Những năm gần đây, nắm bắt được nhu cầu thị trường trong việc tìm kiếm, tiêu thụ các sản phẩm từ vật nuôi, con đặc sản, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa đã đầu tư phát triển mô hình nuôi con đặc sản nhằm phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Đặc biệt nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch, giàu dinh dưỡng trên thị trường ngày càng tăng cao. Trong đó, dúi được xem là đặc sản của vùng núi, chất lượng thịt thơm ngon, nhiều giá trị dinh dưỡng... Thức ăn cho loại vật nuôi này cũng đa dạng, phổ biến ở địa phương. Nhận thấy tiềm năng hiệu quả kinh tế đó, anh Lê Đình Sỹ, thôn Đồng Hơn, xã Xuân Khang đã mạnh dạn đầu tư, xây dựng chuồng trại, phát triển mô hình nuôi dúi. Mô hình gây ấn tượng bởi quy mô số lượng, sự đầu tư về mặt chuồng trại.
Qua trao đổi, anh Sỹ cho biết: Năm 2021, anh bắt tay vào đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi hơn 100 triệu đồng. Thời gian chăm sóc và nuôi dưỡng, đàn dúi sinh sản và khỏe mạnh, không có bệnh dịch, gia đình anh tiếp tục xây dựng thêm nhiều chuồng nuôi.
Với kinh nghiệm nuôi dúi, sự am hiểu về đặc tín của loại vật nuôi này, anh Sỹ đã thành công và số lượng đàn đang dần tăng lên. Hiện anh Sỹ đang tiếp tục mở rộng quy mô và nhân đàn dúi sinh sản lên 300 con để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trên thị trường. Đến thời điểm hiện tại đàn dúi của anh Sỹ đang có đầu ra tốt khi nhiều nhà hàng ở trong và ngoài tỉnh thường xuyên đặt dúi thương phẩm với giá bán bình quân 3 triệu đồng 1 cặp 2kg, dúi giống 10 triệu đồng/cặp. Ước tính mô hình mỗi năm cho gia đình anh Sỹ thu nhập hàng trăm triệu đồng. Với người nuôi dúi như anh Sỹ, để có được kết quả này không chỉ là sự thành công về mặt kỹ thuật chăm sóc mà còn là kết quả từ sự tận tuỵ của một người nhiệt huyết và mạnh dạn trong cách nghĩ cách làm. Mô hình của anh cũng đã được người dân trong xã, huyện đến học tập phát triển kinh tế gia đình, tăng thêm thu nhập.
Việc biết tận dụng tán cây ở khu vực rừng sản xuất, gia đình ông Nguyễn Văn Bảo, khu phố Xuân Lai, thị trấn Bến Sung là một trong những địa chỉ cung cấp lợn cỏ, dê đồi, gà đồi uy tín ở Như Thanh. Với lợi thế đất rộng, nguồn thức ăn dồi dào, hiện tại gia đình ông Bảo đang nuôi gần 70 con lợn cỏ, trên 30 con dê và trên 200 con gà đồi mỗi năm; trừ chi phí thu nhập mỗi năm trên 200 triệu đồng. Mô hình của gia đình ông Nguyễn Văn Bảo có thể xem là mô hình con nuôi đặc sản có thu nhập hiệu quả trên địa bàn huyện. Hiện nay, trên địa bàn huyện Như Thanh có nhiều mô hình nuôi con đặc sản hiệu quả kinh tế cao, được người dân đầu tư nhân rộng, như: Mô hình nuôi Nhím, Dúi, Hươu xã Phú Nhuận, Xuân Thái, Thanh Kỳ; mô hình nuôi dê xã Thanh Tân, Xuân Khang, Thanh Kỳ; chăn nuôi lợn rừng ở Thanh Tân, Mậu Lâm…
Để có đươc những mô hình nổi trội như vậy “Hội đã tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân xây dựng và phát triển các loại hình kinh tế hợp tác phù hợp với từng địa bàn, từng ngành nghề và trình độ phát triển ở từng địa phương. Phối hợp với chính quyền, doanh nghiệp, các ngân hàng, nhà phân phối hướng dẫn, hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình kinh tế gia trại, trang trại, phát triển nông nghiệp bền vững, ông Nguyễn Huy Hoàng - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Như Thanh chia sẻ.
Trong 3 năm qua, Hội Nông dân đã phối hợp, vận động, hướng dẫn xây dựng thành lập được 4 hợp tác xã; 10 tổ hợp tác, 4 doanh nghiệp; tổ chức 135 lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho 12.016 lượt hội viên nông dân; Phối hợp với các Ngân hàng ủy thác và tín chấp cho các hộ nông dân vay vốn phát triển kinh tế; nguồn vốn ngày càng tăng và sử dụng vốn ngày càng hiệu quả.
Từ đó, số hộ nghèo và tỷ lệ hộ nghèo trong hội viên hằng năm giảm, tỷ lệ hộ hội viên nghèo giảm từ 7,45% đầu năm 2020 xuống còn 3,7% cuối năm 2023. Cùng với việc giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt; thu nhập bình quân đầu người năm sau cao hơn năm trước, từ 36 triệu đồng (năm 2020) lên 47,45 triệu đồng (năm 2023). Ngoài ra, các cấp Hội còn tham gia rà soát, phân loại hộ nghèo, vận động các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi giúp đỡ các hộ vươn lên thoát nghèo, đến nay đã thoát nghèo được 945 hộ, điển hình là mô hình câu lạc bộ nông dân giúp nhau giảm nghèo ở Hội Nông dân xã Yên Lạc.
Để nhân rộng và phát triển mô hình, Hội Nông dân huyện Như Thanh thường xuyên tổ chức tuyên truyền, định hướng cho người dân phát triển con nuôi phù hợp với điều kiện, không chạy theo phong trào, tự phát. Đồng thời, hướng dẫn các hộ cần thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố, bảo đảm vệ sinh môi trường. Mặt khác, khuyến khích người chăn nuôi chủ động liên kết với các đơn vị để được chuyển giao kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm; tìm hiểu kiến thức về chăn nuôi, tìm đơn vị cung ứng nguồn giống đảm bảo chất lượng.