Để góp phần xây dựng Thanh Hóa sớm trở thành trọng điểm du lịch của cả nước, mục tiêu mà tỉnh đặt ra trong giai đoạn mới là phấn đấu đến năm 2020, du lịch Thanh Hóa cơ bản khắc phục được tính mùa vụ.
Điểm mặt nguyên nhân tạo ra tính mùa vụ
Có thể nói, một trong những nguyên nhân dẫn đến tính mùa vụ của du lịch Thanh Hóa là yếu tố thời tiết. Bởi hiện nay du lịch biển vẫn là sản phẩm du lịch chủ đạo của xứ Thanh. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác.
Vừa qua, tại phiên họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 11, bà Vương Thị Hải Yến - Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL đã thẳng thắn nêu rõ, hiện nay du lịch Thanh Hóa còn rất nhiều tồn tại, hạn chế dẫn đến hiệu quả hoạt động du lịch còn thấp, tính mùa vụ vẫn chưa thể khắc phục. Trước hết phải kể đến hệ thống sản phẩm du lịch của Thanh Hóa còn thiếu tính hấp dẫn, đơn điệu, hầu hết chỉ mới tập trung khai thác sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển. Chậm khai thác các sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh - vốn được xem là lợi thế của xứ Thanh; du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, mua sắm còn ít. Bên cạnh đó, công tác quản lý quy hoạch chưa mang lại hiệu quả cao, tiến độ triển khai các dự án về du lịch sau quy hoạch còn chậm; chất lượng một số quy hoạch còn hạn chế về tính dự báo nhu cầu và xu hướng thị trường. Bên cạnh đó, công tác đầu tư cho phát triển du lịch chưa đáp ứng nhu cầu, hệ thống giao thông tiếp cận một số khu, điểm du lịch còn nhiều khó khăn, đặc biệt ở khu vực miền núi; giao thông đường thủy, đường biển phục vụ du lịch chưa phát triển. Mặt khác, công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch chưa được tổ chức thực hiện một cách chuyên nghiệp, bài bản; chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa các ngành, địa phương với doanh nghiệp cũng như liên kết giữa các doanh nghiệp trong vấn đề tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến…
Quần thể du lịch sinh thái nghỉ dưỡng FLC Sầm Sơn đang góp phần phá vỡ
tính chất mùa vụ của du lịch Thanh Hóa (ảnh từ internet).
Cùng với các vấn đề được nêu ra, vấn đề chất lượng nguồn nhân lực cũng như môi trường du lịch còn nhiều hạn chế, cũng là một trong những nguyên nhân tác động đến yếu tố mùa vụ. Ngoài ra, xuất phát điểm nền kinh tế thấp, nhận thức chưa đầy đủ của xã hội về trách nhiệm trong việc phát triển du lịch bền vững cũng như vị trí, vai trò của du lịch đối với sự nghiệp phát triển KT - XH của địa phương… cũng là những nguyên nhân dẫn đến thực trạng, lượng khách hàng năm tăng cao, song tỷ trọng khách du lịch quốc tế, ngày lưu trú bình quân và mức chi tiêu bình quân của khách còn thấp. Do đó, yếu tố mùa vụ của du lịch Thanh Hóa là hoàn toàn dễ hiểu.
Để “giấc mơ” du lịch bốn mùa thành hiện thực
Thực tế cho thấy, với tiềm năng du lịch tương đối đa dạng và phong phú cả về tài nguyên tự nhiên và nhân văn như Thanh Hóa, việc biến giấc mơ du lịch bốn mùa trở thành hiện thực, vấn đề chỉ còn là thời gian. Hiện nay, những tháng đầu năm (tháng 1 - 4) xứ Thanh thu hút đông đảo du khách ở loại hình du lịch văn hóa, lễ hội, tâm linh; đến khoảng giữa năm (tháng 5 - 8) là thời điểm “nóng” của du lịch nghỉ dưỡng, tắm biển, du lịch sinh thái; bắt đầu từ tháng 9 trở đi du lịch công vụ, hội nghị, hội thảo trở thành loại hình du lịch chiếm ưu thế.
Để vươn lên trở thành một trong những trọng điểm du lịch quốc gia, cơ bản khắc phục tính mùa vụ trong hoạt động du lịch, tập trung đầu tư phát triển du lịch được xem là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó tập trung vào các giải pháp là đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, phát triển sản phẩm và cải thiện môi trường du lịch.
Đối với cơ sở hạ tầng du lịch, tỉnh sẽ tập trung đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng du lịch tại các khu, điểm du lịch trọng điểm. Cùng với đó, ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển sản phẩm du lịch mới tại khu du lịch thác Ma Hao, khu du lịch Pù Luông, tuyến du lịch sông Mã, du lịch làng nghề. Từ nay đến năm 2020, cùng với việc phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng - tắm biển, tỉnh sẽ tập trung nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm du lịch có thế mạnh, đặc trưng như: du lịch văn hóa - tâm linh; du lịch sinh thái, cộng đồng, làng nghề; du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, khen thưởng và triển lãm; du lịch mua sắm - công vụ; du lịch đường sông. Đồng thời hình thành và phát triển khu, tuyến, điểm du lịch trọng điểm. Theo đó, tỉnh sẽ lập hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận đô thị, khu, điểm du lịch quốc gia cho Sầm Sơn, Thành Nhà Hồ, Lam Kinh, suối cá Cẩm Lương, Hàm Rồng. Hỗ trợ lập hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận tuyến du lịch quốc gia như: Tuyến Thanh Hóa - Ninh Bình - Hà Nam - Hà Tây - Hà Nội (dọc theo Quốc lộ 1A), Thanh Hóa - Hòa Bình - các tỉnh Tây Bắc (dọc theo đường Hồ Chí Minh)…
Với quyết tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm cải thiện yếu tố mùa vụ của các cấp, ngành, chính quyền địa phương, bước đầu đã mang lại những hiệu quả tích cực. Trong đó, mùa thu năm 2015 - thời điểm mà du lịch miền Bắc và miền Trung bắt đầu rơi vào tình trạng “ngủ đông”, thì Thanh Hóa đã đón được một lượng lớn khách du lịch trong nước và quốc tế. Hy vọng, phát huy những kết quả đã đạt được, du lịch xứ Thanh sẽ sớm đạt được mục tiêu đã đề ra.