Nông dân làm giàu từ nuôi nhuyễn thể
Bà Nguyễn Thị Biên ở thôn Quang Trung, xã Hoằng Thanh (Hoằng Hóa) được nhiều người biết đến với nghề nuôi ngao. Gắn bó cùng nghề trên 20 năm, bà Biên được người dân trong vùng ví như người chăn nuôi, khai thác và gìn giữ, tái tạo môi trường sống của loại nhuyễn thể này.
Bà Nguyễn Thị Biên kiểm tra ngao thương phẩm tại bãi nuôi.
Sinh ra và lớn lên ở vùng duyên hải, cuộc sống gắn liền với biển cả đã giúp người dân thích nghi và nắm được những thay đổi của con nước vùng triều, bãi. Nhận thấy vùng biển quê hương có nhiều tiềm năng, thế mạnh để nuôi trồng và khai thác thủy sản, trong số đó có nuôi ngao, sau nhiều nỗ lực, phấn đấu, tích lũy kinh nghiệm, được sự giúp đỡ của các cấp hội nông dân, gia đình bà Nguyễn Thị Biên đã mở rộng diện tích nuôi ngao lên 50ha, trong đó có 30ha nuôi ngao thương phẩm, 20ha chuyên sản xuất giống. Đã trải qua nhiều giai đoạn từ khi khai thác nguồn sẵn có ngoài tự nhiên, đến lúc cạn kiệt và phải tái tạo môi trường, nên bà Biên hiểu rõ cái giá của sự khai thác bừa bãi. Vì vậy, khi có trong tay diện tích sản xuất lớn, gia đình bà đã thay đổi tư duy đó là chăm sóc, bảo vệ và khai thác bền vững gắn với bảo vệ môi trường.
Theo dõi những năm được mùa và so sánh với những năm mất mùa rồi tự rút ra cho mình những kinh nghiệm thực tế. Từ đó, bà Biên dần chú ý nhiều hơn tới các chu kỳ sinh trưởng của con ngao để rút ra quy luật phát triển của loài nhuyễn thể này. Bà đã học hỏi ở nhiều nơi, nhất là những địa phương có nghề nuôi ngao phát triển, cả trên sách báo và các phương tiện thông tin đại chúng. Từ đó, bà đã tiếp cận những kiến thức, kinh nghiệm đã có bắt tay vào thử nghiệm làm ngao giống.
Bà Biên chia sẻ: "Việc chủ động nguồn giống ngao đã đem đến cơ hội mới cho gia đình tôi và nghề nuôi ngao của địa phương. Cùng với đó, gia đình tôi đã liên kết thu mua và tiêu thụ lượng lớn ngao cho các địa phương trong, ngoài tỉnh. Tôi đấu thầu thêm nhiều diện tích ở huyện Hậu Lộc, thị xã Nghi Sơn và các tỉnh ven biển như TP Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định và mở rộng thị trường tiêu thụ đến các tỉnh miền Bắc, miền Trung. Sau gần 15 năm tích lũy kiến thức, kỹ thuật, kinh nghiệm và nguồn vốn, đến năm 2019 gia đình tôi đã đầu tư trên 27 tỷ đồng để mở rộng diện tích nuôi trồng và mua sắm một số máy móc khai thác chuyên dụng, mỗi năm cung cấp giống nuôi cho trên 1.000ha và thu mua trên 100 nghìn tấn ngao thương phẩm".
Từ đây, thu nhập của gia đình ổn định và có chiều hướng năm sau cao hơn năm trước. Để hòa nhập vào nền kinh tế thị trường, gia đình bà Biên đã đăng ký xây dựng thương hiệu hàng hóa. Hiện nay, sản phẩm ngao, dắt, don của gia đình bà được khách hàng tin dùng, vì vậy thị trường đã mở rộng đến nhiều tỉnh, thành khác. Năm 2023, gia đình bà Biên thu lãi trên 3,8 tỷ đồng sau khi đã trừ chi phí và tạo việc làm thường xuyên cho 80 lao động với thu nhập từ 8 đến 10 triệu đồng/lao động/tháng, ngoài ra vào lúc cao điểm gia đình bà còn thu hút tới 150 lao động thời vụ.
Bên cạnh đó, gia đình bà Biên rất tích cực tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương như: hỗ trợ làm nhà cho hộ gia đình khó khăn trong thôn; dịp Tết Nguyên đán, hỗ trợ gạo cho các hộ nghèo trong xã với tổng trị giá trên 500 triệu đồng; ủng hộ XDNTM, hiến đất và đóng góp với tổng số tiền hơn 2,5 tỷ đồng; tư vấn, hướng dẫn kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất, kinh doanh, giúp đỡ 87 hộ nghèo, vươn lên thoát nghèo; hỗ trợ hướng dẫn kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất, kinh doanh cho 30 hộ...
Bằng sức lao động và tinh thần tự lực vươn lên, bà Nguyễn Thị Biên là tấm gương điển hình trong phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tại địa phương và câu chuyện vượt khó của bà là động lực để các hộ nông dân không ngừng nỗ lực phấn đấu, xây dựng một cuộc sống mới từ đôi bàn tay và ý chí vươn lên làm giàu. Với những thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất, kinh doanh, bà Nguyễn Thị Biên đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tặng Bằng khen và được chứng nhận đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh.
Tuấn Anh