Cổng thông tin điện tử

Hội Nông dân tỉnh thanh hóa

Phát huy vai trò của Hội Nông dân trong xây dựng kinh tế tập thể

Đăng ngày 20 - 05 - 2025
100%

Xác định phát triển kinh tế tập thể (KTTT) là một trong những nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên của các cấp Hội Nông dân (HND), thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa đã chú trọng đầu tư và hỗ trợ nông dân thực hiện tốt chương trình phát triển KTTT.

Nhiều kết quả tích cực

Các cấp Hội Nông dân ở Thanh Hóa đã thể hiện tốt vai trò và tinh thần trách nhiệm trong việc tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hội viên nông dân tham gia các hợp tác xã (HTX) và tổ hợp tác (THT). Hoạt động này nhằm thực hiện ngày càng hiệu quả hơn các liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, nâng cao giá trị gia tăng. Từ đó, cải thiện thu nhập, đời sống và phát triển kinh tế cơ bản bền vững cho người nông dân.

Hợp tác xã chế biến thuỷ sản xã Hải Bình, nước mắm Vị Thanh.
 

Nhằm củng cố và phát triển KTTT, các cấp Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, vận động và hỗ trợ hội viên tham gia phát triển KTTT trong nông nghiệp. Trong đó, việc tổ chức tuyên truyền Luật HTX và các văn bản hướng dẫn thực hiện của Trung ương và địa phương được ưu tiên hàng đầu.

Hội đã đẩy mạnh các phong trào thi đua do mình phát động, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, hội viên nông dân trong thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển KTTT, HTX…

Trong năm 2024, Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ đánh giá chứng nhận quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAP) cho sản phẩm lươn không bùn xã Đông Phú, huyện Đông Sơn; chứng nhận VietGAP (lần 2) cho sản phẩm gà thương phẩm của HTX chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản Yên Lâm và HTX Tân Hưng Phát xã Xuân Hưng, huyện Thọ Xuân; sản phẩm trứng gà của Chi HND nuôi gà siêu trứng xã Hà Châu, huyện Hà Trung; sản phẩm mật ong của HTX dịch vụ Mai An Tiêm, xã Nga Thạch, huyện Nga Sơn; sản phẩm gạo Viên Nội của HTX dịch vụ nông nghiệp xã Thiệu Viên, huyện Thiệu Hóa.

Hội cũng hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc cho 82 sản phẩm. Đồng thời, Hội cung cấp 19.000 tem, nhãn và 5.500 túi đựng sản phẩm cho HTX chế biến thủy sản Sông Yên (xã Quảng Nham) và Công ty TNHH nông nghiệp hữu cơ Thiên Bảo (TT Tân Phong, huyện Quảng Xương).

Hội đã tích cực vận động đăng ký và hướng dẫn xây dựng mới thành công cho 77 sản phẩm OCOP. Hội đã tổ chức 2 lớp tập huấn “Bồi dưỡng kiến thức phát triển kinh tế hợp tác và liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản" cho 80 Chủ tịch, Phó Chủ tịch HND cấp xã và giám đốc HTX; 10 lớp tập huấn "Quy trình, thủ tục đánh giá công nhận sản phẩm OCOP" cho 879 cán bộ và hội viên SXKD giỏi.

 

Hội đã phối hợp với Liên minh HTX tổ chức 1 lớp tập huấn nghiệp vụ cho 53 Kiểm soát viên của các HTX. Đồng thời, Hội cũng tổ chức 1 lớp tập huấn về Luật Doanh nghiệp và Luật HTX cho 50 cán bộ quản lý doanh nghiệp và HTX do Hội vận động, hướng dẫn thành lập. Hội đã trực tiếp vận động, tư vấn, hướng dẫn thành lập mới 273 Tổ hợp tác; 25 Hợp tác xã và 154 doanh nghiệp; số hội viên tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã là 15.132 người.

Hội đã hướng dẫn xây dựng được 57 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và theo hướng công nghệ cao, gắn với việc xây dựng chuỗi giá trị, điển hình như: mô hình sản xuất rau an toàn tập trung chuyên canh tại xã Vĩnh Long (Vĩnh Lộc); mô hình chuỗi sản xuất lúa gạo thương phẩm, chất lượng cao gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm tại xã Quảng Long (Quảng Xương); mô hình sản xuất lúa chất lượng cao tại phường Thiệu Dương (Thành phố Thanh Hoá); mô hình nuôi lươn không bùn tại xã Đông Phú (Thành phố Thanh Hoá); mô hình trồng hoa Thiên Lý xã Mậu Lâm (Như Thanh); mô hình trồng măng tây tại xã Ngọc Liên (Ngọc Lặc); mô hình nuôi cá lồng bè trên hồ thủy điện tại huyện Quan Hóa; sản xuất giống cá chình bông tại xã Hợp Thắng (Triệu Sơn); mô hình trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Hoằng Giang (Hoằng Hoá); mô hình sản xuất lúa giống tại xã Trung Chính (Nông Cống)…

Hội đã quan tâm triển khai thực hiện các hoạt động dịch vụ, tư vấn, dạy nghề và hỗ trợ nông dân tham gia phát triển nông nghiệp, kinh tế tập thể. Hội tiếp tục thực hiện tín chấp và nhận ủy thác với các ngân hàng cho nông dân vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tính đến tháng 2/2025, tổng dư nợ tín chấp và ủy thác với các ngân hàng cho nông dân vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh của các cấp Hội đạt 19.043 tỷ đồng. Hội cũng quản lý tốt nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân 38,9 tỷ đồng, triển khai 78 dự án cho 591 hộ vay.

Bên cạnh đó, Hội đã cung ứng được 7.421 tấn phân bón các loại theo phương thức chậm trả. Các cấp Hội phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, doanh nghiệp tổ chức 2.247 lớp tập huấn khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông, lâm, thủy sản cho 220.392 lượt cán bộ, hội viên, nông dân tham gia.

Hỗ trợ hội viên, nông dân quảng bá và tiêu thụ nông sản

Các cấp Hội tiếp tục vận động cán bộ, hội viên, nông dân thực hiện ứng dụng chuyển đổi số, hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hoá. Đến nay, đã có 19.736 hộ nông dân có tài khoản trên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn. Thông qua sàn này, gần 11.180 sản phẩm với tổng giá trị giao dịch đạt 2,53 tỷ đồng đã được thực hiện.

Hội cũng đã tổ chức các chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình phát triển kinh tế cho cán bộ, hội viên và phối hợp tham gia 73 cuộc hội chợ, quảng bá, giới thiệu sản phẩm.

Mô hình nuôi gà gà của gia đình bà Lê Thị Hải thị trấn Thường Xuân.
 

Điển hình như anh Lê Văn Đông ở thôn Hoàng Văn, xã Đông Phú (Thành phố Thanh Hoá) đã xây dựng hàng trăm mét vuông bể nuôi lươn không bùn, đầu tư cơ sở chế biến và hình thành chuỗi cung ứng, bao tiêu sản phẩm lươn thương phẩm, đạt doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm.

Dù không phải là người tiên phong phát triển mô hình nuôi lươn không bùn trên địa bàn tỉnh, anh Lê Văn Đông đã không ngừng tìm tòi và định hướng phát triển một cách bài bản. Không chỉ tìm kiếm, mở rộng hệ thống thương lái tiêu thụ lươn thương phẩm, anh Đông còn nghiên cứu để phát triển các sản phẩm lươn đã sơ chế như lươn cuộn thịt, lươn một nắng, lươn khô... Sau khi có được sản phẩm mẫu hoàn chỉnh, anh đem sản phẩm đó đến các cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị mini giới thiệu hoặc đăng trên trang facebook cá nhân.

Chẳng bao lâu sản phẩm đã được nhiều người biết đến và trở thành đầu mối tiêu thụ lớn. Hiện cơ sở chế biến lươn Đông Phát của gia đình anh Đông đã ký hợp đồng với một cơ sở tại tỉnh Quảng Trị tiêu thụ khoảng 1 tấn lươn mỗi tháng. Đồng thời, anh tìm hiểu, nghiên cứu để phát triển sản phẩm lươn cuộn và lươn một nắng trở thành sản phẩm OCOP.

Theo tính toán của anh Đông, mỗi tháng, các đầu mối tiêu thụ đã liên kết có nhu cầu thu mua khoảng 2,2 tấn lươn thương phẩm và các loại sản phẩm sơ chế từ cơ sở của gia đình. Nhờ đó, doanh thu hằng năm của gia đình đạt hơn 1 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng/năm.

Nắm bắt xu hướng phát triển trong chăn nuôi, từ năm 2017 đến nay, gia đình chị Lê Thị Thanh Hải trú tại (khu 1, thị trấn Thường Xuân, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa) đã mạnh dạn đầu tư trang trại nuôi gà siêu trứng theo hướng an toàn sinh học. Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật trong chăn nuôi nên trang trại gà của gia đình chị phát triển tốt, không có dịch bệnh, cho lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Nhờ áp dụng tốt quy trình chăm sóc, trang trại gà của gia đình chị Hải đạt tỷ lệ đẻ trên 8 vạn trứng mỗi tháng. Sản phẩm trứng sạch của gia đình chị được các bếp ăn tập thể trên địa bàn huyện đặt mua tại chỗ, sau khi trừ chi phí, thu lãi 30 triệu đồng mỗi tháng. Ngoài ra, trang trại còn tận dụng bán nguồn phân gà cho các hộ dân sản xuất nông nghiệp, tăng thêm thu nhập.

Tổ hợp tác “sản xuất miến dong truyền thống” thôn Vạn Thành, xã Thăng Long, huyện Nông Cống.

Những hoạt động cụ thể và thiết thực này đã giúp nông dân phát huy vai trò chủ thể, đóng góp tích cực vào sự phát triển của kinh tế tập thể và kinh tế nông nghiệp địa phương. Qua đó, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nông dân, đóng góp vào việc hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Theo ông Đăng Văn Quang - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa, trong thời gian tới, các cấp Hội Nông dân sẽ tiếp tục tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức của hội viên về vai trò của Hội trong phát triển KTTT nông nghiệp; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của hội để thực hiện tốt công tác hỗ trợ phát triển KTTT, đồng thời bồi dưỡng đội ngũ lãnh đạo và thành viên của các tổ chức KTTT trong nông nghiệp. Hội sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông nghiệp; tham gia các hội chợ giao thương, kết nối cung - cầu; hỗ trợ nông dân tiếp cận các nguồn vốn để phát triển KTTT và HTX; hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ; thực hiện tốt công tác phối hợp, hợp tác quốc tế về tham gia phát triển KTTT trong nông nghiệp.

<

Tin mới nhất

Phát huy vai trò của Hội Nông dân trong xây dựng kinh tế tập thể(20/05/2025 3:45 CH)

Khánh thành nhà ở cho hộ nghèo theo Chỉ thị 22-CT/TU tại huyện Quan Hoá(23/04/2025 9:00 SA)

Nuôi gà trên đệm lót sinh học, một nông dân ở Thanh Hóa bán được 8 lứa/năm(15/04/2025 4:37 CH)

Hội Nông dân tỉnh khai mạc Giải Pickleball năm 2025(15/04/2025 4:29 CH)

Tư vấn sức khỏe và tầm soát ung thư gan sớm cho 100 hội viên, nông dân huyện Cẩm Thủy(15/04/2025 4:11 CH)

Làm giàu từ sứa biển(01/04/2025 5:07 CH)

Chuyện về người nông dân bán nhà, vay lãi để khởi nghiệp(01/04/2025 1:09 CH)

Nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả(01/04/2025 12:44 CH)