Nông dân Thanh Hóa làm theo lời Bác
Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô giá của Đảng và dân tộc ta. Trong tư tưởng của mình, Bác luôn coi trọng Nhân dân, lấy dân làm gốc. Cách đây hơn 75 năm, ngày 11- 4 - 1946, trong thư gửi điền chủ nông gia Việt Nam, Người đã chỉ rõ: "Nông dân ta giàu thì nước ta giàu, nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh". Khắc ghi lời Người, cán bộ, hội viên nông dân Thanh Hóa đã nỗ lực không ngừng, luôn trăn trở, sáng tạo trong học tập, lao động, sản xuất - kinh doanh để vừa xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, vừa làm ra nhiều của cải vật chất, góp phần quan trọng vào sự phát triển của quê hương, đất nước. Đây, là động lực phấn đấu, là hành động thiết thực nhất chúng ta đáp lại mong muốn của Người.
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa trao quà cho hội viên nông dân gặp hoạn nạn
Trong các năm qua cùng với thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng, Đại hội Hội Nông dân (HND) các cấp, trong điều kiện bị bị tác động nặng nề của dịch bệnh, nhất là dịch COVID-19, HND Thanh Hóa đã cụ thể hóa việc đẩy mạnh học tập và làm theo Bác qua phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” (SXKDG). Đây được xác định là vấn đề then chốt để khích lệ tinh thần lao động sản xuất trong cán bộ, hội viên, nông dân, Nhân dân và cũng là thực hiện lời dạy của Bác “nói đi đôi với làm”.
Quá trình triển khai đã xuất hiện nhiều điển hình như: Gia đình ông Trịnh Văn Toàn, thôn Thạch Lãng, xã Trường Minh, huyện Nông Cống. Là một nông dân thực thụ, ông Toàn thấy rằng, mấy sào ruộng, nếu canh tác đơn thuần thì chỉ đủ duy trì cuộc sống, rất khó đưa kinh tế gia đình phát triển. Với nhiều trăn trở, gia đình ông quyết định vào Nam bắt đầu sự nghiệp. Sau một thời gian trải nghiệm cuộc sống nơi xứ người, ông đi nhiều nơi, làm thử đủ việc, với suy nghĩ “người có thể phụ đất, chứ đất không phụ công người”, ông lại khăn gói trở về với vốn liếng quý nhất là cung cách làm ăn, canh tác của các nhà vườn trồng cây ăn quả. Về quê, với diện tích đất hiện có của gia đình, ông mua, nhận thầu thêm diện tích ao hồ cạnh chân đê để cải tạo thành trang trại trồng cây ăn quả kết hợp với chăn nuôi. Với tổng diện tích hơn 4ha, ông trồng 3ha nhãn lồng, 1.000 cây dừa Xiêm bao quanh, trên 800 cây bưởi Diễn và 300 cây mít, xen giữa là khu chuồng trại, ao tôm, cá. Do được chăm sóc chu đáo, đúng kỹ thuật vườn cây ăn quả của gia đình ông Toàn phát triển xanh tốt, vụ nhãn năm 2021 ông thu trên 40 tấn, các loại cây khác đều đã cho quả với nhiều triển vọng đáng mừng. Riêng việc ông đưa con tôm thẻ chân trắng vào nuôi thâm canh cho thấy sự năng động, nhạy bén trong việc đa dạng con nuôi. Hiện với 4 ao nuôi, mỗi ao thu hoạch trên 1,5 tấn tôm đã đem về nguồn thu đáng kể. Ngoài việc mỗi năm đem về cho gia đình trên 300 triệu đồng đã trừ mọi chi phí, trang trại của ông Toàn còn tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động với mức lương từ 5 triệu đến 8 triệu/lao động/tháng. Sau 7 năm vừa canh tác, vừa xây dựng, lấy ngắn nuôi dài, đến nay ông đã đầu tư vào đây trên 1,5 tỷ đồng và vẫn đang tiếp tục đầu tư hoàn thiện, nâng cấp hàng năm. Điều ông Toàn để lại ấn tượng trước mọi người đó là việc tận thu triệt để tất cả các nguồn phụ phẩm của trang trại để chăn nuôi, lấy chất thải chăn nuôi qua xử lý để chăm sóc cây. Nỗ lực của ông được người dân địa phương thán phục, học hỏi, được Chính quyền địa phương nghi nhận.Vừa qua, ông vinh dự là một trong 85 cá nhân được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, giai đoạn 2016 – 2020.
Những điển hình khác phải kể đến đó là: gia đình bà Nguyễn Thị Dung, thị trấn Vân Du, huyện Thạch Thành, trồng cây Mắc ca và các loại cây ăn quả tổng hợp, chăn nuôi bò sinh sản, lợn sạch, ong mật, tổng doanh thu 2,5 tỷ đồng/năm; anh Nguyễn Văn Tuyến, phường Hải Thanh, Thị xã Nghi Sơn, nuôi tôm và sản xuất nước mắm Duy Xuyên – Ba Làng, mỗi năm thu nhập gần 2 tỷ đồng, tạo việc làm cho 60 lao động thường xuyên; ông Lê Tiến Dũng, xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy, trang trại tổng hợp, doanh thu từ 1,5 đến 2 tỷ đồng/năm; ông Bùi Văn Thực, xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc, nuôi trồng thủy hải sản, cung cấp ngao giống và thương phẩm; anh Lê Đình Trúc, xã Yên Thọ, huyện Như Thanh, trồng nấm công nghệ cao, thu nhập 2 tỷ đồng/năm; chị Nguyễn Thị Biên, xã Hoằng Thanh, huyện Hoằng Hóa, nuôi trồng thủy sản, doanh thu 4,5 tỷ đồng/năm; …. Nhiều gia đình nông dân đã nỗ lực lao động để đạt thành tích vượt bậc và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, vật chất, tinh thần, sức lực... với cộng đồng, giúp bà con cùng làm giàu. Họ là những hạt nhân tích cực, tạo sức lan tỏa, góp phần nhân rộng phong trào, nâng cao tính tự chủ của nông dân. Không chỉ thi đua làm kinh tế giỏi, những năm qua, tinh thần đoàn kết, giúp nhau vươn lên trong cuộc sống được các cấp Hội và hội viên, nông dân phát huy. Từ thực tiễn, kinh nghiệm, những cách làm hay và cả những đồng vốn đã được chia sẻ, giúp1.379 hộ thoát nghèo trên toàn tỉnh, một con số thể hiện tình người, mang đầy ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Phong trào SXKDG đã tạo cho nông dân đổi mới cách nghĩ, cách làm, thoát khỏi tư duy nhỏ hẹp, lạc hậu. Từ chỗ lao động sản xuất chỉ đủ trang trải cuộc sống, nay người nông dân đã phấn đấu vươn tới một bước cao hơn, đó là trở thành hộ SXKDG. Năm 2021, có 275.705 hộ đăng ký, sự hỗ trợ, tiếp sức của các cấp Hội đã tiếp thêm nguồn lực cho các hộ để rồi đã có 170.558 hộ đạt danh hiệu hộ SXKD giỏi các cấp. Hàng nghìn hộ đã nỗ lực “vượt khó” để trở thành hộ SXKDG, trong đó phải kể đến đó là: gia đình ông Lương Văn Thuyên, xã Thanh Quân, huyện Như Xuân; gia đình ông Hoàng Trọng Nghĩa, xã Cẩm Liên, huyện Cẩm Thủy; gia đình bà Nguyễn Thị Văn, xã Cầu Lộc, huyện Hậu Lộc; gia đình bà Cao Thị Lập, xã Bình Sơn, huyện Triệu Sơn... Những tấm gương nông dân bình dị trong học tập và làm theo Bác đã góp phần tô thắm thêm vườn hoa “người tốt, việc tốt” của các cấp HND toàn tỉnh.
Đồng hành cùng với phong trào, các cấp Hội đã tích cực đổi mới lề lối và cách thức làm việc một cách khoa học, sát với cơ sở, đi đúng với tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, hội viên, nông dân và Nhân dân “chung tay” thực hiện các hoạt động hỗ trợ nông dân về các điều kiện phục vụ cho sản xuất – kinh doanh như: tín chấp và ủy thác với các Ngân hàng cho nông dân vay trên 12 nghìn tỷ đồng; dạy nghề cho 4.827 hội viên nông dân; cung ứng chậm trả 34.964 tấn phân bón; tổ chức tập huấn chuyển giao các tiến bộ KHKT cho 340.040 lượt người; xây dựng 156 chuỗi sản xuất, cung ứng lúa gạo, rau, củ quả, thực phẩm an toàn…Vận động xây dựng 2 tỷ 544,15 triệu đồng Quỹ HTND, nâng tổng nguồn vốn Quỹ toàn tỉnh lên 60,7 tỷ đồng. Tổ chức “Kết nối tiêu thụ nông sản” trong điều kiện bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 để giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ các sản phẩm chất lượng, tiêu biểu…. Áp dụng Khoa học, Công nghệ tiên tiến vào sản xuất đã làm cho năng suất, chất lượng nông sản được nâng cao, nông dân biết sản xuất gắn với bảo vệ môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm. Những sản phẩm nông dân làm ra đã đủ tiêu chuẩn cung cấp cho chuỗi cửa hàng thực phẩm an toàn trên khắp mọi miền đất nước.
Qua phong trào, nhiều những hoạt động nổi bật khác chưa được kể ra đã và đang được các cấp HND trong tỉnh quan tâm thực hiện như: thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình chính sách, người có công, các hộ khó khăn; các hoạt động trong phòng, chống dịch bệnh; hỗ trợ trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai; trong xây dựng nông thôn mới…Hình ảnh người nông dân cần cù, lam lũ, cống hiến, hy sinh trong bảo vệ Tổ quốc và biết hòa mình vào sự phát triển của đất nước, biết giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. Năm 2021, dịch bệnh diễn ra phức tạp, ảnh hưởng nhiều tới sản xuất và đời sống, tuy vậy, người nông dân vẫn biết vươn lên trên mọi lĩnh vực hoạt động như có tới 420.023 hộ đạt danh hiệu gia đình nông dân văn hóa là một minh chứng cụ thể…
Nhiều cán bộ cơ sở tâm huyết, năng động, sáng tạo đã vượt qua những khó khăn, vừa gắn bó với phong trào, vừa xây dựng chi hội, cơ sở Hội vững mạnh, tiêu biểu như: bà Trương Thị Hồi, chi hội trưởng nông dân thôn Giát, xã Điền Trung, huyện Bá Thước; bà Vũ Thị Luận, chi hội trưởng nông dân thôn Tứ Luyện, xã Hoằng Đạo, huyện Hoằng Hóa; ông Bùi Duy Phấn, Phó Chủ tịch HND xã Luận Thành, huyện Thường Xuân kiêm bí thư chi bộ, trưởng thôn; ông Lê Thế Biển, ủy viên ban thường vụ HND xã Hoằng Đại, TP Thanh Hóa;...
Kết hợp chặt chẽ giữa “học tập” với “làm theo” Bác và thực hiện trách nhiệm nêu gương theo tinh thần Kết luận 01-KL/TW của Bộ Chính trị trong thực hiện nhiệm vụ, đã, đang và luôn là tiêu chí, thước đo, phương châm hành động, phương pháp làm việc của cán bộ, hội viên, nông dân toàn tỉnh. Yếu tố này, chính là cội nguồn sức mạnh để các cấp HND Thanh Hóa nỗ lực vượt qua các khó khăn, thách thức, đáp ứng yêu cầu "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch covid-19...tận dụng mọi cơ hội để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội..." năm 2022 và nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới./.
Vũ Dũng (HND tỉnh)