Liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm - hướng đi bền vững trong sản xuất vụ đông
Vụ đông năm 2021-2022 đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, như thời tiết diễn biến phức tạp, giá vật tư nông nghiệp tăng cao, dịch bệnh COVID-19 làm ảnh hưởng lớn đến việc tổ chức sản xuất và tiêu thụ nông sản,... Trước thực trạng đó, với quyết tâm đạt mục tiêu cả về diện tích, sản lượng, giá trị kinh tế, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp tạo điều kiện thuận lợi để thu hút doanh nghiệp, HTX đầu tư liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho người dân.
Được xem là vụ sản xuất chính trong năm nên sau khi thu hoạch xong lúa mùa, huyện Yên Định đã chỉ đạo các xã, thị trấn vận động người dân tích cực đẩy mạnh gieo trồng vụ đông, bảo đảm đúng khung thời vụ; khuyến cáo người dân chỉ sản xuất những cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, phù hợp với nhu cầu tiêu thụ của thị trường, có đầu ra ổn định như: ngô ngọt, ớt, rau an toàn,... Để việc liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm có hiệu quả, huyện đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, như: tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính, nâng cao năng lực sản xuất của người dân, đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp phục vụ sản xuất,... Bên cạnh đó, các HTX cũng đã chủ động tìm kiếm thị trường; đồng thời kết nối giữa doanh nghiệp và các hộ dân trong việc thực hiện liên kết sản xuất các loại cây trồng cho giá trị kinh tế cao; thực hiện tích tụ, tập trung đất đai, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn, mở rộng diện tích các loại cây trồng chủ lực có giá trị kinh tế cao, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, ứng dụng cơ giới hóa để tiết kiệm nhân công,... Đến nay, trên địa bàn huyện đã có hơn 1.500 ha cây trồng vụ đông được liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, như: rau màu, ngô làm thức ăn chăn nuôi, ngô ngọt, ớt, các loại giống bầu, bí, dưa chuột,... với Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Tình Cầm, Công ty CP Thương mại và Xuất nhập khẩu thực phẩm Sao Mai,...
Với chủ trương phát triển vụ đông theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; ngay từ đầu vụ, huyện Hoằng Hóa đã giao chỉ tiêu cụ thể về diện tích cho từng địa phương; khuyến khích và tạo điều kiện để doanh nghiệp, HTX và các hộ dân có điều kiện thuê, mượn đất của người dân để sản xuất cây vụ đông; tập trung vào các cây trồng có lợi thế và ưu tiên các giống cây trồng có thời gian sinh trưởng ngắn, phù hợp với điều kiện tự nhiên; có thể sử dụng các biện pháp thủ công trong việc sơ chế, bảo quản được trong thời gian dài. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát như hiện nay ảnh hưởng tới lưu thông hàng hóa, huyện cũng đã chủ động liên hệ, tìm hiểu các địa phương khác trong và ngoài huyện, nắm bắt nhu cầu sử dụng về sản lượng, chủng loại sản phẩm nông sản để kết nối tiêu thụ giữa các địa phương, doanh nghiệp và nông dân; đồng thời, chuẩn bị các phương án, biện pháp sản xuất, thu hoạch, sơ chế, bảo quản an toàn sản phẩm. Vụ đông năm 2021-2022, huyện Hoằng Hóa có khoảng 290 ha cây trồng được liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm; trong đó, có 200 ha khoai tây, 90 ha ớt và rau an toàn...
Vụ đông năm 2021-2022 được nhận định sẽ gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Do đó, để bảo đảm hiệu quả kinh tế cho diện tích cây trồng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương đã và đang đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp thu mua sản phẩm cây trồng vụ đông theo hợp đồng. Ngay từ đầu tháng 9, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động đấu mối và cung cấp thông tin của 15 doanh nghiệp liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm các loại cây trồng vụ đông; đấu mối với các siêu thị, hệ thống chuỗi cửa hàng kinh doanh thực phẩm, thực phẩm an toàn đưa các sản phẩm cây trồng của tỉnh đủ điều kiện vào tiêu thụ. Bên cạnh đó, giao các địa phương rà soát kế hoạch sản xuất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, nguồn lực, nhất là thị trường tiêu thụ sản phẩm để đạt mục tiêu cao nhất về quy mô diện tích, năng suất và chất lượng nông sản. Đẩy mạnh tuyên truyền, chủ động áp dụng cơ giới hóa, mở rộng diện tích cây vụ đông, nhất là các cây trồng có lợi thế, có thể bảo quản dài ngày, có thị trường tiêu thụ tốt, như: ngô sinh khối, ngô lấy hạt và các loại rau, lạc, đậu tương, khoai tây,... Đi đôi với đó, các địa phương cần tạo cơ chế thông thoáng để khuyến khích doanh nghiệp tham gia tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị. Phát huy vai trò của HTX dịch vụ nông nghiệp trong việc liên kết, hợp tác, đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và thực hiện cơ giới hóa trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Thường xuyên dự báo thị trường tiêu thụ, giá cả hàng hóa nông sản để người dân chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm, góp phần bình ổn thị trường.
Theo Báo Thanh Hóa điện tử