Cổng thông tin điện tử

Hội Nông dân tỉnh thanh hóa

Tháo gỡ khó khăn trong áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp

Đăng ngày 19 - 10 - 2024
100%

Áp dụng khoa học - kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất nông nghiệp trong thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn và sự chủ động, tích cực của người dân. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, vấn đề này vẫn còn nhiều hạn chế cần tháo gỡ.

Hội Nông dân huyện Hà Trung trao giấy chứng nhận VietGap cho hội viên nông dân.

Với diện tích trồng cây ăn quả hơn 1.300ha, huyện Như Xuân đã chú trọng chọn tạo, chuyển giao kịp thời nhiều giống cây ăn quả mới, có năng suất, chất lượng cao, rải vụ thu hoạch vào canh tác. Đồng thời, tổ chức tập huấn cho người dân phương pháp ghép cải tạo cây ăn quả, bọc quả để hạn chế sâu bệnh, chăm sóc cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP... Huyện cũng khuyến khích người dân đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm nhỏ giọt, nhất là đối với những diện tích sản xuất lớn... Tuy nhiên, diện tích sản xuất cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn huyện chưa nhiều.

Ông Trần Xuân Nhạc, người dân xã Hóa Quỳ cho biết: “Tuy đã tìm hiểu những hiệu quả mang lại khi trồng cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP nhưng đối với diện tích sản xuất của gia đình, tôi vẫn chưa áp dụng bởi cần phải có vốn đầu tư lớn đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, hệ thống xử lý nước tưới... Bên cạnh đó, đối với các loại bưởi và cam, thời gian thu hoạch để mang lại hiệu quả kinh tế khá dài, không có vốn xoay vòng để đầu tư phát triển sản xuất”.

Về vấn đề này, ông Vũ Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh đánh giá: Bên cạnh diện tích sản xuất cây ăn quả còn nhỏ lẻ, manh mún thì các chi phí đầu tư sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP gặp nhiều khó khăn do nhận thức của người tiêu dùng còn hạn chế. Tại địa phương, nguồn nhân lực phục vụ cho việc tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt theo tiêu chuẩn VietGAP vẫn còn hạn chế cả về số lượng lẫn chất lượng; người dân ở khu vực miền núi chưa có nhiều điều kiện để nghiên cứu, tham gia các lớp tập huấn kiến thức, kỹ thuật trồng trọt...

Đối với chăn nuôi, nhiều chủ trang trại đã chủ động đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố, tự động hóa, quy trình chăn nuôi khép kín, con giống được lai tạo, tuyển chọn chất lượng, sử dụng máy móc hiện đại... Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc đầu tư vào chăn nuôi lại không mang lại hiệu quả như kỳ vọng do thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi còn không ổn định, khả năng cạnh tranh và hiệu quả kinh tế chưa tương xứng với mức độ đầu tư. Anh Trịnh Đình Đồng, chủ trang trại chăn nuôi gà quy mô lớn tại thị trấn Quý Lộc (Yên Định) cho biết: “Chi phí đầu tư, vận hành máy móc cao, trong khi giá bán của các sản phẩm chăn nuôi không ổn định; nhất là chưa có sự phân định rõ ràng về giá trị giữa sản phẩm chăn nuôi sản xuất theo phương thức truyền thống với sản xuất áp dụng công nghệ cao nên không thể bán giá cao. Bên cạnh những trang trại quy mô lớn thì hầu hết là chăn nuôi nông hộ nên người chăn nuôi còn e dè khi áp dụng KHKT. Hiện nay, tôi đã phải tạm dừng hoạt động một số máy móc để tiết kiệm chi phí sản xuất”.

Tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 20% trở lên trong cơ cấu ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay, tỷ lệ áp dụng KHKT giữa khu vực đồng bằng và miền núi còn chênh lệch khá lớn do tập quán canh tác còn hạn chế; điều kiện thời tiết, khí hậu diễn biến phức tạp, sâu bệnh phát sinh nhiều... Hầu hết các mô hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đều có quy mô nhỏ lẻ, trình độ sản xuất nông nghiệp của người dân không đều, thiếu cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại nên việc ứng dụng KHKT chưa như kỳ vọng. Để đạt được mục tiêu trên, các sở, ngành liên quan cùng các địa phương đang tiếp tục đẩy mạnh khảo nghiệm, thử nghiệm các giống mới trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, quan tâm đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ khuyến nông để chuyển giao cũng như đồng hành cùng người dân trong quá trình ứng dụng KHKT vào sản xuất nông nghiệp.

<

Tin mới nhất

Tháo gỡ khó khăn trong áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp(19/10/2024 6:57 CH)

Thanh Hóa: Trên 500 cán bộ, hội viên nông dân được tập huấn cài đặt App nền tảng số Nông dân Việt...(31/08/2024 12:06 CH)

Huyện Đông Sơn triển khai cài đặt App "Nền tảng số Nông dân Việt Nam" tới cán bộ, hội viên(31/08/2024 11:47 SA)

Tăng cường kiểm soát dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho đàn gia súc, gia cầm(23/05/2024 2:44 CH)

Chủ động phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng vụ xuân(23/05/2024 2:30 CH)

Phương pháp canh tác lúa thân thiện môi trường và kỹ thuật canh tác lúa cải tiến SRI(06/09/2022 9:57 SA)

Chủ động phòng, trừ bệnh đạo ôn hại lúa đông xuân(09/03/2022 10:55 SA)

Khẩn trương chỉ đạo, tổ chức tiêm phòng gia súc, gia cầm đợt 1 năm 2022(18/02/2022 10:19 SA)