hực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025, Hội Nông dân (HND) huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa đã cụ thể hóa các chương trình, dự án hướng đến nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số.
Nhiều dự án được xây dựng và triển khai
Xác định mục tiêu quan trọng bậc nhất của chương trình là giảm nghèo bền vững và nâng cao thu nhập, điều kiện, đời sống cho người dân, các cấp HND trên địa bàn huyện đã chủ động chỉ đạo triển khai các hoạt động hiệu quả. Trước hết, Hội xác định là thay đổi tư duy, nhận thức trong cách làm, cách triển khai, phải tự vươn lên bằng chính nội lực, tập trung vào những lĩnh vực là thế mạnh của địa phương nhằm giảmm tỷ lệ hộ nghèo; hướng dẫn, hỗ trợ nông dân các dân tộc thiểu số các mô hình phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Các cơ sở Hội đã phối hợp với chính quyền xây dựng các dự án và thành lập các tổ hợp tác cộng đồng thực hiện các dự án phát triển sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Hiện nay, toàn huyện có 19 xã, thị trấn tham gia chương trình và giao cho HND huyện Bá Thước tập trung chỉ đạo thực hiện 47 dự án, 1.855 hộ tham gia với tổng số tiền trên 19 tỷ đồng. Điển hình như: HND xã Thiết Ống 7 dự án với 154 hộ tham gia; xã Thành Lâm 4 dự án với 205 hộ tham gia; xã Lương Trung 4 dự án với 157 hộ tham gia. Trong đó có 23 dự án Chăn nuôi trâu, bò cái sinh sản; 02 dự án chăn nuôi dê; 01 dự án trồng măng Bum; 04 dự án nuôi vịt Cổ Lũng; 01 dự án trồng quýt hoi; 03 dự án trồng mận Tam Hoa; 03 dự án nuôi cá lồng bè, và các dự án trồng cây ăn quả, trồng cây dổi lấy hạt….
Từ đầu năm 2024 đến nay, các cơ sở Hội đã thành lập và thực hiện tổng số 10 dự án gồm: Dự án bò sinh sản: 02 dự án, Nuôi cá dốc: 01 dự án, Chăn nuôi lợn cỏ: 01 dự án, Cây ăn quả: 06 dự án. Từ những dự án này, đã góp phần hỗ trợ bà con nông dân từng bước ổn định sản xuất, cải thiện thu nhập và phát triển kinh tế gia đình.
Niềm vui lộ rõ trên khuôn mặt, bà Bùi Thị Thủy, thôn Trung Tâm, xã Ái Thượng, cho biết: “Cuộc sống gia đình tôi trước đây rất khó khăn, chủ yếu trông chờ vào mấy sào ruộng. Nhờ HND quan tâm, hỗ trợ từ Dự án 3 con lợn lòi, tổng giá trị 9 triệu đồng, nên gia đình có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế. Trong quá trình nuôi, gia đình nhận được sự hướng dẫn tận tình về kinh nghiệm, kỹ thuật nên đàn lợn phát triển tốt. Có được cuộc sống ổn định như hôm nay, tôi cảm thấy vui mừng và cảm ơn sự quan tâm, hỗ trợ của HND”.
Cũng trên địa bàn xã Ái Thượng, gia đình ông Trương Văn Nhiên, thôn Côn, được hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu Quốc gia, ông đã đầu tư 3 lồng nuôi cá, mỗi lồng 80 kg giống cá trắm cỏ. Nhờ được HND huyện giúp đỡ và học hỏi kinh nghiệm nuôi từ các hội viên trong Tổ hội nông dân nghề nghiệp nuôi cá lồng về kỹ thuật chọn cá giống, mật độ thả cá, quy trình chăm sóc, thường xuyên làm vệ sinh lồng nuôi để bảo đảm nước lưu thông tốt, cung cấp đủ oxy cho cá và cách phòng trừ dịch bệnh… Theo tính toán, sản lượng cá nuôi lồng của gia đình ông Nhiên mỗi năm đạt gần 3 tạ.
Được sự hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, HND xã Thiết Ống đã xây dựng 7 dự án như: Chăn nuôi trâu, bò cái sinh sản; Chăn nuôi dê; Trồng măng Bum... Các Dự án hiện nay đang phát huy hiệu quả, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, mở ra hướng thoát nghèo cho hàng trăm hộ dân trên địa bàn. Điển hình như mô hình Trồng măng Bum, một giống cây đặc hữu của núi rừng, măng Bum là loài cây bản địa dễ chăm sóc, cây này có thể mọc trên những vùng núi đá, đồi dốc cằn cỗi, dự án có 28 hộ tham gia, mỗi hộ trồng từ 3-5 sào, giá dao động từ 30.000 đến 40.000 đồng/kg, HND xã đã hướng dẫn các hộ áp dụng khoa học - kỹ thuật để măng mập và năng suất hơn.
Tiếp tục hỗ trợ nông dân phát huy tốt các dự án
Để Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025 triển khai hiệu quả, các cấp HND trên địa bàn huyện đã chủ động liên kết với các Công ty, doanh nghiệp cung ứng giống, phân bón, vật tư nông nghiệp cho nông dân.
Đồng thời, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử Potmast để giới thiệu và tiêu thụ (sản phẩm Vịt Cổ Lũng, Nếp Hạt Cau, Trà Quýt hoi); Thành lập vận động Qũy HTND cấp huyện với kinh phí huy động đến thời điểm hiện tại là 348 triệu đồng đồng; đã có 35 lượt hộ gia đình hội viên, nông dân vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương.
Cùng với đó, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để nông dân được vay vốn đầu tư cho phát triển SXKD với tổng dư nợ trên 800 tỷ đồng cho 8.459 lượt hộ vay. Thông qua nguồn vốn Hội đã động viên khuyến khích nông dân phát triển sản xuất theo mô hình gia trại, sản xuất kinh doanh tổng hợp, sử dụng lao động hợp lý đạt hiệu quả cao.
Tiếp đến, HND các cấp cũng đã xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế có hiệu quả và vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp và xây dựng, phát triển các mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp. Năm 2023 đã phối hợp hướng dẫn, vận động thành lập 01 chi hội nghề nghiệp, 07 tổ hội nghề nghiệp, 02 hợp tác xã. Tổ chức tập huấn, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao cho 9.825 lượt hội viên tham gia; giúp đỡ trên 2.000 lao động có việc làm tại chỗ; cung ứng 356 tấn phân bón trả chậm, 9 tấn giống các loại.
Nói về cách thức triển khai thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện trong thời gian qua, ông Phạm Văn Thẩm, Chủ tịch HND huyện Bá Thước cho biết: “Bám sát chủ trương, kế hoạch của cấp trên; công tác tổ chức, triển khai thực hiện Chương trình luôn được HND các cấp trên địa bàn huyện đảm bảo tính dân chủ, công khai, minh bạch, xác định rõ mục tiêu, đích đến Chương trình hỗ trợ; từ đó lựa chọn các nội dung hỗ trợ phù hợp với nguyện vọng của người dân theo nguyên tắc “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng” trong quản lý và sử dụng nguồn lực gắn với thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, chú trọng quan tâm, hỗ trợ nâng cao chất lượng cuộc sống tại các vùng còn nhiều khó khăn, vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao”
Nhờ những giải pháp thiết thực đã và đang được thực hiện, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn huyện Bá Thước đã từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nông dân, góp phần hoàn thành các mục tiêu về phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn huyện.