Kết quả đó có được là nhờ nhiều yếu tố, trong đó tinh thần dân chủ, để dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát được đặt lên hàng đầu.
Người dân là chủ thể
Tính đến thời điểm này, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) đã có 3 xã về đích NTM là Xuân Giang, Hạnh Phúc và Thọ Xương. Đây là một trong những huyện có tỷ lệ xã đạt chuẩn đứng top đầu của tỉnh. Yếu tố quan trọng nhất góp phần giúp Thọ Xuân đạt được kết quả trên là phát huy tinh thần dân chủ.
“Người dân được làm chủ hoàn toàn trong việc bàn bạc, triển khai đóng góp, thực hiện và giám sát các công trình xây dựng cơ bản như trường học, trạm y tế, đường GTNT, kênh mương nội đồng”, ông Lê Huy Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân, cho biết.
Ở xã Xuân Giang, khi phát động làm đường GTNT và nhà văn hóa thôn, BCĐ xã giao cho các thôn tổ chức họp dân, phổ biến chủ trương, để người dân tham gia đóng góp ý kiến sau đó lựa chọn phương thức thực hiện.
Bà Lê Thị Tạ, Trưởng thôn 12 xã Xuân Giang, cho hay, thôn 12 là một trong những thôn ít nhân khẩu nhất xã, trong khi tuyến đường GTNT cần bê tông hóa lên đến cả cây số nên việc huy động đóng góp gặp rất nhiều khó khăn. Để khách quan, lãnh đạo thôn mời tất cả các hộ dân đến nhà văn hóa sau đó đưa ra các giải pháp rồi để dân tự thống nhất mức đóng góp, cách thức thực hiện và giám sát công trình.
“Sau khi bàn bạc, bà con bầu ra một BCĐ, trong đó có thành viên giám sát, có thủ quỹ, kế toán… Còn mức đóng góp là 1,2 triệu đồng/khẩu, thu trong 3 vụ SX. Tuy nhiên, vì kinh phí thu ban đầu chưa đủ trang trải cho cả công trình nên chúng tôi vận động nhà thầu cho nợ và trả dần sau các vụ thu hoạch”, bà Tạ cho biết thêm.
Ngoài huy động đóng góp tiền, các thôn còn vận động nhân dân hiến đất, công trình trên đất và ngày công để làm đường. Việc vận động đóng góp đất, công trình trên đất là tự nguyện nhưng đối với ngày công lao động một số thôn ban hành hẳn “quy chế", nếu hộ nào làm không đủ ngày công quy định thì phải nộp tiền cho BCĐ để chi trả cho các hộ làm nhiều hơn.
Tôi hỏi ông Lê Văn Năm (51 tuổi) ở thôn 12: “Đóng góp như vậy có nặng quá không?”, ông Năm nói: “Nói không nặng thì không đúng bởi người dân thôn này hoàn toàn sống dựa vào nông nghiệp. Tuy nhiên, làm NTM là làm đẹp cho chính gia đình mình, thôn xóm mình nên chúng tôi nhất trí hoàn toàn. Với lại, việc đóng góp là do tập thể bàn bạc, thống nhất nên cũng không có gì phải lăn tăn. Định mức đó rồi, cứ thế đến hạn đem tiền đi mà nộp thôi”.
Lấy người dân làm chủ thể thực hiện đã giúp bản Tôm hoàn thành
Chương trình xây dựng NTM trong thời gian ngắn
Không áp đặt
Ngoài cấp xã, quy chế dân chủ trong xây dựng NTM cũng được triển khai ở cả những thôn, bản miền Tây xa xôi xứ Thanh.
Đầu quý II/2013 bản Tôm, xã Ban Công, huyện Bá Thước được BCĐ xây dựng NTM tỉnh, huyện, xã chọn làm thí điểm “bản NTM kiểu mẫu”. Ngày ấy 50 hộ dân với hơn 220 nhân khẩu SXNN đang manh mún, lạc hậu. Đồng bào chủ yếu trồng lúa nước nhưng năng suất đạt thấp (40-50 tạ/ha); tổng đàn trâu bò 46 con; đàn lợn 45 con và gia cầm 550 con; tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo chiếm hơn 90%; tỷ lệ hộ nghèo 14% (2012)…
Xuất phát điểm thấp, nhận thức của đồng bào về Chương trình xây dựng NTM gần như con số không nhưng với phương châm “dễ làm trước khó làm sau”, BCĐ xây dựng NTM các cấp đã phân công các thành viên thường trực “cầm tay chỉ việc” cho từng người, vận động bà con tham gia làm hàng rào, chỉnh trang vườn hộ, áp dụng tiến bộ KHKT vào trồng trọt, chăn nuôi, góp phần tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị canh tác.
“Muốn làm thành công NTM chúng ta phải để người dân nhìn thấy cái hay, cái được của Chương trình và tự nguyện tham gia xây dựng các tiêu chí thì NTM mới bền vững được”, ông Đỗ Thế Hạnh, Phó Giám đốc Sở NN - PTNT kiêm Chánh văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh Thanh Hóa. |
Ông Hà Thanh Khứt, Bí thư Huyện ủy, Trưởng BCĐ xây dựng NTM huyện Bá Thước, cho hay, để người dân miền núi tiếp cận miền xuôi, Bá Thước phải làm NTM theo hình thức cuốn chiếu. Cụ thể, xã tuyên truyền cho từng đảng viên trong Chi bộ để họ hiểu sâu sát về chương trình, sau đó các đảng viên đến một vài hộ dân trong bản vận động hiến đất, mở đường, làm chuồng trại chăn nuôi cách xa nhà ở… cuối cùng là lấy người dân tuyên truyền, vận động nhau cùng tham gia hoàn thiện các tiêu chí.
“Nhận thức của đồng bào dân tộc đang còn hạn chế nên việc vận động họ cùng chung tay xây dựng NTM phải thực hiện bài bản và có thời gian. Chính quyền các cấp chỉ ban hành chủ trương, vạch ra giải pháp còn cách làm thì không thể áp đặt mà phải để đồng bào lựa chọn”, ông Khứt nói.
Ví dụ, khi thực hiện tiêu chí giảm hộ nghèo, xóa nhà tranh tre dột nát, thay vì “áp” chỉ tiêu, thôn tự rà soát lựa chọn gia đình được hỗ trợ như trước đây thì nay, đồng bào được tham dự các cuộc họp, tổ chức bình xét công khai nhằm đảm bảo tính công bằng.
Sau khi thống nhất hộ dân được hỗ trợ, ngoài số tiền 10 triệu đồng của Chương trình, nguồn tự có của gia đình, bà con làng xóm người bỏ công người thêm tiền, vật liệu giúp đỡ để gia đình được hỗ trợ hoàn thiện ngôi nhà hoàn chỉnh, kiên cố.
Hay như việc đưa tiến bộ kỹ thuật SRI vào SX lúa. Mong muốn của huyện, xã là áp dụng mô hình trên toàn bộ diện tích nhưng để giải tỏa tâm lý hoài nghi của đồng bào về quy trình thâm canh mạ non, cấy mỗi cây một dảnh kết hợp phân nén dúi sâu nên bản Tôm chỉ làm thí điểm trên một diện tích nhỏ. Sau khi kết quả thu hoạch vụ mùa, năng suất bình quân tăng lên từ 30 - 50%. Kể từ đó, đồng bào không ai bảo ai, đồng loạt áp dụng mô hình SRI vào SX lúa.
Cụ Hà Minh Loan phấn khởi nói: “Từ ngày Chương trình NTM về bản Tôm, cán bộ không còn bắt ép dân bản phải làm thế này, làm thế kia nữa. Không những thế, ý kiến của đồng bào cũng được đưa ra bàn bạc, lựa chọn áp dụng vào thực tiễn”.
Sau 3 năm xây dựng NTM, có thể khẳng định xứ Thanh đã bước đầu thành công cả về công tác chỉ đạo, định hướng cũng như phát huy tinh thần dân chủ của người dân. Đây sẽ là tiền đề vững chắc góp phần giúp Thanh Hóa hoàn thành mục tiêu đến năm 2016 có 128 xã về đích NTM.