Cổng thông tin điện tử

Hội Nông dân tỉnh thanh hóa

Nuôi tôm VietGAP một nông dân ở Nam Định thu lãi 700 triệu đồng/năm

Đăng ngày 30 - 06 - 2021
100%

Với quy mô 11 ao nuôi rộng hơn 2ha, mỗi năm gia đình ông Nguyễn Văn Tiệm (xã Hải Lý, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) cung ứng ra thị trường hơn 17 tấn tôm thẻ chân trắng và tôm sú VietGAP, thu nhập trên 500 triệu đồng. Điều quan trọng là với mô hình nuôi tôm này, ông không phải lo về khâu tiêu thụ...

Vượt lên từ thất bại

Phóng viên được biết đến mô hình nuôi tôm sạch của gia đình ông Tiệm qua lời giới thiệu của một vị cán bộ xã Hải Lý. Theo vị cán bộ, đây là một trong những mô hình nuôi tôm thương phẩm theo quy trình VietGAP đầy triển vọng ở xã xứ đạo.

Tiếp chúng tôi, ông Tiệm cho hay: Ông sinh ra và lớn lên ở vùng quê ven biển, nên ngay từ nhỏ đã biết đến nhiều mô hình chăn nuôi thủy sản. Năm 1999, qua lời giới thiệu của bạn bè, ông biết về mô hình nuôi tôm sú. Mặc dù, chưa có kinh nghiệm chăn nuôi về loài thủy sản này nhưng ông vẫn quyết thử nuôi xem sao...

Nuôi tôm VietGAP - yên tâm đầu ra - Ảnh 1.
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
  •  
  •  
  •  
  •  

Ông Tiệm kiểm tra hoạt động tại trang trại tôm của gia đình ở xã Hải Lý. Mai Chiến

Nhận thấy, mô hình nuôi tôm sú rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây, ông Tiệm tính hướng mở rộng diện tích sản xuất. Cứ mỗi năm, ông Tiệm mở rộng diện tích một lần. Nhờ vậy, đến nay gia đình ông đã sở hữu trang trại nuôi tôm sạch rộng hơn 2ha với quy mô 11 ao nuôi. Trong đó, ao lớn nhất rộng 2.000m2; ao nhỏ nhất rộng 900m2. Toàn bộ hệ thống ao nuôi được liên kết với nhau và kiên cố hóa.

Ngồi trầm tư một lúc, ông Tiệm tâm sự, để có được thành công như ngày hôm nay, gia đình ông phải trải qua muôn vàn khó khăn, nhiều năm liền sống trong cảnh nợ nần. Đó là vào khoảng năm 2012, do kinh nghiệm chăn nuôi tôm sú chưa có nhiều, hệ thống ao nuôi, hệ thống xử lý nước thải chưa được đồng bộ nên 4 ao tôm dịch bệnh tấn công, ước tính thiệt hại hơn 1,5 tỷ đồng.

"Cuộc đời tôi chưa bao giờ bị cú sốc lớn như vậy. Chỉ sau một đêm, chúng tôi bỗng chốc trắng tay lâm cảnh nợ nần đầm đìa" - ông Tiệm nhớ lại.

Nuôi tôm VietGAP - yên tâm đầu ra - Ảnh 2.

Sau cú vấp đó, nhiều người nghĩ ông Tiệm sẽ bỏ cuộc... Nhưng nhờ sự động viên, khích lệ của vợ con, ông lại đứng lên làm lại từ đầu. Rút kinh nghiệm từ thất bại, lần này ông Tiệm vay mượn thêm nhiều tiền đầu tư mua sắm, lắp đặt hệ thống xử lý nước thải bài bản và khoa học hơn. Bên cạnh đó, ông cũng chọn mua giống tôm chất lượng cao tại doanh nghiệp ở tỉnh.

Với phương châm "Ngon tại giống, sạch tại tâm", những năm qua ông Tiệm đã tập trung đầu tư công nghệ, chuyển đổi hình thức chăn nuôi; áp dụng phương thức sản xuất theo quy trình VietGAP với mong muốn cung cấp ra thị trường sản phẩm an toàn nhất, sạch nhất, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.

Nuôi tôm sạch, không lo đầu ra

Dẫn chúng tôi đi tham quan trang trại, ông Tiệm khoe: Gia đình tôi chăn nuôi tôm theo hướng an toàn đã nhiều năm nay; do đó hạn chế được dịch bệnh, tôm lớn nhanh và cho năng suất cao. Trang trại đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP.

Nhờ chăn nuôi tôm sạch nên sản phẩm của trang trại ông Tiệm luôn được các đầu mối trong và ngoài tỉnh thu mua với giá cao. "Hơn 5 năm nay, trang trại nuôi tôm của tôi liên tục thắng lớn và có thu nhập cao" - ông Tiệm nói.

Hiện nay, với quy mô 11 ao nuôi, gia đình ông Tiệm chủ yếu nuôi tôm thẻ chân trắng và tôm sú. Ông Tiệm nhẩm tính, trung bình mỗi năm gia đình ông cung ứng ra thị trường hơn 17 tấn tôm các loại. Với giá bán 180.000 đồng/kg tôm thẻ chân trắng (loại 40 con/kg) và 300.000 đồng/kg tôm sú (loại 30 con/kg), mỗi năm trang trại thu lãi từ 500 - 700 triệu đồng.

Hỏi về kỹ thuật nuôi tôm sạch, ông Tiệm không ngần ngại chia sẻ: Con tôm hay bị một số bệnh như gan, tụy. Tuy nhiên, đây là 2 bệnh dễ xử lý nên cũng không đáng lo ngại, chỉ cần sử dụng chế phẩm sinh học để khống chế bệnh. Song, chủ chăn nuôi không được phép chủ quan, hàng ngày nên ghi chép "nhật ký ao nuôi", việc này giúp kiểm soát được các yếu tố đầu vào như nguồn nước, thức ăn, con giống… nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế dịch bệnh.

Cũng theo ông Tiệm, trong quá trình nuôi, bà con phải theo dõi sát sao sự sinh trưởng của con tôm, thực hiện đúng chế độ ăn, giờ ăn. Ngày cho tôm ăn 3 bữa đều đặn, sáng - trưa - chiều tối. Đặc biệt, sau mỗi vụ thu hoạch, người nuôi cần xả thải nước cũ; vệ sinh lại ao nuôi. Cho ao nghỉ khoảng nửa tháng thì bắt đầu nuôi vụ mới. Trước khi nuôi, nguồn nước phải được lắng đọng, xử lý bằng chế phẩm sinh học, giúp kích thích tăng trưởng nguồn thức ăn tự nhiên của tôm trong môi trường nuôi như tảo, phù du, sinh vật nhỏ…

Nói về mô hình nuôi tôm của gia đình ông Tiệm, ông Nguyễn Minh Định - Chủ tịch UBND xã Hải Lý cho hay: Mô hình nuôi tôm VietGAP của ông Tiệm đã và đang đạt hiệu quả kinh tế rất cao. Xã Hải Lý đang nghiên cứu, tổ chức cho các hộ nuôi tôm tham quan, học tập phương pháp nuôi tôm này nhằm nhân rộng mô hình, góp phần phát triển bền vững nghề nuôi tôm tại địa phương. 

<

Tin mới nhất

Nông dân Thanh Hóa đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững(31/08/2024 11:23 SA)

Nông dân Thanh Hóa thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi gắn với xây dựng nông thôn mới(28/07/2024 10:27 SA)

Nông dân làm giàu từ nuôi nhuyễn thể(16/07/2024 10:55 SA)

Nông dân Vĩnh Lộc thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi(09/07/2024 3:05 CH)

Tạo sức bật để nông dân vượt khó(09/07/2024 3:03 CH)

Vườn bậc thang trên đất sỏi(23/05/2024 1:48 CH)

Lan tỏa phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi ở Ngọc Lặc(23/05/2024 7:53 SA)

Phát huy vai trò của nông dân trong xây dựng nông thôn mới(19/03/2024 8:32 SA)