Hội Nông dân ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất
Chuyển đổi số trong nông nghiệp là giải pháp để nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm và mức thu nhập của người nông dân. Chính vì vậy, việc đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, nông dân thi đua ứng dụng chuyển đổi số đang được các cấp hội nông dân (HND) trong tỉnh chú trọng thực hiện.
Đồng chí Bùi Thị Thơm, Phó Chủ tịch Trung ương HND Việt Nam (ngoài cùng bên phải) thăm mô hình sản xuất của hội viên, nông dân huyện Triệu Sơn.
Hiện nay, HND tỉnh đã triển khai hơn 90% các nội dung tuyên truyền trên không gian mạng; hơn 70% các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của hội cấp tỉnh và cấp huyện được cập nhật kịp thời trên website của hội; hỗ trợ đào tạo, xây dựng và chứng nhận theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP, VietGAHP); hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho 5 sản phẩm của 6 đơn vị với tổng diện tích 26 ha và quy mô 10.000 con gia cầm.
Trong quý I-2023, các cơ sở hội đã phối hợp chặt chẽ với hệ thống khuyến nông, khuyến lâm, các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cập nhật kiến thức canh tác nông nghiệp và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 68.066 lượt cán bộ, hội viên, nông dân; chủ động liên kết với các trung tâm nghiên cứu, các viện khoa học, các doanh nghiệp chuyển giao ứng dụng sử dụng các chế phẩm sinh học trong chăn nuôi, trồng trọt, gắn phát triển sản xuất theo hướng bền vững với bảo vệ môi trường; xây dựng các mô hình cây, con năng suất hiệu quả cao; hướng dẫn xây dựng 56 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và theo hướng công nghệ cao, gắn với xây dựng chuỗi giá trị tại các địa phương, như: TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn, Hậu Lộc, Hà Trung, Đông Sơn, Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Triệu Sơn, Vĩnh Lộc... Tại các hội nghị tập huấn công nghệ số, công nghệ thông tin về sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ nông sản do HND tỉnh tổ chức, các hội viên, nông dân đã được hướng dẫn cách thức tạo tài khoản, viết bài, chụp hình, xây dựng các video quảng bá về sản phẩm, dịch vụ để đăng trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội; sử dụng phương thức thanh toán điện tử an toàn, tin cậy cho các giao dịch thương mại điện tử; phương thức, cách làm, kết nối đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử cũng như cách tạo lập các trang web, mạng xã hội để giới thiệu, quảng bá nông sản. Bên cạnh đó, HND tỉnh và Bưu điện tỉnh đã ký kết “Thỏa thuận hợp tác hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa giai đoạn 2022-2025” với mục tiêu ban đầu sẽ vận động được từ 4.000 hộ sản xuất, chế biến, kinh doanh nông, lâm nghiệp, thủy hải sản để bán và giới thiệu sản phẩm trên sàn giao dịch thương mại điện tử của bưu điện (Postmart.vn/Agri-postmart.vn); xây dựng điểm quảng bá thương hiệu, giới thiệu và tiêu thụ nông sản, hàng hóa của nông dân Thanh Hóa tại trung tâm hỗ trợ nông dân gắn với các sản phẩm của bưu điện...
Bà Hà Thị Lan Hương, Phó Chủ tịch Thường trực HND tỉnh, cho biết: Bên cạnh nâng cao hiệu quả trong việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, công nghệ số cũng giúp người nông dân thuận tiện hơn trong học hỏi kỹ thuật, tìm hiểu thị trường, liên kết hợp tác sản xuất. Đây là điều kiện quan trọng, góp phần để nông nghiệp truyền thống dần chuyển đổi sang hiện đại, tạo ra nhiều cơ hội tăng năng suất lao động, giảm phụ thuộc vào điều kiện môi trường, thời tiết, kiểm soát dịch bệnh và công tác giống được thực hiện tốt hơn. Sự thay đổi này không chỉ hiện hữu ở những doanh nghiệp quy mô lớn, mà ngay cả những chi, tổ hội nghề nghiệp, HTX, tổ hợp tác... cũng đã từng bước áp dụng phù hợp. Từ đó, góp phần triển khai thực hiện tốt các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của tỉnh.
Hiện nay, toàn tỉnh có 828 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có 490 HTX tham gia liên kết bền vững, chiếm 65,42% số HTX nông nghiệp toàn tỉnh, có nhiều HTX đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong quá trình sản xuất, giới thiệu, quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng thông qua các sàn thương mại điện tử, như: Postmart.vn, Lazada, Shopee; phần mềm kết nối cung - cầu: nongsanantoanthanhhoa.vn; các trang mạng xã hội như: zalo, facebook... nhằm đáp ứng những yêu cầu mới của khách hàng, đồng thời, hướng tới xây dựng thương hiệu và phát triển sản phẩm bền vững... HTX nông nghiệp Thăng Long (Nông Cống) là một ví dụ. Đơn vị này đang sở hữu gần 1.500m2 trồng các loại rau hữu cơ, dưa Kim Hoàng Hậu và ớt chỉ thiên với sản lượng trung bình đạt 20 tấn/năm. Với việc đầu tư trên 600 triệu đồng của các thành viên, cùng hỗ trợ của chính quyền địa phương, từ năm 2019 đơn vị đã hoàn thiện hệ thống nhà lưới, áp dụng thành công thực hành nông nghiệp tốt, đạt chứng nhận VietGAP và GlobalGAP.
Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp, thời gian tới HND tỉnh sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ nông dân trong việc nâng cao kiến thức về chuyển đổi số, thay đổi tư duy sản xuất truyền thống của nông dân sang một nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm; hướng dẫn nông dân trực tiếp tham gia xây dựng các dữ liệu lớn về nông nghiệp, như: cây trồng, vật nuôi, thủy sản, đất đai; cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai để người nông dân quyết định hướng sản xuất, kinh doanh phù hợp.
Lương Hà (HND tỉnh)