Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa nỗ lực hiện thực hoá Nghị quyết của Hội vào cuộc sống

Thực hiện ba Nghị quyết 04, 05, 06 -NQ/HNDTW của BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (khóa VII) về xây dựng tổ chức Hội Nông dân Việt Nam trong sạch, vững mạnh, 5 năm qua, các cấp Hội Nông dân (HND) tỉnh Thanh Hóa đã không ngừng đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, thiết thực và hiệu quả. Từ đây đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ tinh thần của Nghị quyết tới cán bộ, hội viên, nông dân và các tầng lớp Nhân dân, cùng góp phần “Đưa Nghị quyết của Hội vào cuộc sống”.

Triển khai thực hiện với nhiều hoạt động đổi mới, sáng tạo

Nhằm chuyển hóa tinh thần của Nghị quyết tới cán bộ, hội viên, nông dân và Nhân dân, công tác tuyên truyền, vận động được đặt lên hàng đầu, với nhiều phương pháp đổi mới, sáng tạo. Trong đó, chú trọng đến việc tuyên truyền trực quan thông qua ứng dụng công nghệ thông tin và thực tế sản xuất - kinh doanh, chuyển hóa Nghị quyết thành những việc làm cụ thể, tránh nói suông, hình thức.

Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HNDTW về đẩy mạnh xây dựng Chi Hội Nông dân nghề nghiệp, Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp. Trong thời gian qua các cấp HND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo thành lập được 111 chi hội nông dân nghề nghiệp với 1.616 hội viên; 1.122 tổ hội nông dân nghề nghiệp với 10.098 hội viên hoạt động trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi; nhiều mô hình chi tổ hội nghề nghiệp đem lại hiệu quả cao như: Chi Hội Nông dân nghề nghiệp Tiến Nông với 20 thành viên, chi hội nghề nghiệp tại các huyện: Triệu Sơn, Nông Cống, Thạch Thành, Hà Trung, Cẩm Thuỷ, Đông Sơn, thành phố Thanh Hoá; tổ hội nuôi ốc nhồi giống và thương phẩm tại xã Mậu Lâm, Yên Thọ, huyện Như Thanh; Khai thác hải sản ở Hải Châu, Hải Hà Nghi Sơn; Nuôi cá lồng thôn Sông Mã xã Điền Lư, Nuôi Vịt Cổ Lũng, huyện Bá Thước; Sản xuất chế biến nước mắm khúc phụ tại xã Hoằng Phụ, Hoằng Hóa….Trên cơ sở chi tổ hội nghề nghiệp các cấp Hội Nông dân đã chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng thành lập mới 687 tổ hợp tác với 2.748 thành viên và 120 Hợp tác xã với 1.966 thành viên. Thông qua hoạt động của chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp đã và đang thu hút nhiều hộ nông dân tham gia vào tổ chức Hội, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi, tổ hội; góp phần phát triển các mô hình kinh tế tập thể, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, giúp hội viên nông dân mở rộng quy mô sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm. Các chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp đã đi vào hoạt động nền nếp, thiết thực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của hội viên, nông dân, tạo được mối liên kết chặt chẽ giữa hội viên với hội viên, hội viên với tổ chức Hội, từ hoạt động nhỏ lẻ của một số hộ gia đình đến nay đã xây dựng được chuỗi liên kết vững mạnh từ khâu sản xuất đến bàn ăn tại các nhà hàng, khách sạn như: ốc nhồi, dê, dúi, rau, quả an toàn...; hoạt động của các chi Hội, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp đã tạo ra một kênh sinh hoạt mới cho hội viên, nông dân; thu hút đông đảo hội viên, nông dân tham gia.

Thực hiện Nghị quyết số 05 -NQ/HNDTW về tăng cường công tác phát triển, quản lý và nâng cao chất lượng hội viên Hội Nông dân Việt Nam. Trong 5 năm đã vận động kết nạp được gần 50.000 hội viên mới, nâng tổng số hội viên là 501.840 hội viên, đạt 96,6% so với số lao động nông, lâm, thủy sản. Các cấp HND trong tỉnh đã tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân tích cực tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động do Trung ương, do tỉnh phát động; tích cực tham gia các chương trình phát triển kinh tế của tỉnh, của địa phương, điển hình như: phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; qua quá trình tổ chức thực hiện số lượng hộ nông dân đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp tăng lên rõ rệt; hội viên đạt danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc; qua phong trào đã xuất hiện nhiều gương điển hình làm kinh tế giỏi, có thu nhập cao; tích cực tham gia các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc” trong tình hình mới; Phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo”. Các cấp Hội phối hợp vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hội viên nghèo; trong thời gian qua đã vận động các nhà hảo tâm, hội viên sản xuất kinh doanh giỏi tặng với 5.318 hộ với số tiền 10.483 triệu đồng; vận động xây dựng nhà tình nghĩa được 403 ngôi nhà giá trị là 8,664 triệu đồng. Để tạo điều kiện thuận lợi về vốn cho hội viên nông dân đầu tư sản xuất, kinh doanh Hội Nông dân huyện phối hợp với các Ngân hàng, tạo điều kiện cho nông dân vay vốn, tổng dư nợ đến nay là 16.291 tỷ đồng với 5.165 tổ và 169.751 hộ vay; từ các nguồn vốn vay các hội viên đã phát huy được hiệu quả trong sản xuất và kinh doanh.

          Luôn quan tâm đến công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho hội viên nông dân; trong 5 năm qua các cấp Hội đã trực tiếp và phối hợp với các ngành chức năng tổ chức mở 1.044 lớp dạy nghề cho 36.698 lượt HVND, giúp được 19.497 HVND, người lao động có việc làm sau đào tạo. Tiếp tục phát huy và nhân rộng hình thức nông dân dạy nghề, truyền nghề cho nông dân, đã giúp cho hàng nghìn lao động có việc làm, thu nhập ổn định. Các lớp nghề đào tạo, bồi dưỡng gồm: nghề trồng trọt, nghề chăn nuôi gia súc gia cầm, nghề nuôi cá nước ngọt, nghề trồng nấm, nghề trồng rau an toàn, nghề nấu ăn, trồng và chăm sóc cây cảnh, mây tre đan… vận động, hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm cho 20.420 lao động có việc làm trong nước, hơn 8.602 lao động có việc làm ở nước ngoài. Các cấp Hội đã tích cực tuyên truyền cho cán bộ, hội viên, nông dân về chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tổ chức 06 lớp tập huấn cho 620 cán bộ, hội viên, nông dân về chương trình OCOP; tổ chức cho cán bộ, hội viên, nông dân đi học tập kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh về chương trình OCOP; tư vấn, vận động, hướng dẫn nông dân đăng ký ý tưởng sản phẩm; Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 497 sản phẩm OCOP. Trong đó có 1 sản phẩm 5 sao, 57 sản phẩm 4 sao và 439 sản phẩm 3 sao. Nhiều sản phẩm OCOP đã khai thác được thế mạnh địa phương gắn với chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu tập thể.…

Thực hiện Nghị quyết số 06 -NQ/HNDTW về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Trong 5 năm qua đã có hơn 13.342 lượt cán bộ các cấp được tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ do TW, tỉnh và huyện, thị, thành Hội tổ chức, do vậy chất lượng đội ngũ cán bộ được nâng lên rõ nét. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội cho cán bộ Hội luôn được quan tâm, chú trọng; đối với đội ngũ cán bộ hội mới ưu tiên đào tạo, tập huấn nghiệp vụ công tác Hội; còn đối với đội ngũ cán bộ hội tái cử thì quan tâm bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới.

Mang lại nhiều kết quả thiết thực

Trong 5 năm qua, việc triển khai, thực hiện 3 Nghị quyết 04, 05, 06-NQ/HNDTW của Trung ương Hội về xây dựng tổ chức Hội Nông dân Việt Nam trong sạch, vững mạnh của HND các cấp đã đem lại lợi ích thiết thực cho cán bộ, hội viên, nông dân.

Các Chi, tổ Hội nghề nghiệp đã đi vào hoạt động có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của hội viên nông dân, tạo được mối liên kết chặt chẽ giữa hội viên với hoạt động của chi, tổ HND nghề nghiệp. Chất lượng hội viên đã được nâng lên về nhận thức chính trị, pháp luật, trình độ sản xuất, kinh doanh, về tinh thần đoàn kết, gắn bó, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau do công tác tuyên truyền của Hội đa dạng, phong phú, hoạt động có hiệu quả và thiết thực, lan tỏa sâu rộng trong hội viên và nhân dân;. Hằng năm, có trên 229.000 hộ đạt SXKD giỏi các cấp là hội viên nông dân điển hình tiên tiến trong các lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, bảo vệ môi trường nông thôn, xây dựng nông thôn mới và xây dựng Hội. Tỷ lệ tập hợp thu hút hội viên tăng lên, đạt 96,6% so với lao động nông, lâm, thủy sản.

Hàng năm đội ngũ cán bộ hội luôn được tập huấn nâng cao kỹ năng nghiệp vụ công tác hội, do đó đội ngũ cán bộ Hội các cấp đã nâng cao về trình độ, năng lực thực tiễn, có phương pháp lãnh đạo, dám nghĩ, dám làm, sáng tạo, tạo nên những mô hình tiêu biểu về nâng cao hiệu quả công tác Hội và phong trào nông dân, được cấp ủy và cán bộ, hội viên nông dân tín nhiệm, đánh giá cao.

Để tiếp tục thực hiện tốt 3 Nghị quyết 04, 05, 06 của Ban Chấp hành Trung ương HND Việt Nam (khóa VII), các cấp HND trong tỉnh chú trọng tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển chi, tổ hội; nhân rộng các mô hình chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết sản xuất xuất chuỗi giá trị, chú trọng sản xuất sản phẩm được xếp hạng 3 sao trở lên theo chương trình OCOP. Phối hợp triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển mô hình kinh tế tập thể. Vận động cán bộ, hội viên, nông dân tích cực tham gia phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, chuyển đổi số trong nông nghiệp, quản lý, truyền thông, quảng bá sản phẩm trên các sàn giao dịch điện tử… Đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt chi Hội, tổ Hội, nâng cao chất lượng công tác quản lý hội viên. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ hội.

Trong thời gian tới được dự báo tình hình thế giới, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường đã và đang tác động không nhỏ tới sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của Nhân dân. Nhưng chúng ta tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, điều hành của Chính quyền, cùng truyền thống đoàn kết, sáng tạo và quyết tâm cao, HND Thanh Hóa sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đã đề ra. Đó không chỉ là mục tiêu trong hoạt động của các cấp Hội, mà từ đây chúng ta từng bước hiện thực hóa, góp phần cùng các cấp, các ngành “Đưa Nghị quyết của Hội vào cuộc sống”.

 

 

 

 

 

 

Lương Hà (HND tỉnh)