Khẩn trương chỉ đạo, tổ chức tiêm phòng gia súc, gia cầm đợt 1 năm 2022

Hiện nay dịch bệnh gia súc, gia cầm đang diễn biến rất phức tạp, xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước và gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi. Đặc biệt, bệnh bệnh cúm gia cầm A/H5N6, A/H5N8, bệnh viêm da nổi cục trâu bò (VDNC), bệnh dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP)… có chiều hướng lây lan sang các địa phương khác.

Để chủ động tạo miễn dịch, ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh phát sinh, lây lan, đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương chỉ đạo, tổ chức tiêm phòng gia súc, gia cầm đợt 1 năm 2022 theo đúng kế hoạch của UBND tỉnh về kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật và tiêm phòng gia súc gia cầm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2022 và các hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Việc tổ chức triển khai công tác tiêm phòng vắc xin gia súc, gia cầm đợt 1 năm 2022 trên địa bàn cần có các giải pháp cụ thể để hoàn thành các chỉ tiêu tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm theo đúng thời gian, tiến độ, kết quả, yêu cầu tại Kế hoạch số 252/KH-UBND ngày 24-11-2021 của Chủ tịch UBND tỉnh; định kỳ tổ chức giao ban, đánh giá tiến độ công tác tiêm phòng đợt 1 năm 2022, để biểu dương các đơn vị thực hiện tốt, nhắc nhở, phê bình các đơn vị thực hiện kém; đưa ra các giải pháp để nâng cao kết quả tiêm phòng, chủ động ngăn chặn dịch bệnh và bảo vệ đàn gia súc, gia cầm. Hoàn thành công tác tiêm phòng đợt 1 năm 2022 trước ngày 30-4-2022.

Từ năm 2022, thực hiện tiêm phòng bắt buộc 3 loại vắc xin cho đàn trâu, bò (vắc xin Viêm da nổi cục, vắc xin Tụ huyết trùng và vắc xin Lở mồm long móng) nhưng do đặc tính của vắc xin Viêm da nổi cục phải tiêm trước 7 ngày hoặc sau 7 ngày tiêm các loại vắc xin khác nên đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ vào tình hình thực tế tổ chức tiêm phòng tại địa phương cho phù hợp; đối với tiêm phòng vắc xin Cúm gia cầm do tình hình dịch bệnh Cúm gia cầm A/H5N8 đã diễn biến rất phức tạp có nguy cơ xâm nhập, bùng phát, gây thiệt hại lớn cho đàn gia cầm của tỉnh nên cần tập trung nguồn lực, tổ chức triển khai tiêm phòng sớm, triệt để vắc xin Cúm gia cầm đảm bảo đúng kế hoạch, đạt tỷ lệ 100% gia cầm thuộc diện tiêm phòng.

Chỉ đạo Phòng Nông nghiệp (Kinh tế), Trung tâm dịch vụ nông nghiệp tổ chức rà soát, tổng hợp nhu cầu vắc xin trên địa bàn đăng ký với Chi cục Chăn nuôi Thú y trước đợt tiêm phòng để cung ứng đầy đủ số lượng, đúng chủng loại, các loại vắc xin phục vụ công tác tiêm phòng; chuẩn bị, cung cấp đầy đủ tài liệu, hướng dẫn quy trình kỹ thuật tiêm phòng cho người tham gia trực tiếp tiêm phòng; đồng thời phân công cán bộ xuống tận điểm tiêm để kiểm tra thực hiện quy trình kỹ thuật tiêm phòng từ đó phát hiện sai sót (nếu có) để có biện pháp khắc phục kịp thời.

Phân công các thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch và tiêm phòng vắc xin gia súc, gia cầm cấp huyện, thị xã, thành phố phụ trách, bám sát địa bàn chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc công tác tiêm phòng, kịp thời phát hiện yếu kém để khắc phục. Bố trí, hỗ trợ kinh phí mua dụng cụ, vật tư, hóa chất... phục vụ công tác tiêm phòng.

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về tiêm phòng và lợi ích của tiêm phòng trên các phương tiện thông tin truyền thông từ huyện, xã, thôn bản cho toàn thể nhân dân hiểu rõ nhằm thực hiện các mục tiêu: Thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm là chấp hành Pháp luật về Thú y. Thực hiện tiêm phòng là bảo vệ sản xuất chăn nuôi, đảm bảo cho phát triển chăn nuôi bền vững. Thực hiện tiêm phòng là trách nhiệm của chủ cơ sở chăn nuôi với công tác phòng, chống dịch của xã hội và trách nhiệm với cộng đồng. Không chấp hành việc tiêm phòng gia súc, gia cầm là vi phạm quy định phòng, chống dịch và sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 90/2017/NĐ-CP ngày 31-7-2017 của Chính phủ về việc Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y.

Theo Báo Thanh Hóa điện tử