Các điểm lưu ý quy định tại Thông tư số 78/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về hóa đơn, chứng từ

Ngày 17-9-2021, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 78/2021/TT-BTC về việc hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, ngày 19-10-2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ. Phóng viên Báo Thanh Hóa đã trao đổi với ông Nguyễn Bá Phú, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Tuyên truyền - Hỗ trợ người nộp thuế, Cục Thuế tỉnh Thanh Hóa xung quanh vấn đề này.

Phóng viên (PV): Xin ông cho biết, việc thực hiện hóa đơn điện tử có ý nghĩa như thế nào?

Ông Nguyễn Bá Phú: Để triển khai Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, ngày 19-10-2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ. Trong đó, điểm mới quan trọng nhất của Nghị định số 123/2020/NĐ-CP là quy định việc quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử, bước chuyển đổi phương thức quản lý, sử dụng hóa đơn.

Theo đó, kể từ ngày 1-7-2022, toàn bộ doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh thực hiện hóa đơn điện tử (trừ doanh nghiệp nhỏ và vừa, HTX, hộ, cá nhân kinh doanh thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP không thực hiện giao dịch với cơ quan thuế bằng phương tiện điện tử, không có hạ tầng công nghệ thông tin, không có hệ thống phần mềm kế toán, không có phần mềm lập hóa đơn điện tử để sử dụng hóa đơn điện tử và truyền dữ liệu hóa đơn điện tử đến người mua và đến cơ quan thuế thì thực hiện mua hóa đơn của cơ quan thuế theo quy định tại Điều 23 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP).

Nghị định số 123/2020/NĐ-CP được đánh giá là có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc chuyển đổi phương thức quản lý thuế nói chung, quản lý sử dụng hóa đơn nói riêng. Cụ thể:

Một là, Việc sử dụng hóa đơn điện tử giúp doanh nghiệp giảm chi phí so với sử dụng hóa đơn giấy, giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuế; khắc phục rủi ro làm mất, hỏng, cháy khi sử dụng hóa đơn giấy; tạo sự yên tâm cho người mua hàng hóa, dịch vụ.

Hai là, đối với cơ quan thuế và cơ quan khác của Nhà nước trong việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước của mình, việc sử dụng hóa đơn điện tử giúp cơ quan thuế xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa đơn. Trong đó, cơ quan thuế và các cơ quan quản lý không tốn nhiều chi phí, thời gian đối chiếu hóa đơn như hiện nay. Từ đó, góp phần ngăn chặn kịp thời hóa đơn của các doanh nghiệp bỏ trốn, mất tích; ngăn chặn tình trạng gian lận thuế, trốn thuế.

Ba là, góp phần tạo một môi trường kinh doanh lành mạnh cho các doanh nghiệp. Từ đó, giúp việc triển khai thương mại điện tử được hoàn thiện hơn từ đặt hàng trên mạng, giao hóa đơn điện tử qua mạng, thanh toán qua mạng. Bên cạnh đó, việc sử dụng hóa đơn điện tử giảm tối đa việc sử dụng giấy in góp phần bảo vệ môi trường.

PV: Vậy nội dung bao quát của Thông tư 78/2021/TT-BTC như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Bá Phú: Nội dung của Thông tư 78/2021/TT-BTC quy định các vấn đề về hóa đơn điện tử, như: Uỷ nhiệm lập hóa đơn điện tử; mẫu hiển thị các loại hóa đơn điện tử; ký hiệu mẫu số hóa đơn điện tử, ký hiệu hóa đơn điện tử; chuyển đổi áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế; áp dụng hóa đơn điện tử đối với một số trường hợp khác; hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế; tiêu chí lựa chọn tổ chức cung cấp dịch vụ về hóa đơn điện tử để ký hợp đồng cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế và dịch vụ nhận, truyền, lưu trữ dữ liệu hóa đơn và các dịch vụ khác có liên quan. Thông tư đồng thời quy định về hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế; tiêu chí lựa chọn tổ chức cung cấp dịch vụ về hóa đơn điện tử để ký hợp đồng cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế và dịch vụ nhận, truyền, lưu trữ dữ liệu hóa đơn và các dịch vụ khác có liên quan. Thông tư cũng quy định một số nội dung về hóa đơn giấy, gồm: Tên loại hóa đơn, ký hiệu mẫu số hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, tên liên hóa đơn do Cục Thuế đặt in; việc sử dụng biên lai thu thuế, phí, lệ phí của cơ quan thuế đối với cá nhân và hướng dẫn xử lý chuyển tiếp.

PV: Xin ông cho biết thời gian thi hành Thông tư 78/2021/TT-BTC?

Ông Nguyễn Bá Phú: Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2022, tuy vậy Nhà nước khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân đẩy mạnh áp dụng quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử theo các quy định nêu trên trước ngày 1-7-2022. Riêng các doanh nghiệp nhỏ và vừa, HTX, hộ, cá nhân kinh doanh không thực hiện giao dịch với cơ quan thuế bằng phương tiện điện tử, không có hạ tầng công nghệ thông tin, không có hệ thống phần mềm kế toán, phần mềm lập hóa đơn điện tử để sử dụng và truyền dữ liệu hóa đơn điện tử đến người mua và đến cơ quan thuế thì mua hóa đơn của cơ quan thuế theo quy định tại Điều 23 Nghị định 123/2020/NĐ-CP.

PV: Việc triển khai hóa đơn điện tử theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Thông tư số 78/2021/TT-BTC được tiến hành như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Bá Phú: Để hướng dẫn chi tiết thực hiện Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ cũng như Thông tư số 78/2021/TT-BTC, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế lập kế hoạch triển khai theo 2 giai đoạn và đã ban hành các Quyết định về việc triển khai hóa đơn điện tử giai đoạn một tại 6 tỉnh, thành phố là: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Phú Thọ, Quảng Ninh, Bình Định. Sau đó, sẽ triển khai diện rộng ra các tỉnh, thành phố còn lại.

Tổng cục Thuế chỉ đạo các Cục Thuế tỉnh, thành phố tập trung rà soát, phân loại người nộp thuế là doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh trên địa bàn là đối tượng sử dụng các loại hóa đơn điện tử theo quy định. Cục Thuế tỉnh, thành thông báo đến từng doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh về kế hoạch triển khai áp dụng hóa đơn điện tử, sẵn sàng cơ sở hạ tầng và giải pháp công nghệ thông tin để lập, chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử đến cơ quan thuế, gửi hóa đơn điện tử cho người mua và các nội dung khác về quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử.

Cục Thuế các tỉnh, thành phố tổ chức tập huấn cho người nộp thuế và cán bộ thuế các quy định về hóa đơn điện tử; công bố đường dây nóng tại cục và chi cục thuế. Đồng thời, thường xuyên rà soát, nắm bắt các vướng mắc trong quá trình chuẩn bị và trong thời gian đầu thực hiện hóa đơn điện tử để xử lý ngay các vướng mắc phát sinh tại địa phương.

Cục Thuế tỉnh Thanh Hóa đã và đang thực hiện triển khai theo đúng lộ trình chỉ đạo của Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính.

Xin cảm ơn ông!

Theo Báo Thanh Hóa điện tử