay; khu vui chơi giải trí ngoài trời được bố trí phía trên khu vực Khe Sâu; …. Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã giao cho Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn cùng các ngành chức năng xây dựng hệ thống quản lý chung cho cụm đảo hòn Mê và sớm hoàn thiện hệ thống cắm mốc bằng bê tông để phân ranh giới giữa khu quân sự và dân sự đã được xác định. Đây sẽ là những viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho cụm đảo Mê phát triển.
 
Tiếng còi tàu đã vang lên chào  đảo Mê đưa chúng tôi về đất liền, để lại khơi xa đảo Mê tươi đẹp, hoang dã và người lính. Không ít người trong chúng tôi còn quay lại nhìn đảo trong niềm tiếc nuối. Còn tôi thầm mong sẽ có một ngày trở lại đảo Mê, vào ngày hòn đảo này được kết hợp phát triển kinh tế du lịch gắn với quốc phòng sẽ nườm nượp du khách. Sẽ còn nhiều việc phải làm, nhưng có động lực ở Khu kinh tế Nghi Sơn, cùng với vị trí cách không xa Sầm Sơn, có sự chung tay của những người lính và chính quyền địa phương, chủ trương phát triển du lịch đảo Mê sẽ hiện hữu.

Vân Anh (VH&ĐS)