70 năm bài báo “dân vận” của Bác

Trong sự nghiệp cách mạng của mình, Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã bôn ba đến gần 30 nước trên thế giới, đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình khắp năm châu, tìm ra con đường cứu nước, trở về lãnh đạo cách mạng Việt Nam giải phóng dân tộc. Khi ấy, Người mới 21 tuổi, lại ra đi từ một đất nước nghèo nàn và lạc hậu của chế độ thực dân nửa phong kiến nên đã gặp muôn vàn khó khăn, gian khổ và hiểm nguy. Nhưng bằng tài trí của mình, cùng lòng yêu nước vô hạn, Người đã khéo léo vận dụng các phương pháp dân vận để tất cả những nơi Người đã đến đều trở thành bầu bạn, đồng chí. Ở mỗi quốc gia mà Người từng sống, làm việc, Người đều hóa thân thành công dân của quốc gia ấy, từ đó tìm hiểu, học hỏi văn hóa của họ đúc kết thành chân lý, chính nghĩa phục vụ cho con đường cách mạng của mình. Sau này những đúc kết giá trị đó có tầm ảnh hưởng lớn đến phong trào cách mạng vô sản trên thế giới.

Khi cách mạng Việt Nam đã và đang thu được những thắng lợi vẻ vang, từ thực tiễn hoạt động của mình, ngày 15 tháng 10 năm 1949, Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm “Dân vận”, đây là tài liệu lý luận đầu tiên về công tác dân vận, có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc. Tại đây Người đã đưa ra những khái quát tổng thể về công tác dân vận, tập hợp sức mạnh đoàn kếtcủa dân tộc, cách hòa mình vào thực tế của không gian dân vận được ví như nghệ thuật trong quá trình dân vận.

Thấm nhuần quan điểm, tư tưởng của ch nghĩa Mác- Lênin về vai trò của giai cấp nông dân trong quá trình cách mạng, ngay từ Hội nghị thành lập, Đảng ta đã khẳng định "Nông dân là lực lượng to lớn của cách mạng", vì vậy phải tập hợp nông dân vào một tổ chức dưới sự lãnh đạo của Đảng, đấu tranh giành độc lập tự do. Từ những quan điểm đó, Hội nghị Trung ương Đảng tháng 10/1930 đã thảo luận và khẳng định “Nông Hội đỏ”, là hình thức tổ chức đầu tiên của phong trào nông dân Việt Nam; thông qua Nghị quyết về việc thành lập Tổng Nông hội Đông Dương (tên gọi đầu tiên của Hội Nông dân Việt Nam) là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp nông dân Việt Nam, lấy ngày 14/10/1930 là ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam. Đến đây, chúng ta khẳng định rằng mốc son lịch sử quan trọng này của giai cấp nông dân Việt Nam có ảnh hưởng to lớn từ lý luận dân vận mang đậm dấu ấn của thời đại Hồ Chí Minh!

Đã tròn 70 năm, kể từ khi tác phẩm “dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đời, những giá trị lý luận và thực tiễn của tác phẩm đã có tác động mạnh mẽ đến nhận thức của cán bộ, đảng viên và cả hệ thống chính trị về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác dân vận trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Trong bài báo của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho chúng ta thấy được mục tiêu của Đảng, của cách mạng là: Sự nghiệp cách mạng của Đảng là lãnh đạo nhân dân đứng lên đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Đó là một nhà nước tốt đẹp, trong đó người dân thực sự làm chủ. Cải thiện dân sinh, nâng cao dân trí, thực hành dân chủ là mục tiêu động lực của công tác quần chúng, là cái “chìa khóa vạn năng” có thể giải quyết được mọi khó khăn. Như vậy chúng ta càng thấy giá trị to lớn mà Đảng ta tập hợp nông dân vào một tổ chức và lãnh đạo nông dân làm cách mạng, đó là mong muốn đem lại tự do cho giai cấp nông dân, đem lại ruộng cày cho nông dân, đem đến cuộc sống no ấm, hạnh phúc cho người nông dân.Tư tưởng đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là hành trang trong hoạt động của Hội Nông dân các cấp, như là sợi chỉ đỏ xuyên suốt các phong trào nông dân.

Phát huy truyền thống của giai cấp nông dân Việt Nam, trong bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, nông dân luôn tuyệt đối trung thành với lý tưởng của Đảng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Trong giai đoạn hiện nay, để cụ thể hóa các Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh, của Hội cấp trên, HND tỉnh đã ban hành Nghị quyết chuyên đề để thực hiện cụ thể từng phần việc với nội dung các hoạt động của Hội đều gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương như: Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh; Đóng góp công sức xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; Tham gia bảo vệ môi trường; Thực hiện dồn điền đổi thửa; Xây dựng, chỉnh trang nhà cửa, phát triển kinh tế, giảm nghèo, nâng cao, cải thiện đời sống của nông dân. Trong đó công tác tuyên truyền vận động được đặt lên hàng đầu, sao cho cán bộ, hội viên nông dân (HVND) hiểu rõ, hiểu đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước áp dụng thực hiện trong đời sống, sinh hoạt và xây dựng quê hương. Qua đó nông dân biết phát huy tinh thần tự lực, tự cường, khai thác tiềm năng, thế mạnh của mỗi vùng miền phát triển kinh tê, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại.

Công tác dân vận khéo trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo của HND các cấp đã trở thành nhiệm vụ thiết thân của Hội, thực tế có rất nhiều mô hình xuất sắc trong thực hiện công tác này, điển hình nổi bật nhất phải kể đến là xã Yên Lạc, huyện Như Thanh. Do nhiều yếu tố, trong đó có điều kiện giao thông đi lại khó khăn, mặt bằng dân trí thấp nên trước năm 2012, đời sống của đa số người dân xã Yên Lạc còn nghèo, tỷ lệ hộ nghèo, thiếu đói rất cao, chính vì vậy nên việc giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo là một mục tiêu rất lớn và khó khăn. Trăn trở nhiều nhưng hướng đi chỉ có một mà xã đã xác định đó là làm sao để tạo cho bà con có cái ăn, cái để, tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Từ nhận định đó, thông qua các hoạt động của HND, công tác nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân, công tác tuyên truyền, vận động và xúc tiến xây dựng các mô hình phát triển kinh tế cùng lúc được triển khai, qua đó, nâng cao kiến thức về XDNTM, đưa ra kế hoạch hành động cụ thể. Với đặc thù của một đơn vị miền núi có 4 dân tộc Kinh, Mường, Thái, Thổ sinh sống, nguyên nhân chính của kinh tế chậm phát triển được xác định là do phong tục sản xuất lạc hậu, thiếu kiến thức khoa học - kỹ thuật, nên việc nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện thu nhập bằng các mô hình như: Áp dụng phân viên dúi sâu trong sản xuất lúa, hạn chế rửa trôi, xói mòn; hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học trên gia cầm, nuôi dê, trâu bò, trồng cây dược liệu, lâm nghiệp… được xác định là hướng đi chính của Yên Lạc, mà HND xã là nòng cốt đi đầu thực hiện. Khi được hướng dẫn theo kiểu “cầm tay chỉ việc” từ các chi hội nông dân thì các hình thức chăn nuôi kết hợp với trồng rừng được triển khai đã mang lại hiệu quả rõ rệt, năng suất lao động đều cao hơn trước, nên từ những mô hình ban đầu đã được nhân lên rộng trên toàn xã. HND xã chủ công trong việc vận động nông dân thực hiện việc dồn điền, đổi thửa (DĐĐT) để thực hiện các hình thức liên doanh, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Do địa hình chia cắt nên các xứ đồng phân bố không đều, đan xen giữa diện tích cấy lúa và cây màu, đồi gò mà đa số bà con coi những diện tích đất 2 lúa là đất tốt, thuận lợi nên đã không ít lần đưa ra bàn bạc về các phương án dồn đổi đều không đi đến kết luận. Trăn trở được hóa giải khi công tác DĐĐT được xã triển khai theo hướng bàn bạc dân chủ tại các thôn, xóm, dòng họ và tổ nhóm sản xuất. Theo đó, các hộ bàn bạc thỏa thuận với nhau theo tinh thần tự nguyện, sau đó đề nghị lên cấp có thẩm quyền ở địa phương giải quyết. Ngay sau khi phương án được triển khai đã nhận được sự đồng tình cao của người dân trong xã, thời điểm này thực sự được coi là một bước chuyển mới trong cách phát huy tinh thần dân chủ, gắn kết cộng đồng tại cơ sở. Vậy là chỉ trong một thời gian ngắn xã đã hoàn thành việc DĐĐT với trên 85% số hộ được canh tác trên 2 thửa ruộng, (10% đã dồn đổi thành 1 thửa, một số diện tích khó dồn đổi là các mảnh ruộng bậc thang xen giữa các khe núi) không hề có thắc mắc, khiếu kiện.

Một điểm nhấn trong công tác dân vận để nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất, phát triển kinh tế ở Yên Lạc đó là HND vận động, tổ chức cho nông dân gieo cấy cùng một thứ giống lúa trên các cánh đồng; cùng trồng một loại hoa màu trên quy mô lớn để tạo thành hàng hóa (ớt, khoai tây, cây vụ đông); thành lập câu lạc bộ nông dân giúp nhau thoát nghèo. Các mô hình này khi nói thì chỉ ngắn gọn trong 2 câu, nhưng khi vận động để bà con đồng thuận thì đó là cả một vấn đề, đòi hỏi người cán bộ HND thực hiện khéo léo công tác dân vận và vận dụng đúng thời điểm. Với cách làm là lấy trực quan thực tế để chứng minh cho tuyên truyền của mình, hay nói cách khác là nói đi đôi với làm đó là cán bộ Hội làm trước, áp dụng trước, khi kết quả tốt hướng dẫn bà con làm theo. Vì vậy khi muốn phát động, triển khai mô hình phát triển kinh tế thì trước tiên là tuyên truyền và đồng thời các chi hội trưởng, cán bộ HND xã lấy thửa ruộng, mảnh vườn của gia đình làm mẫu. Điều này đã thành thông lệ và diễn ra nhiều năm nay, đến nay vẫn đang phát huy tốt tác dụng của nó. HND xã đã xây dựng “Câu lạc bộ giúp nhau giảm nghèo” của HND với 42 thành viên, trong đó có 23 hộ nghèo, sau 4 năm đi vào hoạt động, Hội đã vận động các hộ có điều kiện hỗ trợ con giống (trâu, bò, lợn) cho hộ khó khăn, vận động các hộ tự nguyện đóng góp 300 ngàn đồng mỗi năm, số tiền này dùng để cho các hộ khó khăn vay …Đến nay, cơ bản các thành viên của câu lạc bộ đã có điều kiện phát triển sản xuất, kinh tế gia đình được nâng cao, chỉ còn 2 hộ thuộc diện cận nghèo. Đây là một mẫu hình của sự tương thân, tương ái, đùm bọc lẫn nhau xuất phát từ công tác dân vận của Hội.

Thông qua những kết quả đạt được cho thấy, trong quá trình dân vận của Hội Nông dân đã lấy dân làm gốc, tôn trọng quyền dân chủ của nông dân, vận dụng linh hoạt, khéo léo giữa tuyên truyền vận động với hỗ trợ, mà nòng cốt là các hoạt động của HND xã, đã góp phần rất quan trọng làm tăng thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo đáng kể. Đồng thời qua đó đã củng cố lòng tin của nông dân với Đảng, Nhà nước, đóng góp rất quan trọng vào hoàn thành mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nông thôn mới của xã Yên Lạc. Cấp ủy, chính quyền đánh giá rất cao vai trò, vị trí, hiệu quả hoạt động của HND xã, thực sự HND đã làm tốt công tác dân vận rất hiệu quả, khoan được sức dân. Đây là thành công của HND một xã miền núi mà ít nơi làm được. Kinh tế phát triển, thu nhập của nông dân tăng lên đã đóng góp rất lớn vào hoàn thành các tiêu chí NTM. Năm 2012, Yên Lạc gần như trắng về NTM, nay đã có 17 tiêu chí được công nhận, xuất phát từ năng suất cây trồng tăng cao do thành công của việc DĐĐT, của việc phát huy quy chế dân chủ ở cơ sở, và huy động các nguồn lực trong xây dựng NTM. Đến nay trên 95% các tuyến đường giao thông trên xã được bê tông hóa; 450 gia đình nông dân đã xây dựng nhà mới khang trang; trên 20.000m tường rào cổng ngõ được xây dựng mới theo đúng tiêu chí; 85% gia đình có nhà vệ sinh hợp vệ sinh, trên 70% ruộng đồng được áp dụng cơ giới hóa, 95% gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh, trên 90% số hộ đạt danh hiệu gia đình nông dân văn hóa. Những đổi thay đã “hiển hiện” rõ nét trong cuộc sống hàng ngày của người dân nơi đây, đó là vệ sinh môi trường được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm đều hàng năm…Đó là hiệu quả của công tác dân vận.

Những tác động tích cực khi làm tốt công tác dân vận theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “cán bộ, đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, “cầm tay chỉ việc”, của Hội Nông dân các cấp là thước đo để đánh giá chất lượng, hiệu quả của công tác Hội và phong trào nông dân, đây chính là thành quả của công tác dân vận chuyển biến qua thực tế.

Trong thời gian tới, các cấp HND trong tỉnh tiếp tục thấm nhuần và vận dụng sáng tạo tư tưởng dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong vận động, hướng dẫn nông dân phát triển kinh tế, tham gia xóa đói, giảm nghèo, góp phần từng bước xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn.

 

 

 

 

Trần Bình Quân (Chủ tịch HND tỉnh)