Hiệu quả từ chi, tổ hội nghề nghiệp nông dân
Ngày 02/7, đồng chí Trần Bình Quân đi thăm các mô hình chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp trên địa bàn huyện Đông Sơn. Để giúp hội viên chuyển đổi phương thức sản xuất từ đơn lẻ sang sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tập trung theo chuỗi giá trị, Hội Nông dân huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã đẩy mạnh thành lập các chi, tổ hội nghề nghiệp trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ. Qua hoạt động của chi, tổ hội, đã xây dựng được nhiều sản phẩm hàng hóa đạt tiêu chuẩn.
Thực hiện Nghị quyết số 04 của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về đẩy mạnh xây dựng chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp, huyện Đông Sơn đã thành lập mới nhiều chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp, cùng sẻ chia, cùng trách nhiệm và cùng hưởng lợi. Giúp phát triển sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, hiện đại, bền vững.
Trong 6 tháng năm 2024, Hội Nông dân huyện phối hợp với Hội Nông dân tỉnh, các địa phương thành lập được 4 tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp tốt, 4 tổ hội nghề nghiệp, thành lập mới 1 hợp tác xã. Phần lớn các mô hình đều tập trung sản xuất, kinh doanh về lĩnh vực trồng cây ăn quả, phát triển con nuôi đặc sản theo hướng an toàn, VietGap, đem lại giá trị hàng hóa cao. Ông Đinh Sỹ Tuấn, Tổ hợp tác trồng cây có múi, xã Đông Minh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Qua thành tích đạt được, tổ hội cũng đã thường xuyên họp rút kinh nghiệm để nắm bắt thị trường, đưa ra những sản phẩm tốt nhất, đảm bảo an toàn thực phẩm, phục vụ tốt nhất cho thị trường cũng như bà con nông dân tiêu thụ".
Các chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp, tổ hợp tác trên địa bàn huyện Đông Sơn đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo thiết thực, gắn với nhu cầu đòi hỏi từ thực tế. Để phát triển bền vững, Hội Nông dân huyện, xã cũng cần làm tốt vai trò kết nối và hỗ trợ phát triển các tổ hợp tác thành hợp tác xã, gắn với hoạt động quỹ hỗ trợ nông dân cũng như công tác dạy nghề của hội.
Tuấn Anh