Cổng thông tin điện tử

Hội Nông dân tỉnh thanh hóa

Giá nguyên liệu tăng cao, doanh nghiệp và nông dân gặp khó

Đăng ngày 30 - 06 - 2021
100%

Từ Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 trở lại đây, giá phân bón, nguyên liệu sản xuất phân bón tăng khá cao, có thời điểm lên tới 50 - 70% so với cùng kỳ và chưa có dấu hiệu giảm. Điều này đang gây khó khăn đối với các doanh nghiệp sản xuất phân bón cũng như tâm lý hoang mang cho nông dân, nhất là thời điểm hiện nay khi nông dân đang chuẩn bị bước vào sản xuất vụ thu mùa. Hiện nay, để “hạ nhiệt” giá phân bón, các doanh nghiệp đang nỗ lực tối ưu hóa sản xuất trong nước, tìm thêm nguồn cung. Trong bối cảnh này, bản thân người nông dân cũng cần là người tiêu dùng thông thái trong việc bón phân tiết kiệm, hợp lý hơn.

Sản xuất phân bón tại Nhà máy dinh dưỡng cây trồng Tiến Nông Bỉm Sơn (Khu Công nghiệp Bỉm Sơn).

Khảo sát tại một số cửa hàng vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, hiện tại, giá nhiều loại phân bón như urê, DAP, kali... tiếp tục tăng mạnh so với cách đây 1 tháng và đang ở mức cao kỷ lục trong nhiều năm. So với cùng kỳ năm trước, hiện giá các loại phân bón urê và DAP đang cao hơn ít nhất từ 30%. Còn giá nhiều loại phân bón NPK và kali đang cao hơn ít nhất từ 10% so với cùng kỳ.

Giá phân bón tăng cao đang khiến các HTX, hộ dân gặp khó khăn trong sản xuất nông nghiệp. Điển hình như tại HTX dịch vụ nông nghiệp Quảng Phú (Thọ Xuân), năm 2021, HTX có kế hoạch nhập 700 tấn phân bón trả chậm, cung ứng cho người dân chăm sóc 160 ha mía, 150 ha lúa, 300 ha dứa và 20 ha cây ăn quả có múi. Ông Vũ Văn Vĩnh, giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Quảng Phú, cho biết: Hiện đơn vị chủ yếu nhập các loại phân bón tổng hợp được sản xuất trong tỉnh. Giá phân bón đã tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2020, khiến không ít hộ dân có diện tích sản xuất lớn đang hết sức lo lắng.

Nhận định của các doanh nghiệp sản xuất phân bón cho thấy, không chỉ tăng giá, nguyên liệu sản xuất phân bón hiện cũng rất khan hiếm do nguồn cung nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc vào Việt Nam bị hạn chế. Đặc biệt là tại Trung Quốc, thị trường nhập khẩu nguyên liệu sản xuất phân bón lớn nhất vào Việt Nam, ngành phân bón của nước này mùa đông năm 2020 gặp khó khăn khi rơi vào tình trạng thiếu khí đốt và nguồn cung điện bị hạn chế, ảnh hưởng đến sản lượng mặt hàng urê. Hơn nữa, bước vào những tháng đầu năm 2021, một số nhà máy sản xuất phân bón công suất lớn của Trung Quốc cũng bị đóng cửa do dịch bệnh COVID-19 tái bùng phát, khiến sản lượng cung ứng ngày càng hạn chế. Chi phí vận tải hàng hóa qua container cũng như đường bộ cũng tăng cao do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng giá thành sản xuất phân bón của các doanh nghiệp trong nước và trong tỉnh.

Ông Lê Hùng Mạnh, Giám đốc Công ty TNHH Liên doanh phân bón Hữu Nghị, Khu Công nghiệp Đình Hương - Tây Bắc Ga, cho biết: Thực tế, giá nguyên liệu sản xuất phân bón bắt đầu tăng từ những tháng đầu năm 2020 do sự gia tăng chi phí vận tải đường bộ trong nước. Tuy nhiên, từ đầu năm 2021 đến nay, các doanh nghiệp sản xuất phân bón đã chứng kiến đà tăng phi mã của nguyên liệu, với mức tăng tới 60 - 70%, thậm chí 100% và luôn trong tình trạng khan hiếm. Để khắc phục tình hình khó khăn hiện tại, công ty đang chủ động đa dạng hóa nguồn cung; đồng thời, chỉ điều chỉnh giá bán tăng nhẹ khoảng 10% để giữ ổn định thị trường, không gây tâm lý hoang mang cho các đại lý và nông dân.

Theo số liệu từ Sở Công Thương, những tháng đầu năm 2021, sản xuất phân bón bị giảm sản lượng so với cùng kỳ và những tháng trước đó. Điển hình như trong tháng 5, sản xuất phân bón chỉ đạt 6.500 tấn, bằng 75,4% so với cùng kỳ và 71,5% so với tháng trước. Lũy kế 5 tháng đầu năm, các doanh nghiệp sản xuất được hơn 39.000 tấn phân bón, bằng 93,5% so với cùng kỳ.

Trong bối cảnh giá phân bón tăng và thiếu cục bộ, hiện nay, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như Hiệp hội Phân bón Việt Nam đã có những khuyến nghị đến các doanh nghiệp sản xuất phân bón. Cụ thể, khuyến cáo doanh nghiệp phát huy hết công suất, giảm chi phí để tăng năng lực sản xuất và tránh hiện tượng tồn kho, tránh đầu cơ; đồng thời, tăng cường liên kết để thúc đẩy năng lực sản xuất lên. Riêng với doanh nghiệp về thương mại, các cơ quan này cũng khuyến cáo cần tăng cường nguồn cung mới và liên kết doanh nghiệp sản xuất trong nước để tìm nguyên liệu sản xuất thay thế.

Năm 2021, dự kiến nhu cầu phân bón sử dụng tại Thanh Hóa sẽ từ 400.000 đến 450.000 tấn các loại. Hiện nay, đang là thời điểm bà con nông dân tập trung sản xuất thu mùa, do vậy nhu cầu sử dụng phân bón rất bức thiết. Để đáp ứng nhu cầu của bà con nông dân, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phân bón trong tỉnh đã nỗ lực triển khai các giải pháp nhằm bảo đảm nguồn nguyên liệu đầu vào về số lượng và chất lượng, đồng thời thực hành tiết kiệm trong quy trình sản xuất để giá thành sản phẩm tăng ít nhất. Đến nay, cả 30 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phân bón trên địa bàn tỉnh mới tăng nhẹ giá bán, trong khi giá các loại phân bón nhập ngoài tỉnh hiện đã tăng giá khá cao.

Cũng theo các nhà sản xuất, nếu giá nguyên liệu đầu vào trong thời gian tới không giảm, thì các doanh nghiệp sản xuất phân bón phải điều chỉnh tăng giá để giữ ổn định sản xuất và việc làm cho người lao động. Cùng với đó, các đơn vị sản xuất, kinh doanh cũng kiến nghị với cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt chẽ thị trường phân bón; đồng thời, khuyến cáo bà con nông dân sử dụng phân bón hiệu quả, tiết kiệm và cảnh giác, đề phòng tình trạng phân bón kém chất lượng, hoặc giả mạo nhãn mác trà trộn trên thị trường.

<

Tin mới nhất

Hậu Lộc khai thác tiềm năng vùng triều nuôi ngao theo hướng hiệu quả, bền vững(23/05/2024 2:47 CH)

Phát triển HTX nông nghiệp hữu cơ(23/05/2024 2:39 CH)

Để không còn nông nghiệp “giải cứu”, nông nghiệp “từ thiện”...(02/07/2021 7:49 SA)

Giá nguyên liệu tăng cao, doanh nghiệp và nông dân gặp khó(30/06/2021 11:05 SA)

Giá cao su thế giới giảm mạnh trong đầu tháng 4 do dịch COVID-19 bùng phát(14/04/2021 3:12 CH)

Xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn(14/04/2021 2:57 CH)

Bộ Nông nghiệp lên tiếng về vụ cà phê trộn lõi pin(19/04/2018 8:59 SA)

Nghịch lý chua chát giá heo: Bộ Công Thương họp khẩn, chỉ đạo "giải cứu"(28/04/2017 2:54 CH)