Nông dân Thanh Hóa: Thi đua Sản xuất kinh doanh giỏi góp phần xây dựng nông thôn mới

Trong thực hiện nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân, Hội Nông dân (HND) Thanh Hóa không ngừng đổi mới phương thức, nội dung hoạt động, tập hợp nông dân, đoàn kết trong xây dựng, sẻ chia trong gian khó. Truyền thống quý báu đó của nông dân Thanh Hóa được đúc kết từ thực tế xây dựng và phát triển tổ chức Hội. Cùng với công tác tuyên truyền, vận động, Hội luôn dành sự quan tâm hỗ trợ cho hội viên, mọi hoạt động đều hướng về cơ sở, tạo nên động lực quan trọng để hội viên có điều kiện phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, xóa đói, giảm nghèo vươn lên làm giàu chính đáng, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM).

Nông dân huyện Ngọc Lặc thi đua sản xuất kinh doanh giỏi.

Để khích lệ tinh thần hăng say lao động sản xuất trong nông dân, hưởng ứng công cuộc đổi mới mà Đảng ta đã khởi xướng và lãnh đạo. Cách đây hơn 30 năm, HND Thanh Hóa đã phát động phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” (SXKDG). Ngay từ khi ra đời, phong trào đã nhận được sự đồng thuận của nông dân cả nước, tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ và trở thành một phong trào thi đua yêu nước thiết thực. Trong giai đoạn hiện nay, thi đua SXKDG là một trong 3 phong trào lớn, được các cấp Hội xác định có vị trí then chốt trong công tác xây dựng tổ chức và thu hút hội viên, góp phần vào nâng cao đời sống, lầm giàu và giảm nghèo trong nông dân. Nhận thức rõ về phát triển kinh tế, nâng cao cải thiện đời sống đang là nhu cầu bức thiết của nông dân do vậy trách nhiệm của các cấp Hội đóng vai trò quan trọng trong việc phát động phong trào, đến tuyên truyền và vận động nông dân, chỉ đạo xây dựng và nhân diện các mô hình. Tổng kết thực tiễn, đưa vào chỉ tiêu thi đua, hàng năm các cấp Hội tổ chức bình xét, tôn vinh các gương điển hình SXKDG, tạo động lực thi đua ở cơ sở. Từ đó nông dân biết tổ chức sản xuất, biết lựa chọn những giống cây trồng, vật nuôi, cái gì nên và không nên, nhạy bén với cơ chế thị trường, sản xuất gắn liền với tiêu thụ sản phẩm. Các cấp Hội đã vận động, hướng dẫn nông dân tập trung vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, cơ cấu ngành nghề trên tất cả các lĩnh vực sản xuất; chuyển hướng mạnh vào nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích; nuôi, trồng cây, con có giá trị hiệu quả kinh tế cao; phát triển kinh tế trang trại, gia trại, xây dựng trang trại quy mô lớn gắn liền với đảm bảo vệ sinh môi trường bền vững; phát triển nhiều hình thức hợp tác, liên doanh, liên kết; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới.

Vì vậy, ngoài việc tuyên truyền, vận động, các cấp Hội còn tập trung mọi nguồn lực để hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất. Qua đó, hàng năm có 209.017 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi (SXKDG) các cấp. Đây là những hạt nhân tích cực trong việc tương thân, tương ái giúp đỡ lẫn nhau và đóng góp xây dựng địa phương, xây dựng nông thôn mới. 9 tháng đầu năm, các cấp Hội trong tỉnh đã tương trợ giúp nhau được 44.923 triệu đồng; lương thực, thực phẩm, hàng hóa, cây, con giống trị giá 2.214 triệu đồng và 23.970 ngày công lao động. Điều ý nghĩa, nhân văn là đã trực tiếp hỗ trợ giúp 1.525 hộ nông dân có hoàn cảnh khó khăn; tham gia rà soát, phân loại hộ nghèo, lên danh sách hơn 4.000 hộ nghèo để giúp đỡ năm 2022.

          Để tạo điều kiện cho nông dân có thêm nguồn lực để phát huy vai trò chủ thể, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã đã ký kết 40 chương trình phối hợp với các ban, sở, ngành, doanh nghiệp; xây dựng đề án “Hội Nông dân Thanh Hóa với chương trình đưa doanh nghiệp về với nông nghiệp, nông thôn” giai đoạn 2020-2025. Các cấp hội trong tỉnh đã tập trung đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ nông dân về vốn, kiến thức, chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề, kết nối tiêu thụ sản phẩm..v.v… Tăng cường tín chấp và nhận ủy thác với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt cho nông dân vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh với tổng dư nợ đến tháng 8/2022 đạt 14.041,898 tỷ đồng, cho 180.238 hộ vay. Xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) toàn tỉnh đạt 61,685 tỷ đồng, hiện đang cho 2.180 hộ vay ở 620 dự án. Hàng năm phối hợp dạy nghề được cho trên 3.000 nông dân; cung ứng được trên 20.000 tấn phân bón trả chậm; tập huấn chuyển giao tiến bộ KHKT cho trên 300.000 lượt người; hướng dẫn xây dựng được hàng trăm mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và theo hướng công nghệ cao, gắn với xây dựng chuỗi giá trị; hỗ trợ xây dựng 82 sản phẩm đạt chuẩn OCOP; Hội Nông dân tỉnh đã tập trung chỉ đạo hướng dẫn các cấp Hội xây dựng được 83 hợp tác xã và 892 tổ hợp tác, thành lập được 182 doanh nghiệp; các tổ hợp tác, hợp tác xã đã và đang hoạt động có hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng, phát triển kinh tế tập thể ở địa phương; tạo điều kiện thuận lợi cho ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống của hội viên, nông dân và Nhân dân. Trong bối cảnh dịch Covid-19, các cấp Hội đã tuyên truyền, vận động, tổ chức cho nông dân thực hiện nhiệm vụ kép, vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Từ phong trào đã có 372.117 hộ đạt danh hiệu gia đình nông dân văn hóa, nông dân thêm tin tưởng vào tổ chức hội, tham gia sinh hoạt hội ngày càng nhiều. Chất lượng sinh hoạt chi, tổ hội từng bước được nâng cao và đều đặn hơn, tại đây nông dân được tham gia bàn bạc và nói lên tâm tư nguyện vọng của chính mình, đóng góp những ý tưởng giúp cho các cấp Đảng ủy xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, xây dựng NTM sát với thực tế ở mỗi địa phương.

Trong quá trình thực hiện, nhiều điển hình tiêu biểu đã xuất hiện, những nhân tố đó đã và đang có tác động khích lệ tới đông đảo HVND trong toàn tỉnh. Nhiều hộ SXKDG phát triển thành doanh nghiệp, công ty trách nhiệm hữu hạn, trở thành doanh nghiệp lớn trong tỉnh, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động nông thôn, tiêu biểu như: anh Lê Văn Thẩn, xã Thiệu Phúc, huyện Thiệu Hóa; chị Nguyễn Thị Dung, Thị trấn Vân Du, huyện Thạch Thành; anh Nguyễn Văn Tuyến, xã Hải Thanh, Thị xã Nghi Sơn; anh Nguyễn Hữu Lựu, xã Hà Long, huyện Hà Trung; anh Đỗ Thế Anh, xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn….

Sự vận dụng sáng tạo giữa tuyên truyền vận động đi đôi với hỗ trợ của tổ chức hội là động lực quan trọng giúp hội viên có điều kiện cải thiện đời sống, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, xây dựng quê hương, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới. Nông dân trong tỉnh đã đóng góp hàng triệu ngày công, hiến hàng trăm nghìn m2 đất, cùng các loại tài sản khác lên đến hàng nghìn tỷ đồng tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, xây dựng, sửa chữa hàng nghìn km đường giao thông nông thôn; góp phần cùng toàn tỉnh đến nay đã có 12 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, 346/465 xã, 902 thôn, bản đạt chuẩn NTM, 56 xã đạt NTM nâng cao; 09 xã, 214 thôn bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; bình quân toàn tỉnh đạt 17,7 tiêu chí/xã.

Những thành quả đạt được khẳng định vai trò, vị thế, sự cố gắng vượt bậc của các cấp Hội, đưa giai cấp nông dân Thanh Hóa tiến đến một bước xa hơn, vươn tới một tầm cao mới. Trong thời gian tới, HND tỉnh Thanh Hóa tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng hoạt động của các chi hội cơ sở; đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện hiệu quả phong trào "Nông dân thi đua SXKDG, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững"; tích cực tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, góp phần cùng cấp uỷ, chính quyền địa phương thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Tuấn Anh