Cổng thông tin điện tử

Hội Nông dân tỉnh thanh hóa

Không chủ quan trước dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm

Đăng ngày 23 - 04 - 2025
100%

Những tháng đầu năm 2025, các loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm (GSGC) vẫn xảy ra trên phạm vi cả nước. Tại Thanh Hóa, tuy ổ dịch lở mồm long móng đã được nhanh chóng khống chế, các loại dịch bệnh khác vẫn được kiểm soát tốt nhưng với điều kiện chăn nuôi và thời tiết thời gian tới, ngành nông nghiệp yêu cầu các địa phương và người chăn nuôi không chủ quan, lơ là, tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi.

Thực hiện tiêu hủy lợn nhiễm bệnh theo đúng quy định tại xã Thạch Bình (Thạch Thành).

Ngay sau khi có thông tin về dịch lở mồm long móng xảy ra trên địa bàn huyện Thạch Thành, chị Hà Thị Yên, xã Minh Tiến (Ngọc Lặc) vô cùng lo lắng bởi năm nay, gia đình quyết định đầu tư mua thêm con giống để tăng đàn lợn. Sau khi được cán bộ thú y xã hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nhất là sau khi tái đàn, chị Yên đã đầu tư xây thêm một chuồng nuôi để tách con giống. Theo chia sẻ của chị: “Trước khi cho con giống nhập đàn, tôi đã áp dụng phương thức nuôi khô, không tắm cho lợn; sử dụng các chế phẩm sinh học độn chuồng; tăng cường bổ sung vitamin cho lợn con và tiêm phòng vắc-xin đầy đủ. Bên cạnh đó, hạn chế tối đa người ngoài ra, vào khu vực chuồng nuôi và định kỳ phun thuốc sát trùng xung quanh khu chăn nuôi; vệ sinh máng ăn, máng uống và các thiết bị, dụng cụ và phương tiện phục vụ trong chăn nuôi hàng ngày... Để tăng cường phòng bệnh lở mồm long móng, tại đường dẫn, cửa chuồng... tôi rắc thêm vôi bột để giảm phát tán mầm bệnh; sát trùng nguồn nước uống và diệt ruồi, muỗi, chuột... để hạn chế lây lan bệnh”.

Đối với xã Minh Tiến, địa phương có số hộ chăn nuôi GSGC lớn, khoảng 500 hộ, ngay từ đầu năm, với diễn biến phức tạp của thời tiết cùng những cảnh báo về tình hình dịch bệnh của ngành chăn nuôi, UBND xã đã đẩy mạnh tuyên truyền trên loa phóng thanh, các buổi họp của các thôn... về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, khuyến cáo người chăn nuôi không được chủ quan lơ là, cần áp dụng nghiêm ngặt để tránh thiệt hại trong quá trình sản xuất. Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm túc công tác tiêm phòng vắc-xin đợt 1. Ngay từ đầu năm, xã cũng đã rà soát, thống kê sơ bộ đàn GSGC, danh sách các chủ hộ để chủ động phối hợp chặt chẽ với chi cục chăn nuôi và thú y thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; tăng cường giám sát, phát hiện sớm ổ dịch.

Tại huyện Cẩm Thủy, để phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, huyện đã chỉ đạo các đơn vị, xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho Nhân dân về công tác phòng, chống dịch bệnh; tiến hành tiêm phòng đợt 1 năm 2025 và tiêm phòng bổ sung cho đàn GSGC mới phát sinh, chưa được tiêm phòng trong đợt chính. Cùng với đó, thực hiện nghiêm việc quản lý, kiểm soát hoạt động giết mổ, vận chuyển lưu thông động vật và sản phẩm động vật ra vào địa bàn; các hộ chăn nuôi cần có chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng phù hợp tăng sức đề kháng cho vật nuôi, thường xuyên vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại nhằm ngăn ngừa dịch bệnh.

Từ đầu năm đến nay, với các ổ dịch nguy hiểm, cả nước đã buộc tiêu hủy trên 18.926 con gia cầm và 5.200 con lợn; nhất là đã có 20 người tử vong do bệnh dại tại 13 tỉnh... Tại Thanh Hóa, đã xuất hiện 1 ổ dịch bệnh lở mồm long móng tại xã Thạch Bình (Thạch Thành). Tuy địa phương cùng Chi cục Chăn nuôi và Thú y nhanh chóng thực hiện các biện pháp cấp bách để khoanh vùng, khống chế và ngăn chặn dịch kịp thời nhưng đây cũng là “hồi chuông” khuyến cáo các hộ chăn nuôi vẫn có tâm lý chủ quan, chưa tích cực phối hợp trong việc tiêm phòng và nuôi nhốt khi bị bệnh. Thời gian tới, nắng nóng gay gắt kết hợp với những trận mưa lớn khiến khí hậu thay đổi đột ngột là môi trường lý tưởng cho các loại mầm bệnh lưu hành, phát triển. Vì vậy, nguy cơ dịch bệnh luôn hiện hữu và có thể bùng phát bất cứ lúc nào, đặt ra cho các địa phương không được phép lơ là, chủ quan, phải có biện pháp phòng tránh hiệu quả. Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa, người chăn nuôi cần có kế hoạch phát triển đàn phù hợp tiềm năng sản xuất và tiêu thụ; không nên tái đàn ồ ạt, nhất là tại các cơ sở chăn nuôi đã xảy ra dịch bệnh trong những năm trước. Bên cạnh đó, các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng vắc-xin đợt 1-2025, bảo đảm đạt tối thiểu trên 80% tổng vật nuôi hiện có được tiêm phòng, nhất là đối với bệnh nguy hiểm như bệnh dại, cúm gia cầm, lở mồm long móng... Cùng với đó, quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch; phân công lực lượng chủ động triển khai giám sát dịch bệnh đến tận thôn bản; không để việc sắp xếp tổ chức, bộ máy tại địa phương ảnh hưởng đến công tác phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh. Các địa phương cần quan tâm, hướng dẫn người dân chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; đẩy mạnh xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Đồng thời, bố trí kinh phí chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, vật tư, dụng cụ, hóa chất sát trùng, vôi bột, vắc-xin... Hơn hết, người chăn nuôi phải thường xuyên nâng cao nhận thức, trách nhiệm về nguy cơ xảy ra dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; không hoang mang và luôn chủ động áp dụng biện pháp phòng bệnh trên đàn GSGC.

<

Tin mới nhất

Không chủ quan trước dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm(23/04/2025 9:11 SA)

Lợi ích kép từ nguồn phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp(15/04/2025 4:19 CH)

Phát triển trang trại gắn với bảo vệ môi trường(29/03/2025 5:08 CH)

Hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp(24/01/2025 8:08 SA)

Tháo gỡ khó khăn trong áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp(19/10/2024 6:57 CH)

Thanh Hóa: Trên 500 cán bộ, hội viên nông dân được tập huấn cài đặt App nền tảng số Nông dân Việt...(31/08/2024 12:06 CH)

Huyện Đông Sơn triển khai cài đặt App "Nền tảng số Nông dân Việt Nam" tới cán bộ, hội viên(31/08/2024 11:47 SA)

Tăng cường kiểm soát dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho đàn gia súc, gia cầm(23/05/2024 2:44 CH)