SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA HỘI NÔNG DÂN VÀ GIAI CẤP NÔNG DÂN THANH HÓA
1/ Hội Nông dân và Phong trào nông dân Thanh Hóa trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân, đế quốc:
Hoà chung với phong trào của cả nước Thanh Hoá là tỉnh sớm có phong trào nông dân. Nông Hội đỏ ở Thanh Hoá được thành lập ngay trong năm 1930, với 200 hội viên ở một số làng thuộc các huyện Thọ Xuân, Thiệu Hoá, Đông Sơn. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, Hội Nông dân Thanh Hoá không ngừng lớn mạnh, phát triển và trưởng thành. Đến nay Hội Nông dân Thanh Hoá có 630 Hội Nông dân xã, phường, thị trấn; 5.709 chi Hội; 10.050 tổ Hội; 507.320 hội viên đạt 87,8% so với số hộ nông nghiệp.
Từ ngày thành lập đến nay, Hội Nông dân Thanh Hoá luôn là lực lượng nòng cốt trong các phong trào cách mạng của nông dân, nông thôn Thanh Hoá. Tiêu biểu cho truyền thống yêu nước kiên cường, bất khuất của người Thanh Hóa là cuộc đấu tranh của nông dân Yên Trường đòi chia lại công điền, công thổ do bọn Thống lý chiếm đoạt; cuộc đấu tranh của làng Chí Tiến - Thọ Xuân chống lại Tri phủ bắt phu đắp đường vào ấp Quan Thành; phong trào đấu tranh của làng Long Linh; cuộc đấu tranh của 600 nông dân Yên Định đòi trả tự do cho tù chính trị và nhiều cuộc đấu tranh khác...
Kháng chiến chống Pháp, đuổi Nhật, nông dân Thanh Hoá với tinh thần vừa đảm bảo công việc hậu phương, vừa đáp ứng yêu cầu chi viện cho tuyền tuyến, toàn tỉnh có 60 vạn thanh niên nông thôn vào bộ đội, hàng vạn nông dân tham gia thanh niên xung phong, 90% gia đình nông dân có con em đi bộ đội, trong đó có 3 vạn gia đình có từ 3 con trở lên trực tiếp chiến đấu tại các chiến trường. Riêng chiến dịch Điện Biên Phủ, Thanh Hóa đã đóng góp hàng nghìn tấn thực phẩm; hàng vạn tấn lương thực; đã huy động 12 vạn nông dân tham gia vận chuyển trên 50% số lương thực, thực phẩm phục vụ cả chiến dịch. Kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, Bác Hồ đã khen ngợi đồng bào các dân tộc Thanh Hoá "Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ tới đó. Tiếng Điện Biên Phủ tới đâu, đồng bào Thanh Hoá cũng có một phần vinh dự đến đó".
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Nông dân Thanh Hoá đã cùng với quân dân trong tỉnh và các đơn vị bộ đội đóng trên địa bàn tổ chức chiến đấu, phục vụ chiến đấu tốt giữ vững các nhịp cầu Hàm Rồng, đập tan chính sách leo thang của đế quốc Mỹ hòng cắt đứt huyết mạch giao thông quan trọng, ngăn chặn sự chi viện của hậu phương Miền Bắc cho chiến trường lớn Miền Nam; bắn rơi 376 máy bay, bắn chìm và bắn cháy 57 tàu chiến, tiêu diệt và bắt sống nhiều giặc lái, hàng vạn nông dân tham gia bảo đảm giao thông thông suốt; chi viện hàng triệu tấn lương thực, thực phẩm tới đồng bào miền Nam ruột thịt và nuôi dưỡng hàng ngàn con em đồng bào Vĩnh Linh - Quảng Bình đến địa phương sơ tán.
2/ Hội Nông dân và Phong trào nông dân Thanh Hóa trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng CNXH:
Hội Nông dân Thanh Hoá đã quán triệt và nắm vững các quan điểm, tư tưởng lãnh đạo của Đảng, các cơ chế chính sách mới của nhà nước; bám sát mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT - XH, quốc phòng an ninh của Đảng bộ tỉnh; các chương trình, mục tiêu, nhiệm vụ công tác Hội của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam để xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động và tổ chức các phong trào hành động cách mạng của nông dân.
Sau khi có cơ chế đổi mới của Đảng và Nhà nước về khoán sản phẩm trong nông nghiệp; giao quyền sử dụng ruộng đất ổn định lâu dài cho hộ nông dân là đơn vị tự chủ về kinh tế. Hội Nông dân Thanh Hóa đã khởi xướng phong trào gia đình nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi nay đã trở thành phong trào thi đua cách mạng của nông dân cả nước. Để phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi ở Thanh Hóa phát triển nhanh cả về diện rộng và chiều sâu, hoạt động hiệu quả, bền vững, lâu dài và có tác động thiết thực trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, Hội Nông dân tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản phù hợp với từng giai đoạn, tạo hành lang pháp lý tổ chức cho các cấp Hội Nông dân chỉ đạo phong trào. Do vậy phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi đã làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức và tư duy; khơi dậy tiềm năng sáng tạo của nông dân trong phát triển kinh tế, văn hóa, xây dựng nông thôn mới. Làm xuất hiện một lực lượng nông dân mới năng động, nhạy bén, thích ứng và biết phát huy trong cơ chế mới. 591 hộ gia đình nông dân SXKD giỏi đã vượt lên thành lập công ty, trở thành doanh nghiệp lớn trong tỉnh, thu hút hàng trăm ngàn con, em nông dân vào làm và có thu nhập ổn định. Phong trào đang có tác dụng lôi cuốn gần 40 vạn hộ nông dân trong tỉnh đăng ký thi đua và có trên 20 vạn hộ đạt danh hiệu SXKD giỏi các cấp.
Nhiều năm gần đây, vai trò, vị trí của Hội Nông dân tỉnh đã từng bước được khẳng định, hoạt động công tác Hội luôn luôn được xây dựng và củng cố; nội dung, phương thức hoạt động hướng về cơ sở và thường xuyên được đổi mới. Nhận thức sâu sắc vai trò hết sức quan trọng của công tác tuyên truyền là “tuyên truyền phải đi trước một bước”, để từ nhận thức để đi đến hành động của cán bộ, hội viên nông dân trong hoạt động công tác Hội: trong những năm qua công tác tuyên truyền giáo dục cán bộ, hội viên nông dân được các cấp Hội tăng cường đẩy mạnh, nhiều hình thức tuyên truyền được Hội tổ chức như: sinh hoạt chi tổ Hội, câu lạc bộ, hội thi, hội thảo, biên tập và xuất bản “ Thông tin nông dân Thanh Hoá”... Trong 5 năm gần đây từ năm 2005 đến năm 2010, Hội đã tổ chức được 90.339 buổi tuyên truyền, thu hút 5.030.976 lượt cán bộ, hội viên nông dân học tập về các chủ trương, chính sách, pháp luật mới của Đảng, Nhà nước có liên quan đến nông dân, nông nghiệp, nông thôn; về kiến thức kinh tế thị trường, hội nhập, khoa học, công nghệ mới; về xây dựng đời sống văn hoá, thể dục thể thao, sức khoẻ; về ý thức cảnh giác đấu tranh phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo vệ môi trường nông thôn..., nhiều vấn đề bức xúc, nổi cộm của nông dân về các biểu hiện vi phạm Luật Đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng; các khoản thu theo đầu sào, đầu khẩu; môi trường nông thôn; quản lý nhà nước về giá và chất lượng các mặt hàng công nghiệp phục vụ nông nghiệp, về tiêu thụ nông sản phẩm thông qua hợp đồng của các doanh nghiệp với nông dân; về tình hình thiếu việc làm, tệ nạn xã hội xâm nhập cộng đồng… Để kịp thời tuyên truyền nhiều tấm gương người tốt, việc tốt, những cách làm hay, những kinh nghiệm quí cho nông dân học tập, Hội đã ký chương trình phối hợp với Báo Thanh Hoá, Đài Phát thanh truyền hình tỉnh mở chuyên mục nông dân trên báo và phát sóng trên truyền hình mỗi tháng 2 kỳ. Thông qua báo, đài Hội còn chủ động thông tin kịp thời các vấn đề nông dân quan tâm, tổ chức các diễn đàn trao đổi giữa nông dân với các nhà lãnh đạo, các cơ quan có liên quan cùng nhau tháo gỡ. Nhiều vấn đề Hội tập hợp thông tin, phản ánh, kiến nghị đã được Đảng, Chính quyền các cấp từng bước xem xét giải quyết. Công tác tuyên truyền giáo dục của Hội đã góp phần tích cực nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin cho cán bộ, hội viên nông dân về sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành của Nhà nước.
Nhiều hoạt động trong các phong trào thi đua của Hội phát động đã mang lại kết quả thiết thực cho cán bộ, hội viên nông dân. Hội đã chủ động phối hợp liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân để ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu chính đáng của nông dân, nông nghiệp, nông thôn. Liên kết với các doanh nghiệp phân bón đầu tư chậm trả 21.900 tấn phân bón các loại cho nông dân, đảm bảo chất lượng, với số tiền 41 tỷ 856 triệu đồng, theo một chu kỳ sản xuất, nông dân không phải chịu lãi suất; cung cấp thông tin dự tính, dự báo về thị trường các lọai hàng hóa, nông sản để giúp nông dân làm quen với việc sản xuất theo nhu cầu của thị trường; Hàng năm, các cấp hội đã phối hợp và trực tiếp mở 3.285 lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho 276.537 lượt người tham gia; tổ chức 584 cuộc hội thảo đầu bờ cho 3.622 lượt người tham gia; ký 25 Chương trình phối hợp với các sở, ban, ngành, các doanh nghiệp, các Trường dạy nghề trong và ngoài tỉnh, tham gia dạy nghề, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động; thành lập 19 Trung tâm hỗ trợ nông dân cấp huyện thu hút nhiều nhân tài vật lực trong xã hội để chăm lo tư vấn, hỗ trợ các nhu cầu thiết thân của nông dân; thành lập 42 nhóm nông dân phát triển theo ngành nghề trên địa bàn nông thôn. Đặc biệt là chương trình phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Hội đã thực hiện ủy thác và tín chấp cho nông dân vay vốn với tổng số vốn luân chuyển là 9.926 tỷ187 triệu đồng, cho 1.280.236 lượt hộ vay, chiếm gần 10% tổng dư nợ do Hội Nông dân cả nước uỷ thác và tín chấp vay vốn cho nông dân; chất lượng tín dụng đảm bảo, hạn chế đáng kể hiện tượng cho vay nặng lãi ở nông thôn. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, các cấp Hội đã khích lệ nông dân hăng hái tham gia đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường, trạm, nhà văn hoá, kiên cố hóa kênh mương nội đồng; các phương tiện nghe, nhìn, điện thoại được phổ cập; tích cực tham gia ủng hộ quỹ Vì người nghèo, quỹ Hỗ trợ nông dân... Từ năm 2005 đến nay, nông dân đã đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn với số tiền lên tới 5.421 tỷ 810 triệu đồng; 1.227.084 ngày công lao động; đào đắp, nạo vét, làm mới, tu bổ, nâng cấp 27.169 km đường giao thông nông thôn; bê tông hoá 27.838 km kênh mương; sửa chữa và làm mới gần 7.000 cầu, cống nhỏ; sửa chữa, nâng cấp 16.565 phòng học, trạm y tế; xây dựng 4.069 km đường điện; xây dựng được 45 tỷ 062 triệu đồng quỹ hỗ trợ nông dân; tích cực tham gia ủng hộ xóa nhà tranh tre dột nát cho hộ nghèo theo tinh thần chỉ thị 08 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các cấp Hội trực tiếp xây dựng được 465 nhà cho hộ nghèo với giá trị 4 tỷ 700 triệu đồng, nhiều đơn vị sau khi hoàn thành chỉ tiêu tỉnh Hội giao, đã vận động nông dân ủng hộ làm nhà cho hộ nghèo ở huyện khác như Nga Sơn, Đông Sơn, Yên Định, Bỉm Sơn... ủng hộ làm 4 nhà cho các hộ nghèo của huyện Mường Lát, Cẩm Thủy, Thạch Thành. Trong đó nhiều công trình có giá trị được phát động, xây dựng để lập thành tích chào mừng thành công Đại hội Đảng các cấp và ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam hàng năm. Trong lĩnh vực văn hoá - xã hội, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã có nhiều hoạt động thi đua thiết thực đạt được nhiều kết quả. Hàng năm Hội phát động nông dân đăng ký gia đình nông dân văn hoá, tham gia xây dựng làng, bản, xã văn hoá và thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Đặc biệt từ năm 2000 đến nay hoạt động trong lĩnh vực văn hoá - xã hội của Hội Nông dân Thanh Hoá đã chủ động phối hợp với các ngành, các cấp tổ chức nhiều hoạt động xã hội hoá mang tính giáo dục sâu sắc và thiết thực được các cấp uỷ Đảng, chính quyền ủng hộ quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, các ngành vào cuộc cùng với Hội, đồng thời được đông đảo quần chúng nhân dân các dân tộc tỉnh nhà hưởng ứng tích cực tham gia như: Cúp bóng chuyền bông lúa vàng, Hội thi kiến thức nhà nông, liên hoan tiếng hát đồng quê, Hội thi thôn nữ giỏi giang, duyên dáng lần thứ nhất năm 2005, Hội thi nông dân với an toàn giao thông, Hội thi nông dân với kiến thức bảo vệ môi trường..., qua các hội thi đã thu hút hàng triệu nông dân tham gia dự thi từ tỉnh đến cơ sở và để lại những ấn tượng sâu sắc trong quần chúng nhân dân các dân tộc tỉnh nhà. Phong trào nông dân tham gia đảm bảo quốc phòng an ninh đã làm cho cán bộ, hội viên, nông dân không ngừng nêu cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch đang ráo riết thực hiện, nhằm chống phá chế độ XHCN của nước ta. Tạo nên những nhân tố tích cực cực trong đấu tranh phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội; nhiều hộ gia đình SXKD giỏi không chỉ là những người làm kinh tế giỏi mà là nơi nương tựa cho những mảnh đời bất hạnh, sẵn sàng cưu mang, giúp đỡ những người lầm đường, lạc lối trở về với cộng đồng; là lực lượng nòng cốt thực hiện cuộc vận động “Toàn dân xây dựng cuộc sống mới ở cộng đồng dân cư” và phong trào “Xây dựng khu dân cư không có tội phạm và tệ nạn xã hội” khu dân cư an toàn về an ninh trật tự. Hội Nông dân tham gia thành viên của 5.973 tổ bảo vệ an ninh trật tự thôn bản, 35.293 tổ an ninh xã hội. Nhiều tổ chức Hội cơ sở đã có các phong trào “Ba tự quản”, “Dòng họ không có người phạm tội và vi phạm pháp luật”, “Xóm đạo bình yên”. Xây dựng lực lượng dân quân vững mạnh, sẵn sàng chiến đấu; động viên con em nông dân trong độ tuổi, đủ tiêu chuẩn lên đường bảo vệ Tổ quốc; thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội.
Trong hoạt động, các cấp Hội luôn coi trọng công tác tuyên truyền giáo dục chính trị tư tưởng; Tổ chức các phong trào thi đua yêu nước và phối hợp hoạt động tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, đồng thời xác định xây dựng đội ngũ cán bộ hội là nhiệm vụ then chốt. Do đó trong những năm gần đây, Đảng đoàn, Ban thường vụ Hội Nông dân tỉnh luôn chú trọng xây dựng kế hoạch đào tạo, bố trí cán bộ các Ban, TT của tỉnh Hội có phẩm chất và năng lực thực hiện tốt nhiệm vụ; Chỉ đạo Hội Nông dân huyện và cơ sở có kế hoạch tham mưu cho cấp ủy về công tác đào tạo, bố trí cán bộ có trình độ, năng lực, có tinh thần trách nhiệm, có uy tín với nông dân để làm cán bộ chủ chốt của Hội, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ của Hội trong tình hình hiện tại cũng như lâu dài...
Với những đóng góp to lớn của giai cấp nông dân và Hội Nông dân tỉnh nhà vào quá trình xây dựng tổ chức Hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh, góp phần tích cực vào thực hiện thắng lợi các mục tiêu KT - XH, quốc phòng an ninh của tỉnh. Từ năm 1999 đến năm 2006, tám năm liền Hội Nông dân Thanh Hoá được Chính phủ tặng cờ thi đua đơn vị dẫn đầu phong trào nông dân cả nước; năm 2007, 2008 được Trung ương Hội tặng cờ đơn vị xuất sắc toàn quốc; năm 2009 tiếp tục được Chính phủ tặng cờ thi đua đơn vị dẫn đầu phong trào nông dân cả nước. Năm 2000, 2003, 2008 Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Nhất, Huân chương độc lập hạng Ba, Huân chương độc lập hạng Nhì. Nhiều huyện Hội, Hội Nông dân xã và một số hội viên nông dân được thưởng Huân chương lao động hạng Ba, nhiều tập thể, cá nhân của Hội được tặng Bằng khen của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, UBND tỉnh và các bộ, ngành Trung ương.
3/ Các kỳ Đại hội của Hội Nông dân Thanh Hóa:
Trải qua những chặng đường lịch sử đấu tranh của dân tộc, nhất là trong suốt 80 năm qua kể từ khi có Đảng lãnh đạo, giai cấp nông dân và Hội Nông dân Thanh Hoá luôn giữ vững ý chí sắt đá, đấu tranh ngoan cường, lâu dài và gian khổ, đầy thử thách hy sinh vì mục tiêu giải phóng dân tộc và bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc; đã khắc phục nhiều khó khăn trở ngại, cần cù sáng tạo trong lao động sản xuất, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, góp phần quan trọng trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp toàn diện, xây dựng nông thôn mới theo hướng CNH – HĐH.
Từ ngày thành lập đến nay, Hội Nông dân Thanh Hoá đã trải qua 8 kỳ Đại hội với những bước phát triển không ngừng
* Đại hội đại biểu Hội liên hiệp Nông dân tập thể tỉnh lần thứ nhất
(tháng 6 năm 1947)
Đại hội diễn ra trong 2 ngày từ 16 – 17/6/1947 tại làng Mơn – xã Thọ Vực – huyện Thọ Xuân trước kia, nay là huyện Triệu Sơn. 107 đại biểu ưu tú đại diện cho nông dân các dân tộc trong tỉnh dự Đại hội. Đại hội lần thứ nhất đánh giá sự trưởng thành của giai cấp nông dân trong “Kháng chiến kiến quốc”; lao động sản xuất đặc biệt là mặt trận nông nghiệp. Đại hội đề ra phương hướng tiếp tục đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, chống giặc ngoại xâm, ủng hộ kháng chiến, xây dựng các tổ đổi công, hợp tác xã, thực hịên giảm tô, cải cách ruộng đất, động viên con em nông dân ra nhập ngũ đội quân chủ lực góp phần xây dựng lực lượng vũ trang toàn quốc.
* Đại hội đại biểu Hội Nông dân tập thể toàn tỉnh lần thứ II
(tháng 10 năm 1976)
Đại hội diễn ra trong 4 ngày, từ ngày 21 – 24 tháng 10 năm 1976 tại Hội trường lớn của tỉnh. Hơn 400 đại biểu ưu tú đại diện cho hơn 80 vạn nông dân xã viên các dân tộc trong tỉnh dự Đại hội. Đại hội lần thứ II nhằm đánh giá sự trưởng thành của giai cấp nông dân trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội; chỉ ra những thiếu sót, nhược điểm, khuyết điểm về mọi mặt của giai cấp nông dân và Hội Nông dân tập thể, của sản xuất nông nghiệp và phong trào hợp tác hoá; trên cơ sở đó, động viên, tổ chức nông dân lao động sản xuất hoàn thành mọi nhiệm vụ kinh tế – xã hội của tỉnh; xác định phương hướng nhiệm vụ của phong trào nông dân và tổ chức Hội Nông dân tập thể trong giai đoạn mới. Đại hội đã bầu Hội đồng nông dân tập thể tỉnh gồm 35 đồng chí, Ban Thường trực Hội đồng gồm 5 đồng chí. Đồng chí Trần Văn Dọc được bầu làm trưởng ban. Đại hội đã bầu 20 đại biểu đi dự Đại hội đại biểu Nông dân tập thể toàn quốc lần thứ nhất.
* Đại hội đại biểu Hội liên hiệp nông dân tập thể toàn tỉnh lần thứ III
(tháng 12 năm 1983)
Đại hội diễn ra tại Hội trường lớn của tỉnh trong 2 ngày 16 17 tháng 12 năm 1983. Có 318 đại biểu thay mặt cho 96 vạn hội viên nông dân tập thể trong tỉnh về dự. Đại hội lần thứ III đánh giá những thành tựu, kiểm điểm những thiếu sót, khuyết điểm, hạn chế của phong trào nông dân và hoạt động của tổ chức Hội liên hiệp nông dân tập thể các cấp. Đại hội phản ánh những nguyện vọng của giai cấp nông dân và kiến nghị với Đảng, Nhà nước, với Tỉnh uỷ và chính quyền tỉnh nhiều vấn đề lớn của phong trào nông dân và tổ chức Hội Nông dân. Đại hội đã đề nghị: Cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng ở các cấp đối với phong trào nông dân và Hội Nông dân; kiến nghị với Nhà nước sửa đổi và ban hành một số chính sách thích hợp đối với nông dân. Đại hội đã bầu Ban chấp hành Hội liên hiệp nông dân tập thể tỉnh (khoá III) gồm 39 đ/c, Ban Thường vụ tỉnh Hội gồm 9 đ/c. Đồng chí Trần Văn Dọc được bầu làm Chủ tịch Hội. Đến tháng 10/1984, đ/c Tạ Xuân Dục được bầu làm Chủ tịch .
* Đại hội đại biểu Hội liên hiệp nôngdân tập thể tỉnh lần thứ IV
(tháng 8 năm 1987)
Đại hội diễn ra tại Hội trường lớn của tỉnh trong 3 ngày (từ 29 – 31/8/1987). 376 đại biểu thay mặt cho 90,7 vạn hội viên và toàn thể giai cấp nông dân trong tỉnh về dự Đại hội. Đại hội IV đã đánh giá đúng mức những ưu điểm, khuyết điểm của phong trào nông dân và hoạt động của Hội liên hiệp nông dân tập thể các cấp sau một nhiệm kỳ. Đại hội khẳng định: Giai cấp nông dân tỉnh Thanh Hoá đã phát huy những truyền thống tốt đẹp, hăng hái thi đua lao động sản xuất, góp phần hoàn thành thắng lợi những nhiệm vụ kinh tế –xã hội của tỉnh. Tổ chức Hội liên hiệp nông dân tập thể các cấp đã có tinh thần sáng tạo, tìm ra những nội dung hoạt động thiết thực, có hiệu quả, nổi bật nhất là đã chỉ đạo thắng lợi phong trào thi đua “Gia đình nông dân tập thể sản xuất giỏi” và “Đơn vị tổ chức phong trào giỏi”. Phong trào “Gia đình nông dân tập thể sản xuất giỏi” cùng với các phong trào khác ở nông thôn đã tạo nên những thành quả to lớn về nhiều mặt và để lại nhiều bài học quý về lãnh đạo và vận động nông dân trong sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ tổ quốc XHCN. Đại hội đã bầu Ban chấp hành Hội (khoá IV) gồm 45 đ/c, Ban Thường vụ Tỉnh Hội gồm 9 đ/c. Đồng chí Lưu Đình Tiệp được bầu làm Chủ tịch Hội. Tháng 5/1989, đ/c Mai Thị Tiệng được bầu làm Chủ tịch .
* Đại hội đại biểu Hội Nông dân toàn tỉnh lần thứ V
(tháng 10/1992)
Đại hội diễn ra tại Hội trường lớn của tỉnh trong 3 ngày (20, 21, 22 tháng 10/1992). 235 đại biểu thay mặt cho 65 vạn hội viên nông dân trong tỉnh về dự. Đại hội khẳng định: Dưới ánh sáng các Nghị quyết của Đảng, trực tiếp là sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, cùng với sự nỗ lực về mọi mặt của đội ngũ cán bộ Hội các cấp, sự giúp đỡ của chính quyền và sự phối hợp đồng bộ giữa tổ chức Hội nông dân với các ngành, các cơ quan, đoàn thể, hoà nhập trong công cuộc đổi mới toàn diện của đất nước, nông dân các dân tộc trong tỉnh ta kế thừa và phát huy thành tích của nhiều năm trước, tiếp tục nêu cao truyền thống và bản chất cách mạng, lao động cần cù sáng tạo, phát huy ý chí tự lực tự cường, vượt qua khó khăn, thử thách, tiếp cận kịp thời cơ chế mới, đem tài năng, trí tuệ khai thác tiềm năng, phát triển sản xuất, góp phần đưa nền nông nghiệp tỉnh ta phát triển toàn diện. Đại hội đã bầu Ban chấp hành Hội khoá V gồm 39 đ/c, Ban Thường vụ tỉnh Hội gồm 11 đ/c. Đ/c Mai Thị Tiệng được bầu làm Chủ tịch. Đến tháng 1/1994 đ/c Nguyễn Thị Viết Trí được bầu làm Chủ tịch Hội Nông Dân tỉnh.
* Đại hội đại biểu Hội Nông dân toàn tỉnh lần thứ VI
(tháng 4/1998)
Đại hội diễn ra trong 2 ngày (14, 15 tháng 4/1998), tại Hội trường lớn của tỉnh (25B). 238 đại biểu chính thức thay mặt cho 43 vạn hội viên nông dân trong toàn tỉnh về dự. Đại hội VI biểu dương giai cấp nông dân trong tỉnh đã phát huy tinh thần tự lực, tự cường, lao động cần cù sáng tạo, chủ động vượt qua mọi khó khăn để phát triển sản xuất ổn định đời sống, tích cực tham gia xây dựng nông thôn, luôn luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, gắn bó với Đảng, với CNXH, với tổ chức Hội Nông dân Việt Nam, coi tổ chức Hội là đại biểu cho lợi ích và quyền làm chủ của mình, là chỗ dựa của chính quyền. Đại hội biểu dương đội ngũ cán bộ Hội đã tận tuỵ trong công tác Hội, kiên trì chỉ đạo thúc đẩy sự phát triển của phong trào nông dân và hoạt động của Hội, tham gia phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh và các hoạt động khác của tỉnh. Đại hội thống nhất hướng phấn đấu trong nhiệm kỳ 1998 – 2003 là: Đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nông dân, phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh, sức sáng tạo và phẩm chất tốt đẹp của nông dân Thanh Hoá, thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Thực hành cần kiệm để CNH – HĐH nông nghiệp, nông thôn; cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân, xây dựng người nông dân yêu nước, yêu CNXH, có sức khoẻ, có kiến thức, làm giàu chính đáng, giúp nhau xoá đói, giảm nghèo, xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, phát huy vai trò đại diện của nông dân tham gia quản lý Nhà nước, quản lý xã hội, tham gia xây dựng Đảng, Đại hội đã bầu Ban chấp hành Hội (khóa VI) gồm 43 đ/c, Ban Thường vụ tỉnh Hội gồm 13 đ/c. Đồng chí Đỗ Đức Nghiện được bầu làm Chủ tịch Hội Nông Dân tỉnh.
* Đại hội đại biểu Hội Nông dân toàn tỉnh lần thứ VII
(tháng 4/2003)
Đại hội diễn ra từ ngày 20 đến 22 tháng 4 năm 2003 tại hội trường lớn của tỉnh (25B). 252 đại biểu đại diện cho 35.924 hội viên nông dân các dân tộc trong tỉnh đã về dự Đại hội đông đủ.
Đại hội VII đánh giá: Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của BCH Tỉnh uỷ, sự chỉ đạo của TW Hội Nông dân Việt Nam, tạo điều kiện của các cấp chính quyền và sự phối hợp của các cấp, các ngành, đoàn thể, cùng với tinh thần năng động, sáng tạo, đổi mới phương thức hoạt động, các cấp Hội Nông dân tỉnh Thanh Hoá đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các mặt hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân; hầu hết các mục tiêu, nhiệm vụ do Đại hội VI đề ra được thực hiện; tổ chức Hội không ngừng được củng cố, chất lượng hội viên được nâng lên, đội ngũ cán bộ Hội được tăng cường cả về số lượng và chất lượng, công tác đào tạo cán bộ Hội đã đi vào nề nếp, việc giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần tự lực, tự cường, phát huy nội lực, khắc phục khó khăn, thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Thông qua các chương trình phối hợp, liên doanh, liên kết các cấp Hội từ tỉnh đến cơ sở đã tổ chức được nhiều hoạt động hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, về vốn, vật tư sản xuất, kiến thức pháp luật, kiến thức kinh tế thị trường theo định hướng XHCN cho hội viên, nông dân. Phong trào Hội tham gia phát triển kinh tế xã hội, xoá đói giảm nghèo đang là trung tâm nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Đại hội kêu gọi toàn thế cán bộ, hội viên nông dân trong tỉnh nêu cao tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, ý chí tự lực tự cường, phát huy thuận lợi, khắc phục khó khăn, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội đề ra góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng quê hương Thanh Hoá theo mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Đại hội đã bầu Ban chấp hành (khóa VII) gồm 47 đ/c, Ban Thường vụ tỉnh Hội gồm 15 đ/c. Đồng chí Đỗ Đức Nghiện được bầu lại làm Chủ tịch Hội Nông Dân tỉnh.
* Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2008- 2013), họp từ ngày 5/5/2008 đến ngày 7/5/2008 taị Thành phố Thanh Hoá, 333 đại biểu đại diện cho hơn 47 vạn cán bộ, hội viên trong toàn tỉnh đã về dự Đại hội taị Khu Hội nghị 25 B Thành phố Thanh Hóa.
Nhiệm kỳ qua dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, sự phối hợp tạo điều kiện của các cấp chính quyền, các ngành, Mặt trận, đoàn thể, cùng với tinh thần năng động, sáng tạo, đổi mới phương thức hoạt động, công tác hội và phong trào nông dân đã đạt nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các mặt hoạt động; Hầu hết các mục tiêu, nhiệm vụ do đại hội VII đề ra đã được thực hiện; Tổ chức hội không ngừng được củng cố, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đã đi vào nề nếp, đội ngũ cán bộ từng bước được chuẩn hoá. Việc giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần tự lực, tự cường, phát huy nội lực, khắc phục khó khăn, thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được tăng cường. Thông qua các chương trình phối hợp, liên doanh, liên kết các cấp Hội từ tỉnh đến cơ sở đã tổ chức được nhiều hoạt động hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, về vốn, vật tư sản xuất, kiến thức pháp luật, kiến thức kinh tế thị trường, về hội nhập kinh tế quốc tế cho hội viên, nông dân. Phong trào hành động cách mạng của Hội tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói, giảm nghèo đang là trung tâm và nòng cốt cho các phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Đại hội đã bàn bạc kỹ, cân nhắc, lựa chọn bầu được 51 đồng chí vào BCH tỉnh Hội khoá VIII, gồm những đồng chí có đủ tiêu chuẩn, phẩm chất và năng lực, thể hiện tính liên tục, kế thừa và đổi mới. Đại hội tin tưởng vào mỗi đồng chí uỷ viên BCH khoá VIII, xứng đáng với trọng trách mà Đại hội giao phó và bầu được đoàn Đại biểu 29 đồng chí, tiêu biểu cho công tác Hội và phong trào nông dân của tỉnh nhà, đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ V. Đồng chí Hoàng Văn Lưu được bầu lại làm Chủ tịch Hội Nông Dân tỉnh.
* Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ IX (nhiệm kỳ 2013- 2018), tiến hành từ ngày 16/4/2013 đến ngày 18/4/2013 tại Khu Hội nghị 25 B Thành phố Thanh Hóa, 252 đại biểu thay mặt cho hơn 55 vạn cán bộ, hội viên nông dân các dân tộc trong tỉnh đã về dự Hội nghị.
Đại hội đã thống nhất cao 12 mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu đó là:
1 - 95% trở lên hội viên nông dân được tuyên truyền kịp thời các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, chương trình công tác của hội và những vấn đề có liên quan nông dân, nông nghiệp, nông thôn;
2 - 100% cán bộ hội từ cơ sở trở lên được tập huấn nghiệp vụ; mỗi năm kết nạp thêm 01 vạn hội viên trở lên, đến năm 2018 hơn 95% số hộ nông dân có hội viên;
3 - 100% cơ sở hội tổ chức được hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân;
4 - 90% trở lên tổ chức cơ sở hội, 100% huyện, thị, thành hội hoạt động khá, vững mạnh, không có cơ sở hội yếu kém; tỉnh Hội giữ vững đơn vị xuất sắc;
5 - Mỗi năm có 75% trở lên hộ nông dân đăng ký, trong đó 50% trở lên hộ đạt danh hiệu gia đình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp;
6 - Tham gia giảm hộ nghèo hàng năm từ 3% trở lên;
7 - Đến 2018 có trên 80% số hộ nông dân đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa;
8 - Trong nhiệm kỳ xây dựng thêm 15 tỷ đồng Quỹ hỗ trợ nông dân;
9 - Xây dựng quỹ hội đạt bình quân 100.000đ trở lên/ hội viên;
10 - 100% cơ sở hội, 50% trở lên chi hội có Báo Hội;
11 - 95% hội viên nông dân được tập huấn về KHKT, tư vấn việc làm, kiến thức thị trường, trợ giúp pháp lý, vốn...v.v.
12 - Trực tiếp và tham gia dạy nghề cho 30-35% lao động nông thôn.
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành khóa IX gồm 55 đồng chí và bầu đoàn Đại biểu Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa gồm 31 đồng chí đại diện cho trí tuệ, nguyện vọng của cán bộ, hội viên nông dân và Hội Nông dân Thanh Hóa đi dự Đại hội toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VI. Đồng chí Hoàng Văn Lưu tiếp tục được tái cử làm Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa.
* Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ X (nhiệm kỳ 2018- 2023), tiến hành từ ngày 26 đến ngày 28/9/2018 tại Nhà hát ca múa kịch Lam Sơn, Thành phố Thanh Hóa. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của giai cấp nông dân trong tỉnh. Với tinh thần "Dân chủ- Đoàn kết- Đổi mới- Hội nhập- Phát triển", Đại hội có nhiệm vụ tổng kết việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ công tác hội và phong trào nông dân nhiệm kỳ 2013-2018; đề ra nhiệm vụ, mục tiêu nhiệm kỳ 2018-2023.
Nhiệm kỳ 2013-2018, hoạt động công tác hội và phong trào nông dân trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực. Ba chương trình trọng tâm về tham gia xây dựng Nông thôn mới (NTM), nâng cao chất lượng hoạt động tổ chức HND cơ sở, hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân được thực hiện hiệu quả. 11/12 chỉ tiêu Đại hội IX đề ra vượt kế hoạch trong đó nhiều chỉ tiêu vượt trên 200%. Một số chỉ tiêu dẫn đầu phong trào thi đua cả nước như chỉ tiêu về kết nạp hội viên, nhiệm kỳ qua đã phát triển thêm 71.956 hội viên, nâng tổng số hội viên toàn tỉnh lên 535.629 người. Ngoài ra, các chỉ tiêu về cung ứng phân bón cho nông dân theo hình thức chậm trả; tín chấp và ủy thác với 2 ngân hàng CSXH, NN&PTNT vay vốn cho nông dân… cũng vượt mục tiêu đề ra.
Đặc biệt, với sự tham gia tích cực của các cấp cơ sở hội và hội viên trong các phong trào thi đua đã góp phần tạo nên chuyển biến mạnh mẽ diện mạo nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng, mỗi năm thu hút hơn 40 vạn hộ nông dân đăng kí thi đua. Qua bình xét, năm 2017 có 235.217 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi 4 cấp. Trong phong trào nông dân thi đua xây dựng NTM, đô thị văn minh, 5 năm qua các cấp hội đã xây dựng 630 mô hình, dự án về hỗ trợ phát triển sản xuất, đạt hiệu quả kinh tế cao. Nhiều cán bộ, hội viên tích cực hiến đất, góp ngày công để tu sửa, làm mới đường giao thông nông thôn, kênh mương, trường học, công trình điện… Từ kết quả đạt được, nhiệm kỳ qua nhiều tập thể, cá nhân đã được Đảng, Nhà nước, chính quyền và Hội Nông dân các cấp khen thưởng. Năm 2017 có 100% cơ sở hội đạt khá, vững mạnh.
Đại hội đã tiến hành bầu Ban Chấp hành HND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ (2018-2023) gồm 52 đồng chí. Đồng chí Trần Bình Quân - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Triệu Sơn được bầu giữ chức Chủ tịch HND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2018-2023./.