|
Tới ngày 14/2 (mồng 7 Tết), giá mỗi cân rau cần tại chợ dân sinh Hà Nội lên tới khoảng 70 nghìn đồng; dưa chuột 45 nghìn đồng/kg… |
Bất ngờ là tại các thành phố lớn như Hà Nội, rau tại các siêu thị lại không có nhiều biến động từ trước Tết đến nay.
Theo ghi nhận tại nhiều tỉnh phía Bắc, hầu hết các chợ quê những ngày giáp Tết và các phiên chợ đầu năm, người dân nháo nhác tìm mua rau.
Giá su hào dịp Tết nhiều năm chỉ 2.000 – 3.000 đ/kg thì năm nay lên lên đỉnh điểm tới 30 nghìn đồng/kg (khoảng 3 củ/kg); giá mỗi kilogam cải bắp có năm chỉ 1.500 – 2.000 đ/kg, dân không buồn thu hoạch bỗng chốc năm nay lên tới 20 – 25 nghìn đồng/kg. Các loại rau ăn lá khác như cải cúc, hành, tỏi, xà lách… đều tăng giá hàng chục lần.
Chát chúa giá rau
Tới hôm qua (7/1 âm lịch), có một nghịch lí là trong khi giá rau tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh rau sạch tại Hà Nội không có nhiều biến động suốt từ trước Tết Bính Thân đến nay thì tại các chợ cóc, chợ quê, giá rau xanh các loại vẫn trong tình trạng tăng theo cấp số nhân.
Cụ thể, tại hệ thống siêu thị Vinmart trên địa bàn Hà Nội, giá các loại rau, củ, quả vẫn giữ nguyên so với ngày thường: rau xà lách được niêm yết giá là 20.000 đồng/kg; su hào 16.000 đồng/kg, súp lơ 28.300 đồng/kg, cải thảo 20.000 đồng/kg; cải bắp 12.000 đồng/kg. Tại các siêu thị khác như BigC, Fivimart, giá các mặt hàng rau, củ, quả cũng tăng không đáng kể so với ngày thường (từ 15 – 20%).
Tuy nhiên, tại một chợ dân sinh tại phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy, Hà Nội), các loại rau, củ, quả được thương lái “hét giá” cao ngất ngưởng.
Cụ thể, rau cần 15.000 đồng/mớ (trọng lượng 300 gram); cải bắp 20.000 đồng/kg, xà lách 50.000 đồng/kg, su hào 13.000 đồng/củ (loại 300 gram), cải thảo 25.000 đồng/kg…
Khi PV ngạc nhiên hỏi: “Tại sao giá rau siêu thị lại rẻ hơn nhiều lần so với rau bán tại chợ, trong khi đó các siêu thị phải mất thêm nhiều chi phí bảo quản thực phẩm như máy lạnh, đóng gói?”.
Một tiểu thương buôn rau tại khu chợ giải thích: Ở siêu thị, người ta ký kết hợp đồng thu mua sản phẩm với các vùng nguyên liệu từ trước, nên giá không có nhiều biến động. Còn chúng tôi mua ở chợ đầu mối, giá lên xuống từng ngày. Nhập đắt thì bán đắt là điều đương nhiên.
PV tiếp tục di chuyển về chợ Đồng Xa, quận Bắc Từ Liêm để khảo sát thị trường.
Tại đây, nhiều mặt hàng rau, củ, quả còn được bán với giá “chát chúa” hơn. Ví dụ, 1 mớ rau mồng tơi (trọng lượng khoảng 250 gam) có giá 15.000 đồng, 1 mớ rau cần (trọng lượng khoảng 300 gam) giá 20.000 đồng, rau muống 15.000 đồng/mớ, dưa chuột 45.000 đồng/kg.
Bà Phương, một người buôn rau tại chợ cho biết, đợt rét đậm, rét hại vừa rồi kéo dài, rau phát triển kém, thậm chí nhiều vùng rau còn bị thiệt hại nặng. Vì thế nguồn cung rau, đặc biệt là rau cần, rau muống và rau mồng tơi rất khan hiếm.
Sẽ nhanh chóng “hạ sốt”?
Về nguyên nhân cơn sốt giá rau dịp Tết năm nay, ông Nguyễn Tiến Hưng, GĐ Cty TNHH Thực phẩm sạch BigGreen, một đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh mặt hàng rau tại thị trường Hà Nội phân tích: Rau vụ đông ở miền Bắc mọi năm rất dồi dào nên dịp Tết giá thường rất rẻ, tuy nhiên riêng dịp Tết năm nay lại đột ngột sốt giá. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do đợt rét đậm, rét hại lịch sử kéo dài ngay trước thềm dịp Tết Nguyên đán khiến hầu hết các vùng rau lớn ở miền Bắc bị thiệt hại nặng nề, riêng các vùng rau lớn ở miền núi phía Bắc, nhất là Sapa (Lào Cai), Mộc Châu (Sơn La)… bị băng tuyết làm hỏng hoàn toàn.
Tại vựa rau vụ đông vùng ĐBSH, ngay sau đợt rét đậm rét hại, tiếp tục xẩy ra hiện tượng sương muối khiến các loại rau ăn lá sắp thu hoạch bị chết rũ, một số loại rau có nguồn gốc ôn đới như súp lơ, cải bắp, cà rốt, khoai tây mặc dù không bị chết nhưng bị ngừng sinh trưởng. Điều này khiến nguồn cung rau bị thiếu hụt nghiêm trọng.
“Điển hình như cà chua, do nhiệt độ thường xuyên dưới 10 độ C nên quả không chín, lại gặp sương muối nên thiệt hại nặng. Vì vậy phần lớn cà chua phục vụ dịp Tết đều phải chuyển từ Đà Lạt ra” – ông Hưng cho biết.
Cũng theo ông Hưng, thị trường rau dịp Tết năm nay khá đặc biệt. Cơn sốt rau chỉ khốc liệt ở các vùng ngoại tỉnh, riêng Hà Nội rau hầu như vẫn không tăng giá so với ngày thường, nhất là tại các hệ thống tiêu thụ ổn định như siêu thị, các Cty phân phối rau lớn…
Vì vậy khác với mọi năm rau ngoại tỉnh chuyển lên Hà Nội, năm nay rau Hà Nội lại chuyển ngược về quê. Lí do của tình trạng này là do đặc thù canh tác, bởi nhiều vùng rau lớn của Hà Nội áp dụng các biện pháp canh tác hiện đại hơn nên rau ít bị thiệt hại vì rét.
Tại vùng rau Mê Linh của Hà Nội, do được che phủ bằng màng ni lông nên dịp rét trước Tết rau vẫn không bị thiệt hại gì, trong khi rau các tỉnh không được che phủ hầu hết bị thiệt hại nặng. Vì vậy từ trước Tết đến nay, lượng rau tại Hà Nội vẫn rất dồi dồi dào, các hệ thống bán lẻ gần như giữ nguyên giá, chỉ trừ cà chua tăng giá nhẹ do phải chuyển từ Đà Lạt ra.
“Mặc dù rau sốt giá dịp Tết nhưng theo kinh nghiệm của tôi, thời gian tới giá rau sẽ nhanh chóng hạ nhiệt do thời tiết đã lập Xuân, từ mồng Một Tết đến nay đã ấm trở lại, các loại rau ăn lá, kể cả ăn củ ngắn ngày đang phát triển rất nhanh” – ông Hưng nhận định thêm.