Hội Nông dân xã Phú Xuân, huyện Quan Hóa: Xứng đáng với sự tin tưởng, kỳ vọng của hội viên

Phú Xuân là một xã nghèo của huyện Quan Hóa, cách trung tâm huyện 20km nằm về phía Tây, tổng số 1.106 hộ, 5.036 nhân khẩu, diện tích tự nhiên 10.235,9 ha, những năm trước đây, tỷ lệ hộ nghèo, hộ thiếu đói còn chiếm tỷ lệ cao (trên 50%). Được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Hội Nông dân (HND) các cấp, Đảng ủy, UBND xã và tinh thần phát huy nội lực vươn lên của cán bộ, hội viên, nông dân và Nhân dân, xã Phú Xuân hôm nay đã có nhiều đổi mới. Người dân nơi đây đang ra sức, quyết tâm vượt khó, thi đua lao động, học tập và đoàn kết giúp nhau giảm nghèo, làm giàu chính đáng. Với tinh thần đó, hoạt động của HND xã Phú Xuân đã đạt nhiều kết quả tích cực, đời sống của hội viên, nông dân và Nhân dân từng bước được nâng cao đã thực sự trở thành nơi gửi gắm niềm tin, kỳ vọng của hội viên, nông dân và Nhân dân.

Cán bộ Hội Nông dân thăm trại bò của gia đình anh Hà Văn Luận, bản Eó, xã Phú Xuân, huyện Quan Hóa.

Những năm qua, công tác Hội và phong trào nông dân xã Phú Xuân đã có những bước phát triển toàn diện, vững chắc, tạo nên sự chuyển biến quan trọng về nhiều mặt, như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, hội viên, nông dân, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức gắn với thực hiện hiệu quả Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đồng thời, không ngừng đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt Hội theo hướng đa dạng, phong phú, thiết thực. Các hình thức thực hiện được HND xã kết hợp hài hòa giữa tuyên truyền, vận động và hỗ trợ. Bám sát Nghị Quyết 26 NQ/TW ngày 05/8/2008 của BCH Trung ương về việc phát triển “Nông nghiệp, nông dân và nông thôn”, qua đó gắn phát triển kinh tế hộ gia đình với xây dựng địa phương. Một trong những điển hình là ông Phạm Bá Khâm, bản Tân Sơn. Từ hỗ trợ của HND xã, ông Khâm đã vận dụng vào phát triển kinh tế gia đình. Cũng trên diện tích ấy, trước đây chỉ là rừng tạp nghèo kiệt, nơi chuyên để thả trâu bò. Thì nay, xanh ngát với trên 3ha luồng, hàng trăm cây gỗ lát, khu chuồng nuôi bán chăn thả 12 con trâu, chuồng lợn, ao cá tạo nên một trang trại tổng hợp bắt mắt cho hiệu quả kinh tế rõ rệt. Suy nghĩ của ông Khâm và cũng là của nhiều người dân Phú Xuân: Nếu không mạnh dạn làm theo hướng dẫn của cán bộ HND, cứ trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước thì người dân bản Tân Sơn không thể khá lên được. Nhà nước hỗ trợ mình khi gặp thiên tai, hoạn nạn, mình còn khỏe phải tự mình làm ra chứ, nhận hỗ trợ nhiều cũng thấy xấu hổ… Câu nói bộc bạch nhưng chứa chan cảm nghĩ của ông Khâm như đánh thức những tư duy thủ cựu, lạc hậu nơi đây. Và điều quan trọng nhất là phải biết đem sức mình ra lao động, biết lắng nghe, học hỏi khoa học kỹ thuật mà sản xuất, ông Khâm nói thêm. Và liền mạch ông kể: Trước đây tập tục nuôi trâu bò thả rông đã thành nếp trong tư duy của người dân Phú Xuân. Mùa đông, khi con vật không đủ cái ăn, bị lạnh nó chết trên đồi, trên rừng bà con gặp được thì xẻ thịt không thì mất trắng. Đồi luồng thì nào có chăm sóc gì, chỉ biết chặt cây và hái măng nên ngày một hết dần. Đến con cá cũng chỉ biết ra suối đánh bắt chứ có ao như bây giờ đâu… Và rồi đổi thay nhưng cũng chỉ là từng bước, lúc đầu một vài nhà làm chuồng trâu theo hướng dẫn của cán bộ HND, sau vài năm đàn trâu ở chuồng nó lớn hơn, nhiều hơn thì nhiều nhà làm theo, đồi luồng có phân, hái măng có đợt chặt tỉa đúng cách nó cũng lên nhiều cây, bụi to hơn…Vậy là cái hướng dẫn của cán bộ đi vào lòng dân từng bước một, dần lan tỏa thành cả bản, lan ra xã, ông Khâm kết lại câu nói của mình bằng cách ấy!

 Không chỉ gia đình ông Khâm, không chỉ bản Tân Sơn mà ở Phú Xuân hôm nay không khó để tìm những gia đình có đàn trâu bò nuôi bán chăn thả lên đến hàng chục con, nhiều hộ có cả vườn rau rộng hàng sào chẳng kém gì nơi đồng bằng. Để có được điều này là cả một quá trình vừa tuyên truyền, vận động vừa tìm cách hướng dẫn, hỗ trợ người dân mà theo cách làm của HND xã là việc gì cũng phải làm để bà con nhìn thấy, “làm để dân tin”. Khi tư tưởng người dân đã thông suốt, cần vốn để sản xuất, HND xã đã tín chấp, ủy thác để nông dân trên xã vay trên 33 tỷ đồng, đi cùng với nguồn vốn là phối hợp tổ chức tập huấn khoa học kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho gần 300 người.

           Nguồn vốn và kiến thức cùng cách làm ăn tiến bộ đã tiếp sức cho người dân Phú Xuân. Đến nay, toàn xã có 15 hộ nông dân sản xuất giỏi các cấp trong đó cấp xã 12 hộ, cấp huyện 03 hộ. Điển hình như: Hộ Ông Hà Văn Luận, bản Éo với 4 con trâu, 6 con bò; hộ ông Cao Hồng Nê, 30 con dê, trâu 2 con, lợn, gà vịt, đồi vườn; Hộ ông Cao Văn Sư, trâu 3 con, 30 con lợn thịt, dê 10 con; Hộ Ông Nguyễn Văn Sỹ, mô hình nuôi lợn cỏ, 20 con; Hộ ông Phạm Quang Bảo, nuôi bò sinh sản 15 con; Hộ ông Cao Văn Khôi nuôi cá trắm ao; Hộ ông Phạm Hồng Thía, bản Sa Lắng nuôi15 con bò sinh sản; ông Hà Văn Chính, bản Mí, 15 con bò…..và rất nhiều hộ khác trên xã Phú Xuân có đời sống khấm khá nhờ biết cách chăn nuôi, trồng trọt, làm đồi rừng.

Bắt tay vào xây dựng NTM với nhiều khó khăn của đơn vị miền núi. Tuy nhiên, khi đã tạo dựng cho người dân có phương pháp làm ăn để nâng cao thu nhập thì câu chuyện về NTM lại được Nhân dân quan tâm đặc biệt. Chuyện tự nguyện  hiến đất, đóng góp công sức, tiền của đã nâng Phú Xuân thành điểm sáng. Nhiều tiêu chí tưởng chừng như không thể vì đó là nếp sinh hoạt lâu đời của bà con vùng cao cũng dần được thay đổi, đường xá quang đãng, rộng rãi, được bê tông phẳng lỳ, trâu bò được dựng chuồng trại cách xa nhà ở, gia cầm được nuôi nhốt trên đồi…đã làm thay đổi cơ bản diện mạo nơi đây. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư được duy trì, thực hiện thường xuyên với trên 95% hộ nông dân đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Nhiều nét văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy tốt giá trị đã tác động tích cực tới đời sống Nhân dân Phú Xuân. Với những nỗ lực và đoàn kết của toàn dân, đã có 3 bản về đích Nông thôn mới, đó là bản Mỏ, bản Mí và bản Éo. Năm 2020, giúp đỡ thoát nghèo 22 hộ, kết nạp 13 hội viên mới với 100% số hộ nông nghiệp có hội viên, trong đó có 123 đảng viên sinh hoạt hội, 11 chi hội đạt trong sạch, vững mạnh.

Những kết quả trên của xã Phú Xuân nói chung và hoạt động HND nói riêng cho thấy HND xã luôn bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, của Hội cấp trên, sự phối hợp của chính quyền, MTTQ, đoàn thể địa phương, sự đoàn kết trong cán bộ, hội viên, nông dân và Nhân dân vươn lên trong phát triển kinh tế và xây dựng địa phương. HND xã Phú Xuân thực sự là chỗ dựa tin cậy, là mái nhà chung đoàn kết nông dân.                                                                                       

Lương Hà (HND tỉnh)