Cổng thông tin điện tử

Hội Nông dân tỉnh thanh hóa

Hiệu quả kép nhờ canh tác trong nhà màng, nhà lưới

Đăng ngày 23 - 11 - 2024
100%

Được đánh giá là hình thức canh tác có vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao, canh tác trong nhà màng, nhà lưới không chỉ hạn chế sâu bệnh trên cây trồng, giúp người dân chủ động nguồn nước tưới hiệu quả mà còn sản xuất ra các sản phẩm nông nghiệp sạch, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Từ năm 2016, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Ngọc Lặc đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ... không chỉ mang lại thu nhập mà còn hình thành tư duy sản xuất mới gắn với nhu cầu, thị hiếu của thị trường. Tại những vùng sản xuất tập trung, người dân đã ứng dụng nhiều kỹ thuật mới vào sản xuất, như: Áp dụng nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới tiết kiệm, nhỏ giọt và sử dụng phân bón hữu cơ... Anh Nguyễn Văn Phương, Thị trấn đã có nhiều năm trồng hoa trong nhà lưới, cho biết: “Việc đầu tư xây dựng nhà lưới có vốn đầu tư cao nhưng thuận lợi cho người trồng trong việc chăm sóc cây trồng, không để côn trùng xâm nhập, giảm tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hoa phát triển đồng đều, đạt chất lượng về màu sắc, tỷ lệ hoa đẹp chiếm đến 90%... Mô hình này cũng có thể chủ động xây dựng lịch thời vụ trồng với nhiều loại hoa khác nhau, đáp ứng nhu cầu thị trường theo từng thời điểm, nhất là dịp lễ, tết bán được giá cao”. Để nâng cao năng suất, chất lượng hoa, anh Phương còn đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tự động, các quy trình chăm sóc được thiết lập tự động nên tỷ lệ về phân bón, chất dinh dưỡng, kỹ thuật hãm hoặc thúc hoa đều được thực hiện đồng loạt như nhau. Từ đó, có thể tiết kiệm chi phí thuê nhân công bởi mọi công đoạn chăm sóc gần như được thực hiện tự động, người lao động chỉ cần vận hành hệ thống và thực hiện giám sát. Đáng chú ý, do được đầu tư hệ thống nhà lưới và các thiết bị chăm sóc hiện đại, nên bên cạnh các loại hoa truyền thống như cúc, hồng... anh Phương đã đưa vào trồng thử nghiệm một số loại hoa khó chăm sóc, như: lay ơn, cát tường, ly...

Bên cạnh trồng hoa, để đáp ứng nhu cầu sử dụng nông sản sạch của người tiêu dùng, mô hình trồng rau, củ, quả an toàn trong nhà màng, nhà lưới được nhân rộng ở nhiều địa phương trong tỉnh đã khẳng định nhiều ưu điểm so với canh tác truyền thống. Đơn cử như huyện Thọ Xuân, hiện có hơn 55ha hoa, rau, củ, quả an toàn được sản xuất trong nhà màng, nhà lưới, tập trung chủ yếu ở các xã Thọ Lâm, Xuân Phú, Xuân Hòa, Thọ Hải, Xuân Trường... Với kinh nghiệm nhiều năm sản xuất dưa kim hoàng hậu trong nhà màng, chị Lê Thị Tuyết, thôn Tỉnh Thôn 2, xã Xuân Hòa cho biết: “Nhờ hệ thống màng, lưới bao quanh nên có thể cản trở được côn trùng xâm nhập phá hoại cây trồng, điều chỉnh được cường độ ánh nắng cũng giúp cho cây trồng hạn chế tối đa sâu bệnh. Bên cạnh đó, trong nhà lưới tôi dễ dàng lắp đặt hệ thống tưới phun tự động, giảm được đáng kể công lao động. Mọi kỹ thuật trồng đều được tôi thực hiện nghiêm ngặt, ruộng dưa được phủ bạt và được theo dõi chặt chẽ về độ ẩm, nhiệt độ và dinh dưỡng; mỗi cây sẽ chỉ giữ duy nhất một quả để tập trung chất dinh dưỡng”.

Sau nhiều lứa dưa được xuất bán, chị Tuyết nhận thấy, canh tác trong nhà màng không chỉ chủ động trong quá trình sản xuất, dễ dàng áp dụng khoa học - kỹ thuật, giảm chi phí nhân công, hiệu quả kinh tế vượt trội từ 2,5 đến 3 lần trở lên so với sản xuất nông nghiệp thông thường mà còn cung cấp cho thị trường sản phẩm an toàn, chất lượng cao.

Hiện nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được gần 250ha rau, củ, quả và khoảng 300ha trồng hoa trong nhà màng, nhà lưới để sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có khoảng 6.000m2 ứng dụng công nghệ thủy canh tại các huyện Đông Sơn, Nông Cống, Hậu Lộc, Thọ Xuân... để sản xuất rau, củ, quả an toàn; nhất là các hộ đã đưa các loại rau ăn lá vào sản xuất, như rau muống, rau chân vịt, cải xoăn Kale... trồng được nhiều vụ hoặc trái vụ. Do lợi nhuận có thể cao gấp 2,5 đến 3 lần so với sản xuất nông nghiệp thông thường nên các địa phương có điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng phù hợp vẫn đang tiếp tục khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Cùng với đó, hỗ trợ tập huấn kiến thức, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc hoa, rau, củ, quả trong nhà màng, nhà lưới, ứng dụng các phương pháp tưới tiết kiệm... đảm bảo diện tích sản xuất đạt năng suất, hiệu quả kinh tế cao, đáp ứng các điều kiện an toàn thực phẩm.

<

Tin mới nhất

Hiệu quả kép nhờ canh tác trong nhà màng, nhà lưới(23/11/2024 3:53 CH)

Thực hành rút kinh nghiệm về xử lý rác thải thân thiện với môi trường.(23/11/2024 7:56 SA)

Chia sẻ kinh nghiệm xử lý rác thải thân thiện với môi trường(02/11/2024 9:18 SA)

Mướt xanh những cánh rừng ngập mặn(19/10/2024 8:03 CH)

“Thay áo mới” cho nông thôn mới(19/10/2024 7:56 CH)

Hội Nông dân huyện Cẩm Thủy đồng hành cùng nông dân phát triển kinh tế(21/09/2024 11:07 SA)

Thanh Hóa: 240 cán bộ, hội viên nông dân được tập huấn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng...(31/08/2024 12:09 CH)

Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa tập huấn Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới(31/08/2024 11:56 SA)