Làm giàu từ vườn đồi

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng của địa phương, nhiều hộ dân huyện Như Xuân đã đưa các loại cây ăn quả vào trồng thay thế diện tích các loại cây mía, sắn năng suất thấp. Nhờ đó, khai thác hiệu quả tiềm năng đất để tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích. Sớm nắm bắt được chủ trương này, hộ gia đình chị Phạm Thị Hương, xã Cát Vân đã mạnh dạn nhận đất đồi cải tạo trồng cây ăn quả và nhân rộng mô hình theo từng năm. Đến nay, gia đình chị đã có 7 ha trồng các loại cây ăn quả cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng và đã thành lập HTX nông nghiệp Tuấn Hương do chị làm giám đốc.

Đồi bưởi hộ gia đình chị Phạm Thị Hương, xã Cát Vân (Như Xuân).

Trước đây, toàn bộ diện tích đất đồi của gia đình trồng mía, sắn, keo nhưng trong nhiều năm, năng suất không cao, giá thu mua thấp nên cho thu nhập không đáng kể. Khi địa phương có chủ trương chuyển đổi cây trồng, năm 2015, gia đình chị Hương đã mạnh dạn chuyển đổi một phần sang trồng cây ăn quả. Từ chỗ chỉ quen với cây sắn, mía và keo, khi chuyển sang các loại cây trồng mới như thanh long, bưởi, cam, gia đình chị gặp không ít khó khăn. Chồng chị thường xuyên đến những trang trại lớn trong tỉnh, ngoài tỉnh để học hỏi và tham gia các hội nghị theo kênh hội nông dân, hội làm vườn của huyện, của tỉnh tổ chức để học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm kỹ thuật trồng và chăm sóc cây, nắm bắt thêm thông tin, cơ hội tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Nhờ chịu khó học hỏi, từ năm 2015 đến nay, gia đình chị Hương mỗi năm, mỗi vụ lại chuyển đổi thành công thêm vài sào. Đến nay gia đình chị đã có 7 ha trồng cây ăn quả các loại, gồm: bưởi da xanh, cam và thanh long, trong đó một nửa diện tích đã cho thu hoạch. Đặc biệt, ngay từ đầu chuyển đổi, gia đình chị đã lựa chọn chăm sóc cây trồng theo phương pháp hữu cơ, nói không với phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Do vậy, cây rất sai quả, chất lượng bảo đảm. Nhiều thương lái đến tận vườn đồi thu mua, vận chuyển ra tỉnh ngoài và cung cấp cho một số cửa hàng thực phẩm an toàn.

Chị Phạm Thị Hương, Giám đốc HTX nông nghiệp Tuấn Hương cho biết: Vào mùa thu hoạch lúa, gia đình thu gom hàng trăm xe rơm về ủ làm phân kết hợp nuôi giun quế... để bón cho cây ăn quả. Đối với diện tích trồng bưởi, do 3 năm đầu chỉ chăm sóc dưỡng cây, nên nguồn hoa bưởi khá nhiều. Để tránh lãng phí, HTX đã tận dụng thu hoa bưởi để làm một số sản phẩm thảo mộc như trà, tinh dầu bưởi.

Chị Trần Thị Ngọc Tú, thành viên HTX nông nghiệp Tuấn Hương cho biết: Năm nay, HTX sẽ trồng thêm hoa cúc chi vừa tạo thiên địch hạn chế sâu bệnh cho cây bưởi, vừa tận dụng để làm trà sấy khô. Từ năm thứ 3 trở đi vẫn có thể thu tỉa hoa bưởi.

Năm 2020, những diện tích cây ăn quả của HTX nông nghiệp Tuấn Hương đã cho thu hoạch đều đạt lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/1 ha, cao hơn 4 - 6 lần so với cây trồng trước đó và tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động, thu nhập ít nhất 5 triệu đồng/lao động/tháng và hàng chục lao động thời vụ. Mô hình chuyển đổi này cũng đã mở ra hướng đi mới trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm nông nghiệp của địa phương, giúp nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã có động lực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mạnh dạn làm giàu ngay trên đất quê hương.

Theo Báo Thanh Hóa điện tử