Cổng thông tin điện tử

Hội Nông dân tỉnh thanh hóa

Ông nông dân Thanh Hóa này làm ra gần nửa tỷ/năm từ cây đặc sản "tiến vua"

Đăng ngày 01 - 04 - 2025
100%

Đến xã Xuân Bái, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa hỏi ông Thơ thì ai cũng biết bởi ông trồng bưởi đỏ-bưởi đặc sản, thứ quả ngon "tiến vua". Ông nổi tiếng là người có vườn bưởi đỏ Luận Văn "tiến vua" đẹp nhất vùng. Nhờ vườn bưởi rộng 1ha, kết hợp cùng nuôi ong gia đình ông Thơ có nguồn thu gần nửa tỷ đồng/năm.

Dẫn chúng tôi đi thăm mô hình trồng bưởi Luận Văn kết hợp với nuôi ong, ông Đỗ Văn Thơ ở xã Xuân Bái, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa cho biết, hiện vườn bưởi tiến vua Luận Văn của gia đình ông có diện tích 1 ha.

 

Sau nhiều năm chọn cây trồng phù hợp, ông Đỗ Văn Thơ ở xã Xuân Bái, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa đã chọn mô hình trồng bưởi đỏ tiến vua để phát triển kinh tế.

Theo ông Thơ, gia đình ông đến với cây bưởi tiến vua này cũng là một cơ duyên đặt biệt. Trước đây gia đình ông ở làng Luận Văn, xã Thọ Xương, huyện Thọ Xuân nên có loại bưởi đỏ tiến vua nức tiếng từ trước đến nay. Khi đến xã Xuân Bái lập nghiệp khoảng năm 2002 ông có lấy giống 2 cây bưởi của bố ông mang theo để trồng, từ 2 cây bưởi đỏ đến nay gia đình ông đã nhân giống lên 1ha bưởi như hiện nay.

Ông Đỗ Văn Thơ nhớ lại: Lúc đầu mới bước chân về vùng đất mới lập nghiệp, gia đình tôi cũng gặp nhiều khó khăn trong việc chọn mô hình để phát triển kinh tế lúc bấy giờ vì đất đai cằn cỗi, quanh đi quẩn lại hết trồng mía, rồi chuyển sang trồng sắn…

Sau nhiều năm kinh tế của gia đình ông Thơ vẫn không khá lên được là bao, khi nhìn thấy 2 cây bưởi theo ông từ những ngày lập nghiệp lại phát triển xanh tốt ông đã nảy ra ý định phát triển cây bưởi đỏ tiến vua. Đến nay, ông Thơ sở hữu hơn 500 gốc bưởi đỏ, mỗi vụ cho thu hoạch khoảng 7.000 quả.

Theo ông Thơ quả bưởi Luận Văn khi nhỏ cũng có màu xanh, nhưng đến lúc chín, thì chuyển dần sang màu đỏ gấc. Vỏ quả, cùi quả, vỏ múi và hạt tép đều có màu đỏ rất đẹp mắt. Múi bưởi đỏ hồng, mọng nước, ngọt, hương thơm đặc trưng.

 

Hiện vườn bưởi đặc sản, bưởi tiến vua-bưởi đỏ Luận Văn của ông Thơ rộng hơn 1ha ở xã Xuân Bái, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

 

Ngoài giá trị thuần túy là loại của ngon vật lạ mới được dùng để tiến vua, thì bưởi đỏ Luận Văn còn khiến người dân thích sử dụng để thờ cúng trong dịp Tết âm lịch.

Vì lẽ, quả bưởi đỏ Luận Văn có màu đỏ được cho là sẽ đem lại may mắn, thịnh vượng. 

Vào dịp Tết nguyên đán bưởi đỏ tiến vua Luận Văn có giá thành đang dao động khoảng từ 100 nghìn đến 120 nghìn đồng/quả. Những quả đẹp có giá bán lên đến 300.000 - 500.000 đồng/cặp.

Nói về bí quyết cho vườn bưởi ra hoa, trái đều và xanh tốt ông Đỗ Văn Thơ thổ lộ: "Bây giờ ong, bướm ngoài tự nhiên còn hạn chế nên gia đình tôi đã đầu tư nuôi thêm ong, vừa giúp cây thụ phấn đều, vừa có nguồn thu từ mật ong mang lại.

 

Ngoài trồng bưởi, gia đình ông Thơ còn nuôi hơn 100 đàn ong mật.

 

Theo ông Thơ, để cây bưởi vụ sau có trái sai và đều quả thì sau khi cuối năm thu hoạch xong, gia đình ông lại tổ chức cắt tỉa cành và bón phân hữu cơ đã được ủ hoai mục từ phân trâu, bò, gà và tưới nước đều đặn để cây phục hồi ổn định, kịp thời thúc ra hoa vào tháng giêng.

"Vì bưởi đỏ tiến vua thường kéo dài đến cuối năm âm lịch mới thu hoạch, vì vậy việc chăm sóc cây bưởi phải thật tốt vào thời điểm đầu năm.

Còn dịp tháng 5-7 là mùa mưa, người trồng bưởi phải chú ý khơi thông vườn cây, không để rễ cây bị úng nước. 

Khi bưởi đậu trái rồi thì chăm sóc dễ, chỉ có phòng bệnh và bón đầy đủ phân vi sinh, kali là được", ông Thơ nói.

Về phân bón, ông Thơ cho biết, hiện gia đình ông dùng phân bón hữu cơ từ phân trâu, bò, gà đã được ủ mục khoảng 1 năm và kết hợp bón phân vi sinh (đậu tương, ngô, cá) ủ khoảng 2 tháng để bón. 

Về phòng trừ bệnh, ông Thơ cho biết, cây có múi thường bị nặng về các bệnh loét, vi khuẩn, bệnh sương mai từ tháng giêng. Về sâu, có các loại rầy, rệp, nhện đỏ và bọ trĩ.

Cũng theo ông Thơ lưu ý, việc phòng sâu bệnh phải duy trì 3 đúng: Đúng đối tượng phòng trừ, đúng thời gian sâu bệnh xuất hiện và đúng cách.

Nếu không thực hiện cách chăm sóc cây bưởi đặc sản theo 3 đúng sẽ vừa tốn kém tiền đầu tư, mà hiệu quả không như mong muốn. Bên cạnh đó, cần bổ sung lượng phân chuồng phù hợp để bón cho cây sau mỗi vụ thu hoạch.

Bên cạnh việc trồng bưởi, ông Thơ còn nuôi hơn 100 đàn ong lấy mật. Theo ông Thơ, mỗi năm gia đình ông thu nhập thêm khoảng 100 triệu đồng từ tiền bán mật ong. Nếu tính cả bưởi và ong kết hợp, mỗi năm ông kiếm gần nửa tỷ đồng.

Ông Thơ cho biết, thời gian qua, ông đang tiếp tục mở rộng mô hình theo kiểu vườn cây kiểu mẫu bằng việc trồng xen kẽ giữa bưởi với cây đinh lăng, dược liệu. 

Nhờ trồng bưởi phù hợp với thổ nhưỡng nên cây bưởi phát triển rất tốt, ít bị sâu bệnh và sai trái mà tôi nuôi hai con khôn lớn nên người, có của ăn của để.

 

Nhờ trồng bưởi đỏ, bưởi đặc sản phù hợp với thổ nhưỡng nên cây bưởi phát triển rất tốt, ít bị sâu bệnh và sai trái mà tôi nuôi hai con khôn lớn nên người, có của ăn của để.

 

<

Tin mới nhất

Đồng hành với nông dân trong phát triển kinh tế(01/04/2025 5:31 CH)

Ngư dân Thanh Hóa trúng đậm loài cá dồi dào dinh dưỡng(01/04/2025 5:20 CH)

Ông nông dân Thanh Hóa này làm ra gần nửa tỷ/năm từ cây đặc sản "tiến vua"(01/04/2025 5:12 CH)

“Trái ngọt” từ những dự án giảm nghèo(01/04/2025 1:14 CH)

Tăng giá trị nông sản bằng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP(01/04/2025 12:48 CH)

Phát triển vùng chè nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu(24/01/2025 8:24 SA)

Người dân thoát nghèo từ mô hình nuôi vịt Cherry(24/01/2025 8:17 SA)

Khi nông dân xứ Thanh ứng dụng công nghệ số vào sản xuất(14/12/2024 9:48 CH)