Hụt hơn 3 tỷ USD giá dầu, tăng trưởng xuất khẩu không đạt kế hoạch

Thông tin tại "Hội nghị Chính phủ với các địa phương" diễn ra sáng 28/12, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, việc sụt giảm của giá dầu thô đã ảnh hưởng lớn đến mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu trong năm nay.

 
 
Thông tin tại "Hội nghị Chính phủ với các địa phương" diễn ra sáng 28/12, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, việc sụt giảm của giá dầu thô đã ảnh hưởng lớn đến mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu trong năm nay.
 
Theo kế hoạch, năm 2015 mục tiêu tăng trưởng 10% so với năm 2014 và giá dầu thô dự báo sẽ ở trên mức hơn 100 USD/thùng. Nhưng trái với dự báo, ngay khi bước vào quý 2, giá mặt hàng này liên tục giảm mạnh chỉ còn một nửa và đến thời điểm hiện nay, giá dầu chỉ quanh mức 35-36 USD/thùng.

"Ước tính, việc mất hơn 3 tỷ USD do giá dầu thô giảm đã ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10% trong năm 2015," bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói.

Đến thời điểm này, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm 2015 ước đạt 162,44 tỷ USD, chỉ tăng 8,1% so với năm 2014, trong khi nhập siêu chỉ đạt 3,17 tỷ USD, bằng khoảng 2% tổng kim ngạch xuất khẩu (thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra từ đầu năm là 5%)

Ngoài dầu thô, sự sụt giảm của nhóm hàng nông lâm thủy sản cũng tác động mạnh đến bức tranh xuất khẩu chung khi cả năm 2015 nhóm này chỉ đạt 30,14 tỷ USD, giảm 0,8% so với năm 2014.

Riêng xuất khẩu gạo năm nay ước đạt 6,7 triệu tấn với trị giá xuất khẩu đạt 2,85 tỉ USD, tăng 5,8% về khối lượng, nhưng giá trị lại giảm 2,9% so với năm 2014.

Trước thực tế trên, để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu là 10% trong năm 2016, theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ là lợi thế để Việt Nam mở rộng thị trường, tăng kim ngạch xuất khẩu.

Tuy nhiên, trong bối cảnh giá thế giới giảm mạnh, để tận dụng triệt để các cơ hội từ các FTA, lãnh đạo Bộ Công Thương kiến nghị các địa phương cần nâng cao hơn nữa chất lượng các mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ vấn đề An toàn vệ sinh thực phẩm, không để những vi phạm của một doanh nghiệp đơn lẻ làm ảnh hưởng đến bức tranh xuất khẩu chung của toàn ngành.

"Trong đàm phán, các nước đều tạo thuận lợi về mở cửa thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam, tuy nhiên nếu vi phạm An toàn vệ sinh thực phẩm sẽ làm giảm cơ hội để khai thác các lợi thế thương mại," bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát cũng nhấn mạnh, để nâng cao giá trị các mặt hàng nông lâm thủy sản, các địa phương cần quan tâm và tăng thêm nguồn lực để phát triển nông nghiệp, nông thôn. 

Bộ trưởng nhấn mạnh, năm 2016 sẽ lấy việc đảm bảo An toàn vệ sinh thực phẩm là nhiệm vụ số 1 của toàn ngành nông nghiệp, và trong thời gian tới đây, Bộ sẽ triển khai mạnh các giải pháp chống lạm dụng chất cấm, thuốc bảo vệ thực phẩm./.

Theo Thông tấn xã Việt Nam