Hậu Lộc khai thác tiềm năng vùng triều nuôi ngao theo hướng hiệu quả, bền vững

Các năm vừa qua, huyện Hậu Lộc đã chủ động khai thác tiềm năng, thế mạnh vùng triều để nuôi trồng đa dạng các loài nhuyễn thể ven biển như: ngao, sò huyết, vẹm xanh, hàu... trong đó ngao trắng Bến Tre là đối tượng nuôi chủ lực, chiếm tới 90% sản lượng nuôi vùng triều của huyện.

Cơ sở thu mua ngao thương phẩm tại xã Hải Lộc.

Vào thời điểm tháng 5/2024, huyện Hậu Lộc đã thực hiện kế hoạch thả nuôi 570ha ngao. Để nghề nuôi ngao năm 2024 và các năm tiếp theo cho hiệu quả kinh tế cao, theo hướng bền vững, xây dựng thương hiệu “ngao Hậu Lộc” bên cạnh các con nuôi mũi nhọn của huyện như tôm sú, tôm he chân trắng, huyện Hậu Lộc đã và đang triển khai thực hiện các giải pháp về quy hoạch vùng ương ngao giống tập trung, cơ sở hạ tầng đầu mối phù hợp điều kiện ương nuôi ngao giống. Khuyến khích các cơ sở sản xuất giống, ương nuôi thương phẩm hợp tác, liên doanh, liên kết theo chuỗi giá trị, chất lượng giống được cơ quan có thẩm quyền công nhận, con giống phải được kiểm dịch, quản lý nghiêm ngặt trước khi cung cấp cho người nuôi. Tăng cường quản lý Nhà nước từ UBND huyện đến các xã về điều kiện sản xuất giống, ương nuôi giống và nuôi ngao thương phẩm. Tuyên truyền sâu rộng về công tác quản lý giống, quản lý vùng nuôi, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm trong sản xuất, lưu thông ngao giống và các vật tư phục vụ nuôi ngao. Thường xuyên quan trắc môi trường để cảnh báo kịp thời cho người nuôi. Ứng dụng công nghệ tiên tiến, đặc biệt là công nghệ sinh học cho sản xuất ngao giống và nuôi thương phẩm. Tăng cường công tác khuyến nông, tập huấn, khuyến cáo thông tin kịp thời về tình hình nuôi, kỹ thuật nuôi mới cho người dân. Hình thành các HTX hoặc ban, tổ quản lý vùng nuôi, tăng cường vai trò quản lý cộng đồng, khuyến khích thành lập hiệp hội về sản xuất ngao giống, ương nuôi và nuôi ngao thương phẩm tại Hậu Lộc để hỗ trợ nhau trong công tác kỹ thuật, dịch vụ hậu cần và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, huyện Hậu Lộc và các xã ven biển tuyên truyền, hướng dẫn người dân cải tạo ao đầm, bãi nuôi, vùng nuôi nhuyễn thể hàng năm, thả giống nuôi đúng mật độ, bảo vệ môi trường vùng nuôi,... bảo đảm để các loài nhuyễn thể sinh trưởng, phát triển tốt, cho hiệu quả kinh tế cao và bền vững.

Các năm vừa qua, mặc dù còn gặp nhiều bất lợi về môi trường như thủy văn, xả thải của các cơ sở sản xuất ra cửa sông ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển, có thời điểm gây chết ngao, người nuôi thiệt hại lớn; đầu ra, giá cả có thời điểm bấp bênh... nhưng nghề nuôi ngao và sản xuất ngao giống vẫn được xác định là mũi nhọn trong phát triển kinh tế của các xã ven biển huyện Hậu Lộc, là đối tượng nuôi chủ lực và phù hợp với địa phương.

Điển hình như xã Hải Lộc, đến tháng 5/2024, toàn xã có hơn 200 hộ nuôi ngao thương phẩm và sản xuất ngao giống với diện tích khoảng 171ha, tổng sản lượng ngao thương phẩm thu được mỗi năm hơn 2.900 tấn, tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Nhờ khai thác tiềm năng, thế mạnh để nuôi các loài nhuyễn thể ven biển, trong đó chủ lực là ngao mà nhiều hộ dân trong xã đã thoát nghèo, hàng chục gia đình trở nên khá giả với nguồn lãi thu về mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Trong đó, có một số hộ thu về hàng tỷ đồng mỗi năm, như gia đình ông Phạm Văn Ba, nuôi 10ha ngao thương phẩm và sản xuất ngao giống, lợi nhuận năm được mùa đạt gần 2 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 50 lao động; gia đình ông Vũ Văn Hoàng, nuôi 8ha ngao thương phẩm, lợi nhuận năm được mùa thu về khoảng hơn 1 tỷ đồng/năm và còn tạo việc làm cho 40 lao động... Không chỉ vậy, nghề nuôi ngao còn tạo việc làm cho hơn 20% lao động tại địa phương.

Kết quả năm 2023, huyện Hậu Lộc có hơn 400 hộ các xã ven biển Đa Lộc, Minh Lộc, Hải Lộc thả nuôi 570ha ngao. Sản lượng ngao năm 2023 của huyện Hậu Lộc đạt 8.800 tấn. Nhiều hộ dân ở các xã ven biển huyện Hậu Lộc không những có thu nhập khá cao từ đầu tư nuôi ngao mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn, góp phần phát triển bền vững kinh tế biển và XDNTM của huyện ven biển Hậu Lộc.

Tuấn Anh