Cẩm Thủy: Phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh

Để đáp ứng nguồn nguyên liệu cây gai xanh phục vụ nhà máy sản xuất sợi dệt An Phước đóng tại xã Cẩm Tú, từ năm 2018 đến nay, huyện Cẩm Thủy đã chỉ đạo các xã, thị trấn vận động bà con nông dân chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây gai xanh. Nhờ đầu ra ổn định nên bước đầu cây gai xanh đã thực sự đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân.

Đồng chí Trần Bình Quân, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh thăm vùng nguyên liệu cây gai xanh huyện Cẩm Thủy.

Năm 2018, được UBND xã Cẩm Ngọc tạo điều kiện thuê thầu đất 5%, gia đình anh Nguyễn Đăng Tân, làng Kìm, xã Cẩm Ngọc đã chuyển đổi trên 3 ha đất trồng một vụ lúa kém hiệu quả sang trồng cây gai xanh. Do phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu và được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên cây gai xanh phát triển tốt. Chỉ riêng năm 2020, trên 3 ha gai xanh, anh thu nhập trên 16 tấn sợi khô, với giá nhập cho nhà máy sản xuất sợi gai An Phước là 47 triệu đồng/tấn, sau khi trừ chi phí anh thu lãi 330 triệu đồng/năm. Để thực hiện kế hoạch trồng mới cây gai trong năm 2021 của xã, anh Tân đã đầu tư trồng thêm 2 ha.   

Năm 2021, theo kế hoạch, huyện Cẩm Thủy phát triển khoảng 300 ha cây gai xanh, cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy sản xuất sợi An Phước. Để phát huy lợi thế có nhà máy đóng trên địa bàn, huyện Cẩm Thủy đã chỉ đạo các xã, thị trấn chuyển đổi đất đang trồng cây lâu năm kém hiệu quả sang trồng cây gai xanh nguyên liệu và xác định là cây trồng chủ lực của địa phương, đồng thời thực hiện hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với nhà máy. Huyện cũng đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể và các địa phương tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân về trồng cây gai xanh AP1 và tạo điều kiện cho cán bộ, nông dân trên địa bàn đi tham quan nhà máy và các mô hình trồng cây gai xanh hiệu quả trong và ngoài huyện, từ đó áp dụng vào sản xuất tại địa phương. Đến nay, huyện Cẩm Thủy đã trồng mới được trên 130 ha cây gai xanh và trên 70 ha cây gai lưu gốc. Theo các hộ, cây gai xanh dễ trồng, đầu tư 1 lần cho thu hoạch trong vòng 10 năm, mỗi năm cho thu hoạch 4 đến 5 lứa, năng suất đạt từ 20 đến 25 tấn/ha, sau khi trừ chi phí, cây gai xanh cho thu nhập bình quân từ 80 đến 100 triệu đồng/ha/năm, cao hơn rất nhiều so với trồng các loại cây trồng truyền thống khác.

Theo kế hoạch, đến năm 2025, vùng nguyên liệu trồng cây gai xanh của huyện Cẩm Thủy sẽ đạt khoảng 800 ha. Để đạt mục tiêu trên, ngoài việc tập huấn cho nông dân nắm vững kỹ thuật trồng, chăm sóc cây gai xanh trong vụ thu năm 2021, huyện Cẩm Thủy tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn, vận động các hộ dân liên kết, thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã để sản xuất cây gai xanh. Đồng thời ưu tiên phát triển những diện tích có đủ điều kiện đầu tư thâm canh, người dân có trình độ sản xuất, có khả năng đầu tư để nâng cao năng xuất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng được nguồn nguyên liệu ổn định cho nhà máy./.

Tuấn Anh