Cổng thông tin điện tử

Hội Nông dân tỉnh thanh hóa

Những nhà sáng chế gắn với ruộng đồng

Đăng ngày 14 - 05 - 2015
100%

 Từ lâu ta vẫn thường nghe câu nói: “người nông dân chân lấm tay bùn”, hoặc “ăn no, ngủ kỹ là nông dân”, ý nói đến nỗi vất vả trong lao động nông nghiệp và sự vô tư, trình độ dân trí thấp, không nghĩ sâu xa được của người nông dân Việt Nam. Thực tế, nhất là trong thời đại ngày nay, xem ra những định đề đó về người nông dân không còn phù hợp nữa? Vất vả thì có. Nhưng vô tư, ít nghĩ và kém cỏi thì không!

Người nông dân ngày nay không chỉ quanh năm dầu dãi “một nắng hai sương” trên thửa ruộng của mình, mà họ luôn có những phát minh, sáng kiến, sáng tạo đáng khâm phục. Trong cái “khó” ló cái “khôn”, những người nông dân Việt Nam vẫn thể hiện trí thông minh, sự chịu thương chịu khó và trách nhiệm với cộng đồng. Họ là những người nông dân thực thụ, gắn cả đời mình với ruộng đồng, với vườn cây, ao cá giữa nắng lửa ngày hè, giá rét ngày đông...; để rồi sau bao nhiêu trăn trở, lo toan, có những ngày quên ăn, những đêm mất ngủ, một lúc nào đó họ “bỗng” như một kĩ sư nông nghiệp, một chuyên gia về cơ khí nông cụ, không những “cứu” mình mà chính là giúp cộng đồng vượt lên gian khó.

Đôi khi cuộc đời chưa thể công bằng với tất cả. Nhưng giá trị  những suy nghĩ và hành động đúng, nhất là trong sáng tạo khoa học, thì không dễ gì lẫn lộn và cũng không chỉ là sự định đoạt của riêng cá nhân mình mà đủ được. Thực tiễn là thước đo cho những nỗ lực thấm đẫm mồ hôi và trí tuệ ấy. Ông Lê Văn Đáo - một người nông dân bình thường như bao người nông dân khác ở xóm Hùng Bạch, thôn Hương Quất, xã Thành Công, huyện Khoái Châu, Hưng Yên - suốt 30 năm qua đã không quản khó nhọc để mày mò, nghiên cứu chế ra loại thuốc trừ sâu bằng các loại thảo dược mà khi sử dụng không gây hại cho con người (ông còn tự mình nếm thuốc để chứng minh sự vô hại đó); đến nay đã qua 10 năm loại thuốc tự chế của ông được áp dụng  trên khu ruộng của chính gia đình mình cho kết quả tốt. Trong trường hợp này, có lẽ chỉ riêng sự kiên trì, quyết tâm và niềm tin vào công việc của ông Đáo cũng đã rất đáng trân trọng rồi - Đó cũng là phẩm chất của một người làm khoa học. Trên cao nguyên Lâm Đồng ít ruộng, nhiều rừng, quanh năm mát mẻ, người nông dân Nguyễn Hồng Chương (xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương) tuy trình độ văn hóa mới lớp 8, nhưng bằng niềm say mê và khát vọng cống hiến, đến nay đã trình làng 4 sáng chế, gồm: Máy gieo hạt, máy dồn đất vào vỉ xốp chạy bằng điện, máy đóng đất vào chậu để trồng hoa, máy đẩy vỉ xốp. Cùng với đó là cải tiến kỹ thuật 3 nông cụ bằng cơ giới, gồm: Máy xay trộn giá thể không băng tải, máy trộn giá thể có băng tải, máy vắt nước cho rau, vòi phun thuốc trừ sâu tự chế hạn chế gây hại cho người và tăng NSLĐ... Anh liên tục đạt được 3 danh hiệu dành cho nhà sáng chế và Giải thưởng tài năng trẻ toàn quốc, Giải thưởng Lương Định Của. Năm 2008, chiếc máy gieo hạt của anh được Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam công nhận Thương hiệu Việt và cấp chứng nhận Điển hình sáng tạo Việt Nam.

Một khi người nông dân thành nhà khoa học, thành kĩ sư nông nghiệp ngay trên đồng ruộng quê mình thì sản phẩm sáng tạo của họ bao giờ cũng có tính hiệu quả cao, tính khả thi lớn. Đơn giản là vì sản phẩm sáng tạo khoa học - kỹ thuật đó được tạo ra ngay từ  nhu cầu và thực tiễn mà người nông dân ấy gắn bó hàng ngày. Như anh Nguyễn Văn Hòa, nông dân thôn Tiền Phong, xã Phú Lâm, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, từ thực tế quê hương và nghề nông của mình, đã tìm tòi chế ra máy hút sâu chè áp dụng ngay vào thực tiễn, được Hội Nông dân Việt Nam trao Giải Nhì trong cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn quốc lần thứ 3 (2010). Hay như anh nông dân Lê Công Thành ở xã Phú Lâm, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai đã miệt mài nghiên cứu sản xuất thành công máy gieo hạt các loại rau, phục vụ cho nghề trồng rau ngay tại địa phương - sản phẩm đạt Giải Nhì tại Hội thi Sáng tạo KHKT tỉnh Đồng Nai.

Lòng yêu nghề cộng với sự say mê tìm tòi, nghiên cứu với mong muốn giảm gánh nặng lao động và tăng thu nhập cho người nông dân, chính là động lực để những người nông dân có được những sáng tạo khoa học kỹ thuật có giá trị. Anh Trần Mên là nông dân sống và lao động sản xuất gắn với rừng, với núi ở khu Đồn Điền, phường Hà Khẩu, Thành phố Hạ Long, Quảng Ninh. Qua thực tế, anh đã nghiên cứu và năm 2012 đưa ra các giải pháp nhằm bảo tồn 3 loại dược liệu quý hiếm, gồm: trà hoa vàng, kim tuyến, kim vàng. Năm 2013 anh lại đưa ra 4 giải pháp mang tính sáng tạo cao dành cho 4 loài cây quý khác, đó là: Thiên thạch, vàng sâm chèo mèo, bình vôi, cây “7 lá 1 hoa”... Những giải pháp của Trần Mên được các nhà chuyên môn đánh giá tốt.

Trong khi việc chế tạo máy móc phục vụ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp đang là mặt yếu của các đơn vị cơ khí nông nghiệp, thì nhiều nông dân lại cho ra những sản phẩm cơ khí có giá trị thiết thực và giá thành lại phù hợp với thu nhập người nông dân. Anh Bùi Sỹ Tới ở thôn Trung Tâm, xã Nậm Búng, huyện Văn Chấn, Yên Bái, hiện đang là chủ một xưởng sản xuất máy cày mini, cung cấp máy giúp nông dân cày bừa trên những thửa ruộng bậc thang ở vùng núi Yên Bái, giảm rất nhiều công sức và thời gian làm ruộng. Nông dân Nguyễn Văn Nổi, 49 tuổi ở thôn Văn Trường Đông, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, đã chế tạo được máy diệt chuột bằng động cơ cũ từ một máy cưa, mang lại hiệu quả tốt. Rồi ông Tô Văn Ơn, nông dân ở thôn Mỹ Trang, xã Mỹ Châu, Phù Mỹ, Bình Định, từ thực tế sản xuất ở quê, đã mày mò sáng chế ra chiếc máy bào rác tre... Còn nhiều lắm những người nông dân “chân lấm tay bùn”, chỉ bằng khát vọng và ý chí vượt khó đã làm nên những sáng tạo khoa học kỹ thuật, mà thông thường đó là sản phẩm của những kỹ sư, những nhà nghiên cứu.

Điều rất đáng trân trọng nữa là trong Hội thi Sáng tạo KHKT của các tỉnh, thành trên cả nước, hầu như không có tỉnh nào là không có những giải pháp của nông dân gửi dự thi; thậm chí nhiều giải pháp của nông dân còn đạt giải cao trong các Hội thi. Tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ 10 (2012 - 2013), có 15/130 giải pháp của nông dân tham dự (chiếm 11,5%); trong đó có tới 5 giải pháp của nông dân đạt giải: 1 Giải Nhất, 1 Giải Ba và 3 Giải Khuyến thích (chiếm 1/3 tổng số giải pháp dự thi của nông dân - một tỷ lệ rất cao). Ở nhiều tỉnh khác cũng tương tự như vậy với nhiều sáng kiến, giải pháp của nông dân đạt giải cao. Sáng kiến Bàn trượt cắt rạ của nông dân Bùi Văn Võ ở Cẩm Lạc, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh đạt Giải Nhì Hội thi sáng tạo kỹ thuật của tỉnh; nông dân Nguyễn Đình Tường ở Châu Đốc - Vũng Tàu với sáng tạo máy ép trấu đã đạt Giải Nhất Hội thi sáng tạo kỹ thuật nhà nông của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lần thứ 4; Máy ép bạc cây siêu tốc của ông Văn Khén ở Khóm 8, thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn, Cà Mau, đạt Giải Nhì tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Cà Mau; ông Lê Phước Lộc ở huyện Cái Bè, Tiềng Giang đạt Giải Nhất Hội thi tỉnh với sản phẩm máy dập lỗ màng phủ nông nghiệp... Hàm lượng trí tuệ trong những “sản phẩm nông dân” ấy đâu có ít hơn so với kỹ sư và nhà nghiên cứu? Nhưng có một điều chắc chắn rằng, số tiền phải chi để có được những sáng tạo KHKT ấy thấp hơn nhiều...

Sáng tạo kỹ thuật của nông dân trong sản xuất nông nghiệp ngày càng phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu. Tính phức tạp và mức độ hiện đại của sản phẩm kỹ thuật cũng ngày một cao. Đó là điều đáng mừng. Tuy nhiên, để phong trào sáng tạo KHKT trong nông dân phát triển mạnh mẽ và mang lại hiệu quả cao hơn,  những chính sách, chế độ, cơ chế của Nhà nước nhằm khuyến khích và nhân rộng những sáng tạo kỹ thuật có giá trị, cũng như hỗ trợ trực tiếp về tài chính cho những người nông dân là tác giả của các sáng tạo hữu ích, cần được bổ sung và hoàn thiện với thủ tục đơn giản, kịp thời, lấy hiệu quả làm đầu.

 
Ngày 11/3/2014, trong buổi làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhiều vấn đề liên quan đến lợi ích của người lao động đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng quan tâm chỉ đạo. 

Về chính sách đối với ngư dân, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu: “Bộ NN & PTNT rà soát lại theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm thúc đẩy kinh tế biển, góp phần giữ chủ quyền quốc gia; nghĩa là cần chăm lo, khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ tối đa cho ngư dân với những chính sách cụ thể...Việc hỗ trợ ngư dân ra biển phải nhắm tới chính sách giúp người dân đóng tàu lớn, tàu bằng sắt, công suất lớn thay cho tàu gỗ nhỏ thì ngư dân mới có thể đi xa được. Về vốn cho chương trình hỗ trợ ngư dân, ngân hàng không được để ngư dân đi đánh bắt trên biển xa mà chịu lãi suất cao. Phải có chính sách hỗ trợ bảo hiểm cho tất cả những người lao động đi biển. Tai nạn trên biển không thể lường trước được nên bảo hiểm tính mạng, thương tật rất quan trọng mà việc này chúng ta hoàn toàn làm được. Cần đẩy mạnh việc hỗ trợ trang bị thiết bị định vị cho tàu cá để người trong bờ biết tàu đang ở tọa độ nào, rất cần thiết cho việc tiếp ứng, cứu hộ...”.
 

<

Tin mới nhất

Thanh Hóa: 150 hội viên nông dân được tập huấn kiến thức khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông...(15/04/2024 11:10 SA)

QUỸ HỖ TRỢ NÔNG DÂN TỈNH THANH HÓA GIẢI NGÂN 500 TRIỆU ĐỒNG CHO HTX DỊCH VỤ NÔNG NGHIỆP TRUNG CHÍNH(15/04/2024 10:49 SA)

Hội Nông dân huyện Đông Sơn lan tỏa phong trào "Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi"(01/02/2024 10:02 SA)

“Đòn bẩy” giúp nông dân vượt khó, làm giàu(01/02/2024 9:42 SA)

419 hội viên nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, hộ khuyết tật của Hội ND TP Thanh Hoá được giúp đỡ(19/01/2024 4:33 CH)

Góp phần cải thiện, nâng cao đời sống hội viên(19/01/2024 4:13 CH)

Hội Nông dân huyện Nông Cống tổng kết công tác Hội năm 2023 (18/12/2023 6:10 CH)

Vừa là nơi giao lưu văn hóa, vừa cung cấp các kiến thức pháp luật cần thiết cho nông dân(11/12/2023 4:59 CH)