Khách hàng mua hải sản tươi sống tại Sầm Sơn.
(THO) – Tại các khu du lịch biển như Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa, Quảng Lợi, Nghi Sơn… trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, luôn có nguồn hải sản tươi sống dồi dào, an toàn, bảo đảm đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu thưởng thức của thực khách.
Những ngày qua, hiện tượng cá biển chết hàng loạt tại các tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế đ đang gây xôn xao trong dư luận cả nước. Do lo ngại tình trạng cá chết có thể lây lan đến vùng biển Thanh Hóa cũng như việc thương lái có thể lén lút đưa cá chết vào tiêu thụ trên địa bàn, một số người tiêu dùng đã hạn chế, thậm chí dừng việc mua cá biển. Tuy là thiểu số, nhưng tâm lý tiêu dùng đó rất dễ gây ra những hiệu ứng tiêu cực.
Tìm hiểu trực tiếp tại các vùng biển Thanh Hóa, chúng tôi nhận thấy việc khai thác, đánh bắt, tiêu thụ hải sản của ngư dân vẫn diễn ra bình thường, không có hiện tượng cá chết hay diễn biến bất thường khác.
Sau chuyến câu mực đêm, anh Nguyễn Hữu Thủy, thôn Trung Kỳ, phường Trung Sơn (Thị xã Sầm Sơn), trở về với tâm trạng phấn khởi. Anh cho biết: Thời gian gần đây, sản lượng khai thác hải sản ổn định, từ câu mực, vớt sứa, đánh cá... Bè của tôi thường đi từ 17h hôm trước đến 7h sáng hôm sau, mỗi chuyến câu được chừng 5 kg mực “nhảy”. Mực câu được bao nhiêu, tiêu thụ hết bấy nhiêu, thậm chí thương lái còn tranh nhau mua. Chúng tôi không nhận thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường trên biển.
Tại xã đảo Nghi Sơn (Tĩnh Gia), Chủ tịch UBND xã Trần Thanh Bình, khẳng định: Xã có 174 phương tiện khai thác, cả khơi, cả lộng và 84 hộ nuôi cá lồng trên vịnh Nghi Sơn. Những ngày qua, trước thông tin cá biển chết, chúng tôi đã đi khảo sát, kiểm tra tình hình và nhận thấy mọi hoạt động khai thác, nuôi trồng và tiêu thụ hải sản của bà con diễn ra bình thường, sản lượng ổn định.
Tương tự, đồng chí Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hoằng Hóa Lê Huy Cường, cho biết: Trên địa bàn huyện có 1.241 phương tiện khai thác, đánh bắt hải sản và 1.351 ha nuôi trồng thủy sản nước lợ. Huyện đã tiến hành quan trắc, theo dõi, kiểm tra và có thể khẳng định việc khai thác, nuôi trồng, tiêu thụ hải sản trên địa bàn huyện diễn ra bình thường; tại các khu vực nuôi trồng thủy sản nước lợ, mọi yếu tố đều bảo đảm vệ sinh, an toàn.
Cũng theo một số chuyên gia về khí tượng, thủy văn và những ngư dân giàu kinh nghiệm, thời điểm này, dòng hải lưu nóng theo gió Tây Nam di chuyển từ phía Nam ra chưa hình thành rõ rệt, bên cạnh đó, từ Hà Tĩnh ra đến Thanh Hóa lại có nhiều cửa lạch cắt ngang vùng biển ven bờ, do đó gần như không thể có việc cá chết hay độc tố trong nước biển – nếu có, di chuyển về vùng biển Thanh Hóa. Bên cạnh đó, khi cá đã chết nổi trên mặt nước thì đa phần đã ươn, thối, việc vận chuyển một chặng đường dài ra tiêu thụ tại Thanh Hóa là điều không khả thi.
Tuy nhiên, tại thời điểm Thanh Hóa đang bước vào mùa du lịch biển, thông tin về cá chết đã ít nhiều có tác động đến du khách. Ông Lê Xuân Thảo, Giám đốc Khách sạn Ánh Phương, Khu du lịch biển Hải Tiến (Hoằng Hóa), cho biết: Có đoàn khách, mặc dù đã đặt phòng khách sạn, nhưng vài ngày gần đây đã gọi điện cho chúng tôi bày tỏ băn khoăn trước thông tin cá biển chết liệu có ảnh hưởng đến Thanh Hóa, nhất là vấn đề an toàn thực phẩm.
Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết đã có tình trạng du khách hủy tour tại các điểm du lịch biển. Một số ngư dân và tiểu thương tại xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa) thì cho biết: Người dân địa phương vẫn mua, bán hải sản bình thường, nhưng có một số khách từ Hà Nội về thì không ăn sản phẩm chế biến từ hải sản.
Giải đáp cho những lo lắng, băn khoăn này, chúng tôi đã tìm hiểu nguồn hàng, hóa đơn, hợp đồng của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ tại Khu du lịch biển Hải Tiến và nhận thấy: Toàn bộ nguồn hải sản được các nhà hàng, khách sạn hợp đồng dài hạn với các đại lý, cửa hàng, thương lái hoặc trực tiếp với các chủ phương tiện khai thác hải sản tại các xã Hoằng Thanh, Hoằng Tiến, Hoằng Hải, Hoằng Trường. Do đó hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và được mua – bán – chế biến trong ngày. Không chỉ thế, sản phẩm khi đưa vào chế biến còn chịu sự kiểm tra nghiêm ngặt của các cơ quan chức năng nhằm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Tại các khu du lịch biển khác trong tỉnh như Sầm Sơn, Quảng Lợi, Hải Hòa, Nghi Sơn... cũng luôn có nguồn hải sản tươi, sống dồi dào từ hàng trăm tàu thuyền ra khơi, vào lộng liên tục, bảo đảm đáp ứng đầy đủ, kịp thời, an toàn cho nhu cầu của thực khách.
Từ những căn cứ thực tiễn, người tiêu dùng, đặc biệt là du khách về với Thanh Hóa có thể yên tâm thưởng thức những sản phẩm chế biến từ hải sản an toàn, đậm phong vị quê hương.