Thi đua phát triển kinh tế, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Phát huy truyền thống của giai cấp nông dân Việt Nam, trong giai đoạn hiện nay Hội Nông dân (HND) Thanh Hóa đã không ngừng đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động. Các cấp hội đã vận dụng sáng tạo giữa tuyên truyền, vận động đi đôi với hỗ trợ, huy động, tập trung các nguồn lực và khơi dậy tinh thần sáng tạo, thi đua lao động sản xuất, giúp nông dân toàn tỉnh nói chung, nông dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) nói riêng phát triển kinh tế, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc vững chắc.
Đồng hành cùng nông dân miền núi phát triển kinh tế
Giám đốc HTX ổi Thành Tâm, Thạch Thành
Với yếu tố địa lý và văn hóa truyền thống lâu đời, vùng DTTS&MN tỉnh Thanh Hóa có 7 dân tộc chủ yếu cùng sinh sống, gồm: Kinh, Mường, Thái, Thổ, Mông, Dao và Khơ Mú. Từ xa xưa, đồng bào các DTTS có truyền thống đoàn kết, yêu nước, gắn bó, hỗ trợ nhau trong lao động sản xuất và cuộc sống. Hiện nay, vùng DTTS&MN có 175 cơ sở hội, 1.525 chi hội nông dân với 154.690 hội viên. Đây là lực lượng quan trọng góp phần xây dựng vùng DTTS&MN phát triển bền vững.
Chủ tịch HND tỉnh Trần Bình Quân cho biết: Những năm qua, để cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng bộ tỉnh, của hội cấp trên, HND tỉnh đã ban hành nghị quyết chuyên đề để thực hiện cụ thể từng phần việc với nội dung các hoạt động của hội đều gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Công tác tuyên truyền, vận động được đặt lên hàng đầu để cán bộ, hội viên nông dân hiểu rõ, hiểu đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước áp dụng thực hiện trong đời sống, sinh hoạt và xây dựng quê hương. Qua đó nông dân biết phát huy tinh thần tự lực, tự cường, khai thác tiềm năng, thế mạnh của mỗi vùng, miền phát triển kinh tế, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại.
Ban Thường vụ HND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp HND khu vực miền núi đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bài trừ tư tưởng, tập quán lạc hậu trên địa bàn; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển sản xuất hàng hóa và tích cực tham gia bảo vệ rừng, bảo đảm quốc phòng - an ninh (QP-AN), gắn với thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG); các phong trào thi đua, các cuộc vận động do địa phương và hội phát động. Tăng cường các hoạt động hỗ trợ nông dân quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của địa phương như tổ chức, giới thiệu tham gia các hội chợ; quảng bá và bán sản phẩm OCOP và các sản phẩm tiêu biểu của địa phương trên sàn thương mại điện tử postmart; tham gia “Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam” do Trung ương HND Việt Nam tổ chức...
Các cấp HND tỉnh Thanh Hóa đã tập trung đẩy mạnh các phong trào thi đua, trọng tâm là phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Ở các địa phương miền núi, phong trào tiếp tục phát triển cả về số lượng và chất lượng, có sức lan tỏa trong tất cả các lĩnh vực sản xuất nông, lâm, thủy sản, dịch vụ, khơi dậy tính chủ động, sáng tạo của nông dân vùng đồng bào dân tộc miền núi trong tham gia chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tích tụ, tập trung đất đai, ứng dụng khoa học - công nghệ, phát triển nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Hiện nay có hơn 34.000 hộ nông dân vùng đồng bào DTTS&MN đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, trong đó có 17 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi đã khởi nghiệp, thành lập doanh nghiệp. Phong trào đã động viên nông dân phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, giúp các hộ nghèo về vốn, giống, vật tư nông nghiệp, hướng dẫn kỹ thuật, cách làm ăn, tạo việc làm; chia sẻ khó khăn, mất mát của đồng bào các vùng gặp thiên tai, dịch bệnh... Các cấp hội đã vận động các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tạo việc làm tại chỗ cho hàng ngàn lượt lao động có việc làm thường xuyên và theo thời vụ; giúp đỡ vốn, giống cây, con và kinh nghiệm sản xuất cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên ổn định cuộc sống và thoát nghèo.
Cùng với việc tổ chức các lớp tập huấn khoa học - kỹ thuật, dạy nghề, giới thiệu việc làm cho hội viên nông dân, HND các cấp thực hiện tín chấp, ủy thác với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội cho 65.032 lượt hộ vay vốn với số dư nợ là 6.414 tỷ đồng; hàng ngàn tấn phân bón theo hình thức chậm trả để nông dân đầu tư vào sản xuất. Trong giai đoạn 2021-2024, HND tỉnh triển khai 20 dự án từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân Trung ương và của tỉnh với số tiền là 9,6 tỷ đồng cho 148 lượt hộ tham gia; HND các huyện miền núi vận động xây dựng được hơn 5,6 tỷ đồng quỹ hỗ trợ nông dân cho hàng trăm lượt nông dân vay để đầu tư phát triển sản xuất. HND tỉnh đang triển khai thực hiện các chương trình MTQG, trong đó có 5 dự án thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững tại các huyện Như Thanh, Như Xuân, Bá Thước, Lang Chánh, Quan Hóa cho gần 400 hộ nghèo và cận nghèo tham gia...
Từ những phong trào, các cuộc vận động của Trung ương, của tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm mới, tập thể, cá nhân tiêu biểu trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội (KT-XH), QP-AN, XDNTM. Các hoạt động biểu dương, tôn vinh, nhân rộng các mô hình điển hình trong hội viên nông dân DTTS&MN đã cổ vũ, động viên hội viên nông dân tích cực trong lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
Khích lệ nông dân sáng tạo, khởi nghiệp
Đến đầu tháng 10/2024 khu vực 11 huyện miền núi của tỉnh có 73/163 xã đạt chuẩn NTM, dự kiến đến năm 2025 có 109/163 xã đạt chuẩn NTM. Thu nhập bình quân đầu người của vùng năm 2023 đạt 39,605 triệu đồng, ước năm 2024 đạt 42,62 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo toàn vùng giảm còn 14,75%. Để đạt được những kết quả trên là sự chung sức, đồng lòng của cấp ủy đảng, chính quyền, các tầng lớp Nhân dân, trong đó có một phần đóng góp quan trọng của hội viên, nông dân vùng đồng bào DTTS&MN.
Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lê Minh Hành chia sẻ: Trong những năm qua dù còn gặp nhiều khó khăn, song với sự lãnh đạo kịp thời, sát sao của Tỉnh ủy, sự chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt của UBND tỉnh, sự phối hợp tích cực của các cấp, các ngành và Nhân dân các dân tộc vùng đồng bào DTTS&MN và các cấp HND với các cơ quan dân tộc cùng cấp, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong vùng DTTS&MN có chuyển biến tích cực. Công tác hỗ trợ nông dân và đồng bào người DTTS&MN phát triển kinh tế, khởi nghiệp được quan tâm, qua đó góp phần quan trọng nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của Nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, QP-AN, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa cấp ủy, chính quyền với Nhân dân, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao vị trí, vai trò của tổ chức hội, cơ quan dân tộc các cấp. Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức, kỹ năng cho nông dân vùng đồng bào DTTS&MN về khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, tiềm năng sáng tạo của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn miền núi; thúc đẩy thực hiện các ý tưởng, mô hình sản xuất, kinh doanh trong đồng bào vùng DTTS&MN dựa trên tiềm năng, thế mạnh và nguồn tài nguyên sẵn có tại địa phương, cơ sở. Thúc đẩy, cổ vũ, khuyến khích và xây dựng tinh thần khởi nghiệp; kích thích sáng tạo, tư duy năng động, truyền nguồn cảm hứng kinh doanh, khơi dậy những ý tưởng khởi nghiệp, đam mê, khát vọng làm giàu trong đồng bào DTTS&MN.
Trong thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với HND tỉnh triển khai hiệu quả nhiệm vụ công tác hội và phong trào nông dân gắn với công tác dân tộc, chính sách dân tộc vùng đồng bào DTTS&MN; nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố và giữ vững khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các chính sách dân tộc để huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển KT-XH trên địa bàn theo hướng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và có sức lan tỏa. Đẩy mạnh thu hút nguồn lực từ các vùng khác, các nguồn tài trợ quốc tế có hiệu quả để phát triển KT-XH, giảm nghèo bền vững. Trong đó, triển khai có hiệu quả những nội dung có liên quan đến cán bộ, hội viên nông dân vùng đồng bào DTTS&MN trong thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 từ 2021-2025 theo Quyết định 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Triển khai các hoạt động hỗ trợ nông dân như: Hỗ trợ hội viên nông dân trong quảng bá và tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ nông dân tiếp cận khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi theo hướng công nghệ cao, gắn với xây dựng chuỗi giá trị; vận động nông dân tham gia bảo vệ môi trường và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; phối hợp tổ chức các hoạt động biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân hội viên nông dân vùng DTTS&MN có thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực và nhân rộng các mô hình tại các địa phương.
Vi Huệ