Cổng thông tin điện tử

Hội Nông dân tỉnh thanh hóa

Mỗi làng nghề truyền thống, một nét đẹp riêng của người xứ Thanh

Đăng ngày 07 - 07 - 2015
100%

(VH&ĐS) Từ lâu Thanh Hóa được đông đảo du khách biết đến với những nghề, làng nghề nổi tiếng như: Mộc Đạt Tài, đúc đồng Thiệu Trung, chiếu cói Nga Sơn… Mỗi làng nghề lại chứa đựng một ý nghĩa, một nét đẹp riêng của người dân xứ Thanh.

Mỗi làng nghề, một nét đẹp riêng

Cùng với việc được thiên nhiên ưu đãi nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, đất màu mỡ, người dân Thanh Hóa với truyền thống cần cù, chịu khó, qua quá trình lao động, với bàn tay khéo léo và khối óc sáng tạo từ xa xưa đã xây dựng và phát triển nhiều nghề, làng nghề truyền thống, để lại cho con cháu “nguồn vốn” bất tận cho đến ngày nay.
 
Ở mỗi làng nghề truyền thống đều chứa đựng một câu chuyện riêng, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, một nét đẹp rất riêng của người dân Thanh Hóa.
 
Thanh Hóa được biết đến với nhiều nghề truyền thống như: Mộc Đạt Tài (Hoằng Hóa), làng nghề dệt chiếu cói (Nga Sơn), nghề câu mực của ngư dân vùng biển Hải Bình (Tĩnh Gia), bánh tráng làng Chòm (Thiệu Hóa), nghề gốm Lò Chum (T.P Thanh Hóa), làng nghề mây tre đan Hoằng Thịnh (Hoằng Hóa), nghề dệt thổ cẩm làng Ngọc (Cẩm Thủy), nghề đúc đồng Thiệu Trung (Thiệu Hóa), nghề bánh lá làng Trung Lập (xã Xuân Lập, Thọ Xuân)...
 
Có lẽ làng nghề truyền thống đặc sắc của Thanh Hóa đầu tiên phải kể đến đó là làng nghề đúc đồng xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa). Nghệ thuật đúc đồng đã phát triển lên một đỉnh cao rực rỡ với sự góp mặt của nhiều đời nghệ nhân xứ Thanh. Tuân thủ theo bí quyết đúc truyền thống từ khâu chọn nguyên liệu đến kỹ thuật làm khuôn, đốt lửa, căn độ sáng tối, lấy âm sản phẩm… trống đồng nơi đây được giới nghiên cứu và thị trường thẩm thụ đánh giá cao về hai tiêu chí kỹ thuật và mỹ thuật. Đó là những chiếc trống đồng đẹp về kiểu dáng, tinh xảo ở những họa tiết hoa văn, chuẩn mực về độ bóng, âm thanh. Những năm gần đây, làng nghề không chỉ được biết đến là một địa chỉ sản xuất nổi tiếng mà còn là điểm đến của nhiều du khách yêu thích khám phá.
 
Về với Thiệu Hóa, chúng tôi đến với làng Chòm (xã Thiệu Châu, Thiệu Hóa) trong ngày nắng tháng tư - cái nắng như dát thêm ánh vàng, tô thêm vẻ đẹp cho những sạp bánh tráng giữa làng quê yên ả, thanh bình.
 
Cùng với những nụ cười giòn tan của bọn trẻ nô đùa quanh xóm, nụ cười đôn hậu của người dân làng Chòm… tất cả tạo nên vẻ đẹp bình dị, đúng nghĩa của một làng nghề truyền thống. Làng Chòm với nghề làm bánh tráng từ lâu đời, được nối tiếp nhau qua nhiều thế hệ. Trải qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử nhưng đến nay nghề làm bánh tráng là một nghề không thể thiếu của nhiều gia đình trong làng. Hiện nay với sự ra đời của nhiều loại bánh kẹo, thế nhưng bánh tráng làng Chòm vẫn là thứ quà quê dân dã ngày càng hấp dẫn nhiều người. Cùng với nỗi nhớ về cây đa, giếng nước, sân đình, thì bánh tráng nơi đây vẫn là ký ức ngọt ngào nhất trong ký ức tuổi thơ của những đứa trẻ làng Chòm và cả chúng tôi - những người con xứ Thanh.
 
Kế đến là nghề gốm lò Chum - một trong những cơ sở sản xuất gốm quan trọng nhất của xứ Thanh và được nhiều tỉnh, thành trong cả nước biết đến.
 
Theo sử sách ghi lại, làng nghề gốm Lò Chum xuất hiện từ những năm sau thế kỷ XIX, do dân gốm phía Bắc (Thổ Hà và Đanh Xá) đưa về. Được nhân dân Thanh Hóa tiếp nhận và phát triển mạnh ở hai làng Đức Thọ Vạn và Cốc Hạ dọc hai bờ sông Bến Ngự. Sau quá trình phát triển, nơi đây đã hình thành một sự phân công tự nhiên: Đức Thọ Vạn chuyên sản xuất chum, vại, đồ đựng… còn Cốc Hạ chuyên sản xuất tiểu sành.
 
Sản phẩm gốm sành Lò Chum nổi tiếng vừa bền, vừa đẹp. Hàng gốm sành nơi đây không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà còn vượt ra cả tỉnh ngoài như: Quảng Nam, Quảng Bình, Hà Tĩnh... Cũng chính nơi đây đã sản sinh ra biết bao nghệ nhân nghề gốm mà tên tuổi của họ được lưu truyền, ái mộ.
 
Có thể thấy, ở những làng nghề truyền thống của quê hương Thanh Hóa không chỉ tạo được dấu ấn bởi sản phẩm tinh xảo được kết tinh từ đôi bàn tay khéo léo của người dân xứ Thanh, mà qua quá trình lao động đã tạo nên tinh thần đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Họ cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, thử thách để gìn giữ cho được “một cái nghề” - một nét văn hóa truyền thống riêng của họ.
 
Phát triển và gìn giữ cho thế hệ mai sau
 
Để làng nghề ngày càng phát huy được những giá trị tốt đẹp, đặc biệt là gìn giữ nét văn hóa đặc trưng của mỗi làng nghề truyền thống, tỉnh Thanh Hóa vừa có quyết định công nhận 30 làng nghề, làng nghề truyền thống và 10 nghề truyền thống. Trong đó có 24 làng nghề truyền thống gồm 8 làng nghề gây trồng và kinh doanh sinh vật cảnh tại 8 thôn thuộc xã Xuân Du (Như Thanh), 3 làng nghề làm nón tại Nông Cống, 4 làng nghề dệt chiếu cói huyện Nga Sơn, làng nghề đúc đồng xã Thiệu Trung, làng nghề bánh đa xã Thiệu Châu (Thiệu Hóa), làng nghề mộc Đạt Tài (Hoằng Hóa), làng nghề bánh gai xã Thọ Diên (Thọ Xuân), bánh lá xã Xuân Lập (Thọ Xuân), làng nghề ươm tơ dệt nhiễu Hồng Đô (Thiệu Hóa), làng nghề sản xuất vật liệu xây dựng và chế tác đá Đồng Thắng (Triệu Sơn), làng nghề gốm xã Hoằng Hợp (Hoằng Hóa).
Theo đó, nghề truyền thống, làng nghề và làng nghề truyền thống được hưởng các chính sách ưu đãi về phát triển ngành nghề nông thôn theo quy định tại Nghị định số 66/2006/NĐ-CP của Chính phủ và các chính sách có liên quan.
 
Cùng với sự vào cuộc của các cấp, ngành, để gìn giữ được những nét đẹp truyền thống của mỗi nghề mà ông cha để lại, phải kể đến những nghệ nhân như ông Lê Văn Bảy (đúc đồng ở Thiệu Trung, Thiệu Hóa), Thiều Quang Tùng (đúc đồng ở Đông Sơn)...
 
Trao đổi với chúng tôi, nghệ nhân Lê Văn Bảy cho biết: “Nghề đúc đồng của làng có từ ngàn xưa, chúng tôi may mắn được sinh ra trên mảnh đất này. Là thế hệ con cháu, chúng tôi có trách nhiệm gìn giữ và phát huy nghề truyền thống mà cha ông để lại, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.
 
Ông còn cho biết thêm, với cơ chế thị trường hiện nay, việc sản xuất ra được sản phẩm truyền thống đã là cả quá trình lao động vất vả, việc tìm kiếm thị trường và tiêu thụ sản phẩm còn khó khăn gấp bội lần. Vì vậy, gìn giữ được nghề truyền thống cho đến ngày nay là cả quá trình cố gắng, nỗ lực của tập thể cộng đồng dân cư, mà đơn giản chỉ là muốn gìn giữ nét văn hóa truyền thống tốt đẹp, gìn giữ hình ảnh của quê hương.
 
Trải qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, chúng ta thấy rõ hơn giá trị, ý nghĩa nhân văn cao cả, nét đẹp của mỗi làng nghề truyền thống được hình thành nên bởi lớp người đi trước và được gìn giữ, phát huy giá trị bởi thế hệ con cháu mai sau. Họ không chỉ là những nghệ nhân mà thực sự đang là những người “giữ lửa” cho mỗi làng nghề. Bởi họ không làm việc chỉ vì lợi ích kinh tế, đôi khi chỉ là gìn giữ cho con cháu một cái nghề, gìn giữ một nét đặc trưng của quê hương. Ấy là điều quý nhất, đặc trưng nhất của người dân làng nghề xứ Thanh.
 
Mỗi làng nghề mang một nét đẹp riêng của người dân xứ Thanh. Và điểm chung của những làng nghề truyền thống đó chính là tinh thần đoàn kết của cộng đồng dân cư, đặc biệt là việc cùng nhau giữ gìn cho được tinh hoa văn hóa mà ông cha để lại trong mỗi nghề truyền thống…

<

Tin mới nhất

4 đặc sản Thanh Hóa lọt vào top 100 món ăn và đặc sản quà tặng Việt Nam(13/05/2021 1:14 CH)

Chả tôm Thanh Hóa - món ngon khó quên(09/08/2016 8:17 SA)

Địa chỉ ăn vặt khi đến Thanh Hóa(14/03/2016 8:37 SA)

Để hiện thực “giấc mơ” du lịch bốn mùa(04/12/2015 9:18 SA)

Đẹp tươi danh thắng đảo Mê... (02/12/2015 2:23 CH)

Rượu siêu men lá - thơm đượm hương núi rừng(02/12/2015 2:20 CH)

Từ trận địa pháo phòng không đến điểm du lịch hấp dẫn(07/07/2015 3:40 CH)

Mỗi làng nghề truyền thống, một nét đẹp riêng của người xứ Thanh(07/07/2015 3:40 CH)