Ông Cao Văn Minh (xã Phú Lộc) vui mừng là thành viên của Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Lộc
Được biết, Hợp tác xã đang thực hiện 6 khâu dịch vụ, trong đó có dịch vụ cung ứng vật tư đầu vào, triển khai ứng dụng khoa học-kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm nông sản cho các hộ thành viên,…
Ngoài ra, Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Lộc còn tích cực tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền về việc triển khai thực hiện tích tụ ruộng đất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Đặc biệt, đưa các loại cây, con có năng suất, chất lượng vào thực tiễn như: Cây ngô ngọt, khoai tây, ớt, cải bó xôi,…
Ông Hoàng Văn Toàn-Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Lộc chia sẻ: “Để tạo sự yên tâm cho thành viên tham gia sản xuất, chúng tôi đã chủ động tìm kiếm thị trường, đồng thời tìm hiểu các doanh nghiệp có đủ năng lực tiêu thụ khối lượng hàng hóa lớn để ký kết, hợp tác sản xuất.
Liên kết bao tiêu sản phẩm còn giảm thiểu rủi ro cho thành viên của hợp tác xã.
Như hiện nay, Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Lộc đăng ký kết với các đơn vị như: Công ty Xuất nhập khẩu thực phẩm rau quả Đồng Giao (tỉnh Ninh Bình), Công ty Thanh An (Ninh Bình),…".
Nâng cao đời sống người nông dân
Qua tìm hiểu, năm 2024, tổng sản lượng từ rau, củ, quả…các loại mà thành viên của hợp tác xã sản xuất đạt 6.122 tấn, trong đó được bao tiêu chiếm 50%.
Trồng rau trong nhà lưới mang lại nhiều lợi ích vượt trội so với trồng rau truyền thống ngoài trời.
Bà Hoàng Thị Hạnh (xã Phú Lộc) không lo đầu ra khi có sản phẩm.
Tổng doanh thu năm 2024, của hợp tác xã Nông nghiệp Phú Lộc ước đạt 23 tỷ đồng, qua đó góp phần cùng địa phương nâng cao thu nhập cho người dân.
Bà Hoàng Thị Hạnh (xã Phú Lộc, huyện Hậu Lộc) nói: “Tôi là thành viên của Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Lộc, hiện gia đình tôi làm 4 sào rau màu các nên thu nhập hàng năm cũng tương đối ổn định.
Việc tham gia vào hợp tác xã giúp nông dân chúng tôi tiếp cận thị trường tốt hơn, giảm thiểu rủi ro khi tạo ra sản phẩm”.
Để sản xuất thực sự có hiệu quả, Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Lộc luôn thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động các hộ thành viên hợp tác xã tham gia sản xuất.
Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm túc, theo đúng quy trình, nội dung đã thỏa thuận, ký kết giữa các bên nhằm đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Người dân Phú Lộc phủ lớp túi nilon lên luống dưa nhằm giữ ẩm cho đất, ngăn ngừa cỏ dại... Ảnh: V T
Hệ thống kênh nước kiên cố đảm bảo tưới, tiêu thuận lợi. Ảnh: V T
Ông Hoàng Văn Toàn cho biết: “Việc liên kết sản xuất chúng tôi thực hiện minh bạch, rõ ràng thông qua hợp đồng giữa hộ thành viên với hợp tác xã, giữa hợp tác xã với doanh nghiệp.
Đồng thời, các bên cần phải tuân thủ quy trình giám sát chặt chẽ nhằm quản lý chất lượng, bảo đảm uy tín, tạo sự tin tưởng, hợp tác lâu dài”.
Nhờ thực hiện tốt mô hình liên kết sản xuất-kinh doanh theo chuỗi giá trị đang nhận được sự đồng thuận cao của người dân Phú Lộc, cũng như thành viên hợp tác xã.
Qua đây, tạo thêm việc làm cho người lao động và chuyển đổi cơ cấu lao động trong nông nghiệp, hạn chế bỏ ruộng không sản xuất, đem lại thu nhập ổn định cho người dân. Năm 2024, thu nhập bình quân đầu người tại xã Phú Lộc (huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) ước đạt gần 78 triệu đồng/người/năm.